Báo Quảng Nam ngày 6.1 có bài viết “Còn đâu đạo lý làm con?”, phản ánh về việc sáng 3.1 hàng trăm người dân thôn Xuyên Tây 2 (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) và nhiều người đi đường tỏ ra bức xúc trước cách hành xử thiếu đạo lý của ông T.T.C. khi đóng kín cửa nhà, khóa chặt cổng ngõ, không cho đưa bàn thờ, di ảnh của người mẹ vừa qua đời vào nhà để phụng thờ. Mới đây, ông Trần Thành Cương, trú tại Xuyên Tây 2 có đơn gửi đến Tòa soạn Báo Quảng Nam nhận mình là người con trai trong bài viết và khiếu nại một số nội dung...
Ngôi nhà của ông Cương, nơi xảy ra sự việc vào sáng 3.1.2014. |
Cán bộ, nhân dân cùng chứng kiến
Trong đơn, ông Trần Thành Cương thừa nhận gia đình ông có xảy ra mâu thuẫn và sự việc được phô bày trong đám tang của mẹ mình. Ông Cương viết: “Trong diễn biến sự việc, để tránh xung đột có thể dẫn đến xảy ra những điều đáng tiếc và chuẩn bị cho lễ tế linh theo nghi thức tôn giáo nên tôi không ở nhà nhưng tôi đã bảo các con mở cổng, mở cửa mời đem bàn thờ vào nhà, nhưng có trễ một chút... Khi chính quyền thị trấn Nam Phước mà trực tiếp là ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND đến giải quyết, dùng điện thoại của con tôi gọi tôi về thì tôi về ngay và khiêng bàn thờ vào nhà với sự trợ giúp của một vài người”.
Về vấn đề này, chúng tôi xin được nói rõ, sáng 3.1, ngay sau khi nhận được thông tin qua đường dây nóng, phóng viên Báo Quảng Nam lập tức có mặt tại hiện trường. Lúc ấy cổng ngõ và cửa nhà ông Cương vẫn khóa chặt, đóng kín. Quá bức xúc, những người trong tộc họ và chòm xóm dỡ hàng rào lưới B40 khiêng bàn thờ, liễn, di ảnh... vào đặt trước hiên nhà. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của đông đảo người thân, tộc họ ông Cương và bà con hàng xóm.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, bà T.T.T. - em gái ruột ông Cương cho biết thêm, ông Cương có 4 người con gái và 1 người con trai. Lúc ở nhà bà T., con trai ông Cương đã đồng ý đưa bàn thờ, di ảnh bà nội về ngôi nhà do bà nội dựng xây để thờ phụng, hương khói. Nhưng, sau đó con trai ông Cương mang lư hương đi nơi khác, sau này bà T. mới biết là mang xuống gửi ở chùa Nam Tôn thuộc xã Duy Thành. Lúc này, người thân, tộc họ của bà T. yêu cầu phải đem lư hương về lại hoặc ông Cương phải về nhà chứ không thể mang di ảnh, bàn thờ mẹ vào trong nhà khi không có lư hương và ông Cương vắng mặt. Một cán bộ phụ nữ thị trấn Nam Phước nói: “Lúc mang bàn thờ, di ảnh xuống nhà ông Cương, cửa đóng then cài thì làm răng vô được, phải dỡ hàng rào đưa vào hiên. Anh Hưng (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước - P.V) vận động con gái ông Cương đưa bàn linh vô nhưng tộc họ không cho vì chưa có lư hương. Nếu đưa vô rồi mà ông Cương về không đồng ý thì răng. Rồi nói con gái ông Cương điện thoại cho ba về. Nhưng chờ mãi không thấy, bức xúc, mọi người nói sự việc sẽ được thông báo đến đơn vị của con trai ông Cương đang công tác thì khoảng 10 phút sau ông Cương mới quay về nhà”.
Không vô cảm?
Trong đơn, ông Trần Thành Cương còn viết: “Con trai tôi phục vụ tang lễ đầy đủ, đứng lạy tạ những người đi phúng điếu, trong đó có đoàn của Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận thị trấn Nam Phước. Dựa vào đâu tác giả cho rằng thờ ơ, vô cảm?”.
Chúng tôi xin nói rõ rằng, với mỗi người trong chúng ta, mẹ là người mang nặng đẻ đau, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất không thứ gì đánh đổi được. Trong trường hợp này, khi mẹ qua đời, ông Cương là con trai duy nhất mà không ngó ngàng, không chịu phục tang mẹ, mọi việc đều giao phó cho con trai, như thế không phải là vô cảm chăng? Bà T.T.T. - em gái ông Cương cho biết, trong suốt quá trình tổ chức tang lễ cho mẹ không thấy bóng dáng vợ chồng ông Cương. Lúc khâm liệm, con trai ông Cương có mặt nhưng không biết vì sao khi bắt đầu nghi lễ phục tang lại bỏ về. Hôm sau, bà T.T.T. và bà con trong tộc thuyết phục, vợ chồng người con trai và con gái út ông Cương mới lên chịu tang. Mẹ qua đời, là con trai duy nhất nhưng ông Cương cùng vợ và ba đứa con gái còn lại không chịu tang, vậy có thờ ơ, vô cảm hay không?
Nội dung đơn khiếu nại của ông Cương còn đặt ngược vấn đề rằng, ở quê ông khi nước lũ về, các nhà khó qua lại với nhau; đặc biệt, nhà ông thấp lụt, không ai đến được thì làm sao biết ông để mẹ đói khát; nếu đói khát, đến khi lũ rút làm sao còn sống để đi mua bánh tráng?
Những năm qua, nhiều lần tác nghiệp tại huyện Duy Xuyên vào các đợt lũ lớn, chúng tôi thấy tại khu vực thôn Xuyên Tây 2, mà cụ thể là đoạn ngang nhà ông Cương, mực nước lũ dâng cao chừng 0,5 - 1m, người lớn lội bộ là chuyện bình thường. Cần nói thêm, nhà ông Cương nằm trên tuyến ĐT610A, nhà cửa san sát nhau, hiển nhiên mọi liên lạc với bên ngoài hoàn toàn không thể bị cắt đứt. Vả lại, nước lũ lớn nhanh rồi rút, chứ không gây cô lập dài ngày. Chúng tôi đã gặp nhiều người sống tại thôn Xuyên Tây 2 như bà H., ông T., nhất là người sống cận kề nhà ông Cương, hầu hết đều rất bức xúc khi kể lại những chuyện ông đối xử tệ bạc với mẹ ruột của mình.
Vì nguyên tắc bảo mật danh tính cho người cung cấp thông tin nên trong bài viết này chúng tôi không nêu rõ họ tên, chỗ ở, chức vụ đang công tác của những người hàng xóm, một số cán bộ chính quyền, đoàn, hội của thị trấn Nam Phước. Tuy nhiên, toàn bộ các cuộc trao đổi đăng ở phần trên cũng như trong bài báo trước đều được phóng viên Báo Quảng Nam ghi âm đầy đủ, rõ ràng. Xin được nói thêm, trong đơn khiếu nại, ông Cương cho rằng tác giả bài báo đã bôi nhọ danh dự bản thân ông và gia đình rất lớn. Chúng tôi xin được nhắc lại, sự việc xảy ra sáng 3.1 có hàng trăm người chứng kiến gồm lãnh đạo địa phương, bà con hàng xóm và khách đi đường, ai nấy đều bất bình. Vậy, tác giả bài viết bôi nhọ danh dự bản thân ông hay chính ông đã tự bôi nhọ bản thân mình và gia đình? Câu trả lời có lẽ nên nhường cho độc giả.
MAI NHI - HOÀI PHI