Trở về đất mẹ - Kỳ 1: Muôn nẻo... hồ sơ

Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ 10/07/2017 08:48

Phóng viên Báo Quảng Nam vừa có hành trình cùng Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam (thuộc Sư đoàn 309, Quân đoàn 4) ngược về phương Nam đón 64 hài cốt liệt sĩ trở về quê hương Quảng Nam. Một hành trình đầy cảm xúc, trong những ngày tháng 7 thắm đỏ nghĩa tình trên lá cờ Tổ quốc, tri ân những người đã ngã xuống vì hòa bình…

Đại tá Nguyễn Quang Ngọc - thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 96 (bên trái) đưa hài cốt đồng đội về nơi an táng trên đất mẹ Quảng Nam. Ảnh: THÀNH CÔNG
Đại tá Nguyễn Quang Ngọc - thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 96 (bên trái) đưa hài cốt đồng đội về nơi an táng trên đất mẹ Quảng Nam. Ảnh: THÀNH CÔNG

KỲ 1: MUÔN NẺO… HỒ SƠ

Trước từng chuyến đưa hài cốt đồng đội trở về quê mẹ, thành viên trong Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam phải trải qua hàng tháng trời vật lộn với cả đống hồ sơ ngổn ngang, để vừa đảm bảo đúng về mặt pháp lý, vừa tránh sự nhầm lẫn những hài cốt đưa về. Những gian truân bắt đầu, ngay từ khi chúng tôi chưa khởi hành…

Ngược xuôi lo thủ tục

Bước qua lằn ranh sinh tử, những cựu binh trở về vẫn đau đáu nỗi niềm về bao đồng đội đã hy sinh còn nằm lại đâu đó nơi đất khách, dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm. Họ vẫn không nguôi thao thức niềm mong mỏi sớm đưa đồng đội trở về quê hương bản quán.

Đầu giờ chiều của một ngày cuối tháng 5, bên ngoài phòng họp của Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức, một người phụ nữ ôm xấp giấy tờ, với dáng đi rụt rè và vẻ mặt đầy thấp thỏm âu lo. Đến sớm hơn giờ hẹn gần 30 phút, bà không giấu được sự lo lắng khi mang hồ sơ xin di chuyển hài cốt em chồng mình từ Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh về Hiệp Đức. Người đàn bà ấy là Trần Thị Hồng, chị dâu của liệt sĩ Thái Kỷ.

Liệt sĩ Thái Kỷ hy sinh vào tháng 8.1978. Chồng bà Hồng - anh ruột của liệt sĩ Thái Kỷ - là người đứng tên thờ cúng theo quy định của pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có chồng bà Hồng mới là đại diện hợp pháp được di chuyển hài cốt liệt sĩ Kỷ. Thế rồi, vào năm 2011, chồng bà Hồng mất. Bà thay chồng thờ cúng liệt sĩ, nhưng chẳng mảy may quan tâm đến việc sang tên người thờ cúng vì nghĩ rằng “đó là việc mình nên làm như lâu nay vẫn thế”. Mãi đến khi được Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam thông báo sẽ đưa hài cốt em chồng về, những rắc rối mới bắt đầu nảy sinh. Nhờ sự giúp đỡ của Ban liên lạc, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hiệp Đức cùng xã Bình Lâm giải quyết rất nhanh việc chuyển tên người thờ cúng liệt sĩ Kỷ sang cho bà Hồng. Tưởng vậy là xong, ai ngờ bà Hồng lại xin được… “có thêm ý kiến”, là vì tuổi cao nên nhờ con trai đi thay. “Tất nhiên là được, miễn là chị viết giấy ủy quyền cho cháu nó đi” - một vị trong Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam lên tiếng. Khuôn mặt bà giãn ra, lộ vẻ hân hoan. Giấy ủy quyền cũng hoàn thành mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Vậy mà, trưa hôm lên xe bắt đầu hành trình vào Nam, chúng tôi giật mình khi gặp lại bà Hồng. Thì ra, con trai nhập viện đột xuất nên bà phải thay con vào Nam theo đoàn liên lạc.

Sau nhiều năm không xác minh được chính xác vị trí hài cốt liệt sĩ Võ Đình Diêu vì trùng thông tin, ông Võ Đình Tuấn (bên trái) đã đưa được hài cốt em trai trở về. Ảnh: T.C
Sau nhiều năm không xác minh được chính xác vị trí hài cốt liệt sĩ Võ Đình Diêu vì trùng thông tin, ông Võ Đình Tuấn (bên trái) đã đưa được hài cốt em trai trở về. Ảnh: T.C

Chuyện thủ tục khiến Ban liên lạc nhiều lúc dở khóc dở cười. Có khi chỉ trước giờ khởi hành vài tiếng đồng hồ, thân nhân liệt sĩ báo ốm. Những người trong ban liên lạc phải chạy ngược chạy xuôi cùng thân nhân liệt sĩ hoàn thành việc ủy quyền để khởi hành đúng giờ. Căng nhất là trường hợp của ông Võ Đình Tuấn ở xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức, là anh ruột của liệt sĩ Võ Đình Diêu. Mấy chục năm qua, năm nào gia đình ông cũng lặn lội vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành, TP.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) để thăm viếng, nhang khói cho em mình. Nhưng cách đây vài năm, ông phát hiện ra cũng tại nghĩa trang này có một mộ liệt sĩ khác trùng thông tin với mộ mà gia đình ông lâu nay thăm viếng, chỉ khác năm hy sinh: một ghi năm 1978, một ghi năm 1979. Từ những năm sau đó, mỗi lần vào, gia đình ông đều nhang khói cho cả 2 ngôi mộ. Nhưng kể từ khi gia đình có nguyện vọng đưa hài cốt liệt sĩ Võ Đình Diêu về quê, nỗi lo đâu mới đích thực là mộ em mình luôn thường trực trong tâm trí ông Tuấn. Gia đình ông bất lực. Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam vào cuộc, sau những chuyến vào Tây Ninh và các cơ quan liên quan, cùng tra cứu, đối chiếu những dữ kiện liên quan, đã đi đến khẳng định bia mộ ghi năm hy sinh 1979 là chính xác của liệt sĩ Võ Đình Diêu em ruột ông Tuấn; còn mộ kia là của một liệt sĩ quê ở Khánh Hòa. Những trắc trở được tháo gỡ, cũng giải tỏa luôn nỗi lo của gia đình ông Tuấn suốt nhiều năm dài băn khoăn.

Sáu tháng cho một ngày

Trong quá trình hoàn tất hồ sơ để di chuyển hài cốt liệt sĩ, Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam còn gặp không ít trường hợp thân nhân liệt sĩ mấy chục năm không được hưởng chế độ thờ cúng bởi nhiều lý do khách quan. Như trường hợp của thân nhân liệt sĩ Nguyễn Tấn Dũng (ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên), khi liệt sĩ Dũng hy sinh, cha ruột Nguyễn Bưởi là người thờ cúng và nhận chính sách hỗ trợ liên quan. Nhưng những năm sau này, ông Bưởi mất mà gia đình không thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan liên quan để thay đổi người đại diện thờ cúng về mặt pháp lý, nên từ đó đến trước tháng 5.2017 gia đình không nhận được hỗ trợ thờ cúng nào theo luật định. Trong dịp vừa qua, Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam phát hiện ra vụ việc, đã hỗ trợ hoàn tất thủ tục để thân nhân liệt sĩ Dũng được nhận hỗ trợ thờ cúng từ tháng 5.2017.

Trước hôm thực hiện chuyến đi, chúng tôi gọi cho Đại tá Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang, thành viên Ban liên lạc), là người đảm nhiệm phần lớn công việc hoàn thành hồ sơ cho những lần quy tập hài cốt. Ông thường trực ở TP. Hồ Chí Minh, cùng anh em trong Chi hội 5 Nghĩa tình đồng đội hoàn tất những thủ tục trước giờ xuất phát. Mỗi chuyến đi, là một niềm mong mỏi của người thân, thế nên Ban liên lạc luôn tỉ mẩn, rà soát từng chi tiết để “không vì một sai sót nhỏ mà làm hỏng cả một chuyến đi” như ông luôn tâm niệm.

Nhiệt thành là thế, nhưng những trục trặc vẫn thường xảy ra. Nên ngoài chúng tôi và những thân nhân liệt sĩ, các cựu binh của Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam chẳng ngạc nhiên gì trước một vài cái lắc đầu của chính quyền địa phương sở tại khi không đồng ý ký vào văn bản cho phép di dời hài cốt liệt sĩ. Muôn vàn lý do cho… những cái lắc đầu. Như tháng 12 năm ngoái, có một thân nhân quên mang chứng minh nhân dân (CMND) để đối chiếu, địa phương không cho thực hiện di dời, dù hồ sơ đã đầy đủ và được 2 bên thống nhất trước đó. Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam đưa ý kiến giải quyết bằng cách người thân của thân nhân này ở nhà sẽ chụp hình hay scan CMND rồi gửi qua thư điện tử vào. Vẫn là cái lắc đầu. Không còn cách nào khác, gia đình phải gửi CMND bằng đường hàng không vào, rồi nhờ người thân ở TP.Hồ Chí Minh nhận và mang đến mới xong việc.

Không phải lần nào, Ban liên lạc cũng gặp được một cái kết vẹn tròn như vậy. Gia đình liệt sĩ Thân Văn, đã trải qua sau 3 lần liên hệ xin di chuyển hài cốt ở Nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) nhưng bất thành. Sau mỗi lần gặp, lại tất tả ngược xuôi chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, xong vẫn “mắc ở đâu đó” mà gia đình không thể hoàn thành như yêu cầu. Phải đến khi Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam vào cuộc mới biết nguyên nhân là sự khác nhau trong cách ghi giữa giấy báo tử của gia đình và hồ sơ huyện Gò Dầu. “Giấy báo tử ghi E521 - F52  (E là trung đoàn, F là sư đoàn - PV), còn hồ sơ huyện Gò Dầu ghi E1 - F2. Đó là 2 cách ghi khác nhau, nhưng cùng ý nghĩa là Trung đoàn 1, Sư đoàn 2. Chính xác hơn, thì E521 - F52 chính là phiên hiệu của E1- F2 khi lực lượng này làm nhiệm vụ ở Campuchia. Vậy mà cả 3 lần, họ đều không nói cho gia đình liệt sĩ Văn biết để sửa hồ sơ cho thống nhất” - Đại tá Ngọc cho hay. Nhìn theo cái lắc đầu ngao ngán của ông, hẳn rằng ông và đồng đội của mình đã phải dốc sức với cuộc chiến mang tên “hồ sơ” như thế nào. Ban liên lạc Trung đoàn 96 cùng những đồng đội đã “chiến đấu” suốt 6 tháng ròng, trong đó có 3 tháng nước rút xuôi ngược hàng nghìn cây số hoàn tất thủ tục hồ sơ. Chỉ để chuẩn bị cho một ngày: ngày các anh, 64 liệt sĩ ngã xuống ở chiến trường Campuchia hơn 30 năm trước, được trở về…

______
Kỳ 2: Trên chuyến xe đêm

Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở về đất mẹ - Kỳ 1: Muôn nẻo... hồ sơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO