Trở lại danh xưng Cần Húc

NGUYỄN DỊ CỔ 19/12/2015 07:38

Tưởng chừng sau bài viết “Khảo về danh xưng “Cần Húc” của TS. Huỳnh Công Bá (2002) thì địa danh Cần Húc đã được xác định rõ cả về nguồn gốc ngữ nghĩa lẫn về diên cách địa lí: “đó chính là “Cồn Úc”, (...) thời xưa người dân xóm chài nơi đây đã đem cá úc phơi trên cồn. (…) Tên gọi Cồn Úc ra đời từ đó, chứ không phải là địa danh có nguồn gốc Champa gì cả”, “Cần Húc chính là sự kí âm lệch chuẩn từ Cồn Úc mà ra và đây chỉ là nơi đặt hành điện của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào năm 1602”.

Bãi bồi trên sông Thu Bồn. (Ảnh minh họa)Ảnh: MINH HẢI
Bãi bồi trên sông Thu Bồn. (Ảnh minh họa)Ảnh: MINH HẢI

Song từ năm 2002 đến nay vẫn còn có nhiều cách hiểu khác về địa danh này. Năm 2006, Nguyễn Sinh Duy cho rằng: “Cần Húc là âm sắc thông tục của dân gian thừa tiếp gọi một xứ ở của cư dân cũ có tên là Kan Hu, nghĩa là lò luyện đúc đồng. Ngữ dạng 勤 旭 [Cần Húc] chẳng qua là cách phiên âm từ tiếng Chăm”. Năm 2010, Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền dẫn lại ý kiến của Nguyễn Văn Xuân: “Cần Húc là tên gọi trại từ Cồn Úc, (…) đất này có rất nhiều cá Úc và cồn đất này dùng để phơi cá úc nên được gọi là Cồn Úc, sau này các sử quan chép thành Cần Húc” rồi phát biểu: “Xem ra cái luận điểm danh xưng Cần Húc xuất phát từ tiếng Chăm Kan Hu (lò luyện đúc đồng) của Nguyễn Sinh Duy là rất có căn cứ” và bổ sung: “Những người Việt mới đến đã xóa cái tên Cần Húc (lò luyện đúc đồng) của người Chiêm xưa để đổi thành Phước Kiều nhằm tưởng nhớ đến đất tổ nghề đúc ở Lạng Sơn. Đấy chính là nguyên nhân cái tên Cần Húc, mà ngày nay bao nhà nghiên cứu cất công tìm kiếm, bị lãng quên”. Năm 2015, Châu Yến Loan lại đưa ra kiến giải hoàn toàn mới lạ: “Cần Húc là một xã vạn chài (…) Vì nó nằm về phía Đông của Dinh trấn Thanh Chiêm nên gọi là xã Vạn Đông, về sau cải thành Văn Đông. Về nghĩa thì “Đông” có nghĩa là hướng mặt trời mọc cũng tương tự nghĩa với “Húc” là mặt trời mới mọc”.

Rốt cuộc, “Cần Húc” là gì?

Châu Yến Loan dựa vào tự dạng chữ Hán “Húc旭” để cho rằng có nghĩa “mặt trời mới mọc”, giống với nghĩa từ cầu Thê Húc ở Hồ Gươm, là hoàn toàn chưa đủ cơ sở. Bởi, địa danh “Cần Húc” được ghi chép bằng các tự dạng chữ Hán khác nhau, có những nghĩa khác nhau cũng như những âm Hán Việt khác nhau, theo Huỳnh Công Bá là: “Cần Húc”, “Cần Hốc”, “Cần Hào”, “Khám Hào”… Thêm nữa, theo tôi, việc dựa vào tự dạng chữ Hán để lí giải địa danh trên địa bàn xứ Quảng hay vùng đất trước kia thuộc Chăm thì càng phải trở nên cẩn thận, ví như không thể giải thích các địa danh Câu Lâu, Thu Bồn, Vu Gia… từ mặt chữ Hán.

Tên gọi Kan Hu có nghĩa là “lò luyện đúc đồng” của Nguyễn Sinh Duy tuy có lí nhưng cũng còn đó những điều chưa thỏa đáng. Theo Phan Anh Dũng (Huế), Kan Hu sẽ không có nghĩa là “lò luyện đúc đồng”. Và tự dạng chữ Chăm Kan Hu của Nguyễn Sinh Duy chính là kơnghu (kơng tiếng Chăm nghĩa là đồng). Xem ra “Kan Hu”, “Kơnghuk” (Kơngpadhuk) có thể chính là cơ sở để kí âm thành “Cần Húc”. Tuy nhiên, xét về vị trí địa lí và làng nghề đương thời, “Cần Húc” không thể là xuất phát từ hoặc/và kí âm cho địa danh có nghĩa là “lò luyện đúc đồng”.

Như vậy cách giải thích “Cần Húc” chính là “Cồn Úc” của Huỳnh Công Bá và Nguyễn Văn Xuân hoàn toàn đủ độ tin cậy, bởi đều quan sát từ thực. Huỳnh Công Bá còn công phu hơn dựa vào mặt chữ Nôm “Cồn Úc” trong các văn bản sưu tầm tại địa phương đó để chứng minh, mặc dù các chữ Nôm này không có chữ nào viết với tự dạng thuộc về nghĩa con cá Úc. Song, về “xuất xứ” địa danh “Cồn Úc”, chưa thấy Nguyễn Văn Xuân nói đến yếu tố Chăm, còn Huỳnh Công Bá khẳng định không có yếu tố Chăm. Ngược lại với quan điểm trên, tôi lại cho rằng địa danh này có yếu tố Chăm như nhiều địa danh khác ở đây.

Biến âm từ Chăm

Theo tôi, “Cần Húc” là sự biến âm của từ Chăm “kan u'” hoặc “kan uk”. Trong ngữ hệ Nam Đảo, “kan = ikan” của tiếng Chăm, “akan” của tiếng Jrai đều có nghĩa là “cá”. Ngoài ra, “Cần” là sự Việt hóa âm tiết Kìn / Kam / Kan / An (nghĩa là “cá”) trong tiếng Khmer - ngôn ngữ của các tộc người cư trú gần với tộc người Chăm. Chính từ “Kan” này đã biến âm thành “Càn”, “Cờn”, “Cần”, gắn với các các tên gọi “Đại Càn”, “đền Cờn”, “Phương Cần”, “Cần Hải” và gắn với tín ngưỡng thờ cá cũng như gắn với các xóm/làng “Vạn”. Mà rất nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng ở vùng mang địa danh “Cần Húc” này có xóm/làng Vạn Đông trong đó. Cũng cần nói thêm rằng, trong tiếng Chăm, “kanu'” (đọc liền thành 1 âm tiết) có nghĩa là “gò”, sẽ gần nghĩa với “cồn”. Phan Anh Dũng giải thích, “u'” có thể là tên cá Úc (dấu nháy ' để ký hiệu nguyên âm U dài của tiếng Chăm khác với U ngắn), có lẽ do nguyên âm U' dài của tiếng Chăm nên người Việt có cảm giác phía sau nó còn một phụ âm nữa nên đã phiên ra Úc, cũng có sách phiên là Áo, tuy không có phụ âm cuối nhưng vẫn có nguyên âm cuối -o thể hiện tính dài của U'... Như vậy “kan u'” hoặc “kan uk” có thể chỉ là “cá Úc”. Cá Úc là “vật sản” của địa phương, được ghi chép trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức vào khoảng 1820 - 1822 và cũng được kê vào các bộ từ điển: Dictionarium Anamitico Latinum1772 - 1773 của Pierre Pigneaux de Béhaine (1773) với mục từ “cá úc: một thứ cá bùn lầy”, Dictionarium Anamitico Latinum của AJ.L.Taberd (1772 - 1838) có kèm tự dạng chữ Nôm của từ “úc”, Tự điển Việt - Pháp của J.F.M. Genibrel (1898) cũng có kèm tự dạng chữ Nôm của từ “úc”.

Huỳnh Công Bá vẫn chưa lí giải mối quan hệ ngữ âm của “Cần Húc”, “Cần Hốc”, “Cần Hào”, “Khám Hào”. Người viết bài này sẽ bổ túc bằng chứng minh mối quan hệ ngữ âm của chúng. Quan hệ giữa “uc” và “ôc” ta có: phiên âm Hán Việt “Hindu” là “Thân độc” hoặc là “Thiên trúc”; “đục” (âm tiền Hán Việt) = “trọc” (âm Hán Việt); “hục tốc” và “hộc tốc”; “~u” trong tiếng Hán sẽ có các âm Hán Việt là “(~)u/ô, (~)uc/ôc”… Quan hệ giữa “uc” và “ao” có: “Trà Úc” = “Trà Áo”, chỉ vịnh Đà Nẵng; “thục = thạo”, chỉ sự đã quen (thuần thục, thành thạo); nước “Úc” là cách gọi tắt của “Úc-đại-lợi-á” hoặc “Áo-đại-lợi-á”; trong Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu có một số chữ Hán có âm đọc Hán Việt là “úc” cũng đọc thông với “áo”… Quan hệ giữa “úc”/ “áo” (không có phụ âm “h”) và “húc” (hoặc/và “hốc”) cũng có nhiều trong từ điển của Thiều Chửu.

Như vậy, có thể thấy rằng, danh xưng “Cần Húc” cùng các biến âm của nó như “Cần Hốc”, “Cần Hào”, “Khám Hào”… là chỉ về địa danh Cồn Úc và là sự kí âm của từ “kan u'” hoặc “kan uk” trong ngôn ngữ của tộc người Chăm - chủ nhân ban đầu của vùng đất đang đề cập trước khi người Việt đặt chân đến. Địa danh Cần Húc là nơi có nhiều cá Úc không chỉ trước kia mà còn là sản vật ẩm thực nổi tiếng của dòng sông Thu Bồn hiện nay.

NGUYỄN DỊ CỔ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại danh xưng Cần Húc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO