Rất ít ỏi nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh sử dụng nguyên liệu khoáng sản đầu vào có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc mua nguyên liệu là khoáng sản trôi nổi trên thị trường nảy sinh nhiều hệ lụy xấu.
Tận thu cát trắng trái phép ở rừng phòng hộ Pacsa qua địa bàn xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ).Ảnh: TRẦN HỮU |
UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu là khoáng sản. Theo quy định, từ ngày 1.1.2017, tất cả doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu khoáng sản phải có giấy phép mỏ, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay, các doanh nghiệp gấp rút hoàn tất các hồ sơ thủ tục xin cấp mỏ, nhưng cũng có đơn vị “thờ ơ” với quy định của pháp luật.
Hoạt động trước, tìm nguyên liệu sau
“Nhiều nhà máy sử dụng nguyên liệu trôi nổi, trái quy định của Nhà nước. Chính quyền một số nơi buông lỏng quản lý, cho phép khai thác đất sét không đúng quy định pháp luật. Tình trạng lợi dụng dự án để bòn rút tài nguyên, gây hệ lụy mất đất sản xuất, môi trường bị suy thoái, thất thu ngân sách... là có thật”. (Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT) |
Theo Sở TN&MT, đến nay trên địa bàn tỉnh có 38 cơ sở sản xuất gạch, ngói của 34 tổ chức, cá nhân, tập trung chủ yếu ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, thị xã Điện Bàn và TP.Tam Kỳ. Công ty TNHH Yeou Lih Silica Sand Việt Nam dù được Bộ TN&MT cấp giấy phép khai thác cát trắng nhưng không thể thực hiện do nằm trong khu vực rừng phòng hộ Pacsa. Còn Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam đang tiến hành khai thác với trữ lượng hơn 3,4 triệu tấn cát trắng, công suất khai thác 180 nghìn tấn/năm, thời hạn hoạt động đến hết tháng 7.2025. Ngoài ra, các địa phương còn cho phép một số tổ chức, cá nhân khai thác đất sét thông qua hình thức cải tạo đồng ruộng, nạo vét lòng hồ, đào ao nuôi cá... với tổng trữ lượng 1 triệu mét khối.
Thời gian qua, nạn khai thác đất sét trái phép diễn ra rầm rộ, tàn phá môi trường, gây thất thoát tài nguyên. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận, khai thác nguyên liệu trái phép có thời điểm còn quy mô hơn công trường hợp pháp. “Bất cập là thời gian qua vùng nguyên liệu không có nguồn gốc cụ thể, chúng tôi không biết doanh nghiệp nào giải thể rồi do họ không báo cáo. Ở huyện Đại Lộc có 3 cơ sở gạch men hoạt động hiệu quả nhưng sử dụng nguồn nguyên liệu từ TP.Đà Nẵng, không sử dụng đất nguyên liệu ở Quảng Nam” - ông Viễn thông tin. Ngay cả nhà máy kính nổi Chu Lai mua cát trắng ở đâu để chế biến, cơ quan chức năng cũng không nắm chắc.
Từ ngày 1.1.2017, các nhà máy phải chứng minh nguồn gốc khoáng sản Tổng nhu cầu nguyên liệu theo thiết kế của các nhà máy chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh ước cần khoảng hơn 1 triệu mét khối đất sét/năm, 1,5 triệu tấn đá vôi và 0,6 triệu tấn cát trắng mỗi năm. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 3 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng gần 400 nghìn mét khối gồm Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh (xã Duy Hòa, Duy Xuyên), Hợp tác xã gạch không nung Hiệp Hưng (thuộc Cụm công nghiệp xã Đại Quang, Đại Lộc) và Công ty TNHH Phú Hương khai thác tại thôn Mực (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang). Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 18.5.2016 của UBND tỉnh yêu cầu đầu tư các dự án chế biến khoáng sản phải gắn với nguồn nguyên liệu được quy hoạch hoặc các hợp đồng nhập khẩu khoáng sản. Từ ngày 1.1.2017 trở đi, các nhà máy sản xuất, chế biến có sử dụng nguyên liệu là khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải được cấp giấy phép khai thác hoặc phải có hợp đồng nhập khẩu khoáng sản mới được phép hoạt động. Nghiêm cấm thu mua, khai thác trái phép nguyên vật liệu là khoáng sản (như đất sét, cát trắng, đá vôi, cát xây dựng, đất san lấp...) làm nguyên liệu sản xuất. |
Phổ biến các nhà máy đi vào hoạt động nhưng chưa có vùng nguyên liệu sử dụng là khoáng sản thông thường. Ông Đặng Phú Thạch, đại diện bộ phận nguyên liệu của Công ty CP Prime Đại Lộc cho biết, công ty hoạt động 9 năm nay. Nguyên liệu khoáng sản để sản xuất do nhà máy tự tìm mỏ, thu mua các đối tác hoặc ký hợp đồng với nhà cung cấp. Nhà máy có 7 - 8 chủng loại nguyên liệu phải dùng, lâu nay Công ty CP Hóa chất mỏ miền Trung là nhà cung cấp nguyên vật liệu chính thức (chiếm 25 - 30% tổng nguồn nguyên liệu). Doanh nghiệp này thừa nhận lấy đất chủ yếu từ TP.Đà Nẵng, mua đất từ đơn vị trung gian. Còn theo ông Nguyễn Văn Quyết - Giám đốc Công ty CP Đại Hưng, nhà máy gạch hoạt động từ năm 2006 đến nay nhưng thông tin quy hoạch mỏ nguyên liệu trên địa bàn rất hạn chế. Có những khu vực công ty khảo sát có nguyên liệu nhưng lại không nằm trong quy hoạch mỏ của UBND tỉnh. Thực tế, trước đây do các quy định của Luật Khoáng sản chưa chặt chẽ, nên các nhà máy vừa sản xuất vừa tự tìm kiếm nguồn nguyên liệu sử dụng, tổ chức khai thác hoặc mua đất nguyên liệu bằng nhiều hình thức khác nhau. Còn Luật Khoáng sản hiện hành yêu cầu nghiêm ngặt, các nhà máy chế biến bắt buộc phải có giấy phép khai thác mỏ nguyên liệu.
Biến tướng “rút ruột” tài nguyên
Vì sao nhiều nhà máy sản xuất không chịu đầu tư mỏ nguyên liệu? Câu trả lời nằm ở chỗ: nếu xin giấy phép cấp mỏ, doanh nghiệp tốn kém rất nhiều chi phí, thuế theo luật định, trong khi việc mua bán trôi nổi trên thị trường giá thường rẻ hơn rất nhiều, giảm chi phí đầu tư. Đây là nguyên nhân lý giải số doanh nghiệp được cấp phép mỏ khai thác đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường (gạch, ngói) ở Quảng Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Phương Nam - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng, đóng chân tại huyện Đại Lộc cho hay, doanh nghiệp thành lập 20 năm nay, tất cả nguyên liệu đều lấy từ việc cải tạo đồng ruộng. Mọi quy trình, tận thu đất đều triển khai rất chặt chẽ, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Nguồn đất sét hiện chưa được cấp phép mỏ. Thực tế ở địa bàn, một số doanh nghiệp đã lợi dụng dự án cải tạo đồng ruộng bán đất cho doanh nghiệp khác. Có doanh nghiệp còn đem đất bán ra ngoài, không làm đúng mục đích sử dụng, trong khi đơn vị rất cần đất sản xuất lại không có. “Nếu doanh nghiệp không có mỏ thì phải ngưng hoạt động, thời gian còn 5 tháng nữa không biết xoay xở thế nào. Theo nguyên tắc, muốn cấp phép mỏ phải có giấy phép thăm dò, trong khi chúng tôi phải làm thủ tục qua nhiều cửa chính quyền, ít nhất mất 6 tháng mới cấp phép” - ông Nam lo lắng. Tương tự, ông Võ Chí Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Ninh, đóng chân tại huyện Đại Lộc thì nêu khó khăn về thủ tục cấp mỏ. Theo doanh nghiệp này, một đống hồ sơ, tờ trình gửi về tỉnh từ nhiều tháng nay nhưng vẫn chưa có phản hồi. Trước đây, tận thu đất bằng phương án cải tạo đồng ruộng phân cấp về cho huyện, sau này thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Tận thu đất sét sát chân cầu Hố Lấm (thôn Hòa Hữu Tây, xã Đại Hồng, Đại Lộc) vào năm 2015.Ảnh: TRẦN HỮU |
Thực tế thời gian qua nhiều nơi trên danh nghĩa lập dự án cải tạo đồng ruộng, nạo vét lòng hồ, đào ao nuôi cá nhưng thực chất là lấy nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến. Cá biệt có dự án hạ độ cao các công trình hồ chứa để lấy nguyên liệu đe dọa tuổi thọ công trình. Theo ông Nguyễn Viễn, trữ lượng và công suất khai thác khoáng sản đất sét, cát trắng đã cấp phép cho các đơn vị chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy đã đầu tư. “Nhiều nhà máy sử dụng nguyên liệu trôi nổi, trái quy định của Nhà nước. Chính quyền một số nơi buông lỏng quản lý, cho phép khai thác đất sét không đúng quy định pháp luật. Tình trạng lợi dụng dự án để bòn rút tài nguyên, gây hệ lụy mất đất sản xuất, môi trường bị suy thoái, thất thu ngân sách... là có thật” - ông Viễn khẳng định.
Để siết chặt quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu các cơ quan chức năng tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong hoàn tất các thủ tục lập mỏ, cung cấp thông tin quy hoạch mỏ nguyên liệu cho doanh nghiệp. Giao Công an tỉnh xử lý dứt điểm nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc; đề nghị Sở Xây dựng bổ sung quy hoạch nguồn nguyên liệu. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép mỏ khai thác cho các doanh nghiệp nhưng nghiêm khắc xử lý các đơn vị chế biến, sử dụng khoáng sản không rõ nguồn gốc.
TRẦN HỮU