Những mô hình phát triển nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế sẽ được huyện Phú Ninh “tiếp sức” cho bà con nông dân thông qua các chính sách hỗ trợ để đầu tư, mở rộng kinh doanh.
Mạnh dạn khởi nghiệp
Dù mới chập chững bước vào nghề gần 3 năm nay nhưng Nguyễn Ngọc Hiền (32 tuổi, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) là một trong những người trồng hoa có tiếng trên địa bàn tỉnh. Với quy mô khoảng 1,5ha cùng hệ thống nhà kính, nhà lưới… mô hình trồng hoa của anh Hiền thuộc dạng “khủng” nếu đem so với nhiều vườn hoa khác trên địa bàn. Học quản trị kinh doanh, từng làm việc cho một công ty của Nhật với mức lương hậu hĩnh nhưng với bản tính thích tự lập, đam mê kinh doanh, anh Hiền xin nghỉ việc để… đi buôn! Anh buôn đủ thứ, nhiều nhất là buôn bán phân bón cho nông dân ở thời điểm phong trào trồng dưa hấu phát triển mạnh tại Phú Ninh.
Mô hình trồng hoa, cây cảnh của anh Ngô Văn Hiền (xã Tam Đại, huyện Phú Ninh). Ảnh: VINH ANH |
Một thời gian, nhìn thấy không thể gắn bó lâu dài với nghề kinh doanh phân bón, anh Hiền đã bỏ quê vào Sài Gòn học nghề trồng hoa cảnh theo sự giới thiệu của một người quen. “Qua tìm hiểu, mình biết nhu cầu về hoa cảnh ở khu vực miền Trung, nhất là TP.Đà Nẵng ngày càng cao. Trong khi nguồn cung chủ yếu vẫn phải nhập từ miền Nam về với giá cả đắt đỏ và chất lượng không đảm bảo do bị tác động bởi quá trình vận chuyển. Từ thực tế đó, mình quyết tâm phải học bằng được nghề trồng hoa để về quê hương lập nghiệp” - anh Hiền chia sẻ.
Khoảng 1 năm vừa học vừa làm, sau khi đã tích lũy được những kinh nghiệm, kỹ thuật cơ bản về trồng hoa, Hiền trở về địa phương thực hiện dự định ấp ủ bấy lâu. Quê ở xã Tam Vinh nhưng Hiền lại tìm đến thôn Khánh Tân (xã Tam Dân) để thuê đất trồng hoa do lợi thế về đất đai và giao thông. Với vốn đầu tư ban đầu chỉ hơn 100 triệu đồng, Hiền vừa làm, vừa lặn lội tìm kiếm thị trường, từ các chợ hoa, shop hoa đến các khu du lịch. Nhiều đơn đặt hàng hoa đã đến với Hiền, từ đó anh đã mở rộng thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Năm 2016, anh vay gần 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống nhà kính với diện tích 3.500m2. Nhờ đó, anh đã tránh được thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều vào dịp cuối năm 2016. Dự kiến, trong năm 2017, anh Hiền sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 1 tỷ đồng nữa để xây dựng hệ thống nhà lưới. Toàn bộ kinh phí đầu tư ban đầu là do anh Hiền vay ngân hàng, mượn gia đình và một ít từ lợi nhuận kinh doanh thời gian qua. Anh cho biết: “Đã dấn thân vào con đường kinh doanh thì không thể tự bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Nếu muốn làm ăn lâu dài, phải đầu tư thêm về công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khó của thị trường. Tuy nhiên, số vốn đầu tư quá lớn so với khả năng, do vậy mình rất mong nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện từ các chính sách trợ lực của Nhà nước”.
Tiếp sức để phát triển
Không ít mô hình về phát triển kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp của nông dân đã và đang hình thành trên quê hương Phú Ninh. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ và vừa, ít có mô hình kinh tế nào được đầu tư lớn, dẫn đến khả năng kinh doanh trên thị trường chưa cao. Người nông dân dù muốn nhưng do năng lực tài chính có hạn nên khiến cho việc đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh gặp khó. Trong khi thị trường về nông nghiệp ngày một “khó tính”, khi nhu cầu về sản phẩm sạch, chất lượng là tất yếu. Do đó, người nông dân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang rất cần sự trợ lực và ưu đãi từ các chính sách của Nhà nước về vay vốn, thuê đất giá thấp để kinh doanh… Như mô hình trồng hoa của anh Ngô Văn Hiền chẳng hạn. Thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, vừa qua anh đã được tạo điều kiện vay 300 triệu đồng với lãi suất thấp để đầu tư mở rộng sản xuất. Và dự kiến, sau khi làm phương án đầu tư hoàn chỉnh, anh Hiền sẽ được UBND huyện hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng thông qua chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp nông thôn vừa được HĐND huyện phê duyệt. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hiền cho biết: “Nếu được huyện hỗ trợ, những nông dân như tôi sẽ có thêm vốn đầu tư để mở rộng sản xuất. Điều đó sẽ tiếp thêm động lực để chúng tôi cố gắng và phát triển hơn nữa”.
Theo ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, để trợ lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2022, Nghị quyết 18 của HĐND huyện nêu rõ những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho nông dân. Ví dụ như chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay để sản xuất kinh doanh; hỗ trợ sau đầu tư với các mô hình trồng hoa, cây cảnh, trồng rau an toàn, chăn nuôi tập trung… ở mức tối đa là 400 triệu đồng/ha... Căn cứ theo nghị quyết của HĐND, hiện nay, Phòng NN&PTNT đang đề nghị một số hộ nông dân tham gia trồng hoa, cây cảnh, trồng rau an toàn, cây dược liệu… tiến hành làm phương án đầu tư để huyện hỗ trợ kinh phí cho từng mô hình cụ thể nhằm mở rộng phát triển sản xuất.
Chẳng hạn, với mô hình trồng hoa, cây cảnh của anh Ngô Văn Hiền, huyện dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 200 triệu đồng cho gia đình liên quan đến kinh phí đầu tư hệ thống nhà kính. Đồng thời sẽ hỗ trợ 200 triệu đồng/ha cho 2 mô hình trồng rau an toàn tại xã Tam An và Tam Phước; hỗ trợ khoảng 25 triệu đồng/ha đối với mô hình trồng cây cà gai leo ở xã Tam Đại và mô hình trồng cây nghệ đỏ ở xã Tam Lộc… Ngoài ra, trong năm 2017, dự kiến huyện sẽ tạo điều kiện để một doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo tập trung tại xã Tam Thành với quy mô 2.700 con heo nái, nhằm cung cấp nguồn heo giống trên địa bàn. Ông Anh cho biết: “Với các chính sách tập trung hỗ trợ phát triển trong nông nghiệp, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế quy mô, mang lại hiệu quả cao và giải quyết được nhiều lao động ở địa phương”.
VINH ANH