Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bình Định Nam và một số địa phương thuộc vùng tây huyện Thăng Bình chủ động chuyển những diện tích đất lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây cà gai leo. Mô hình này mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Hiệu quả kinh tế cao
Cây cà gai leo đã phủ lên vùng đất cằn cỗi Bình Định Nam một màu xanh ngắt. Những thửa ruộng hoang hóa, không chủ động nước tưới trước đây giờ đã được trồng thay thế loại cây dược liệu này. Đang chăm sóc cho ruộng cà gai leo, chị Trịnh Thị Ký (tổ 2, thôn Thanh Sơn, Bình Định Nam) cho biết, gia đình chị có 5 sào đất canh tác lúa. Tuy nhiên, do hạ tầng thủy lợi nơi đây chưa được đầu tư đồng bộ nên lâu nay vụ hè thu nào chị cũng phải chấp nhận bỏ hoang hơn một nửa diện tích. Khoảng 2 năm trở lại đây, cây cà gai leo bỗng dưng được thương lái thu mua với giá khá cao, chị Ký đi khắp nơi cắt về bán để có nguồn thu nhập. Rồi tình cờ, chị biết ở địa phương có người đang trồng cà gai leo nên quyết định chuyển 5 sào ruộng của mình và thuê thêm 5 sào ruộng bỏ hoang của một số hộ dân lân cận để đầu tư canh tác loại cây này. Sau 4 tháng chăm sóc, mới đây chị Ký tiến hành thu hoạch 1 sào cà gai leo trồng ở lứa đầu và thu được 20 triệu đồng. Chị Ký hồ hởi: “Trồng cây cà gai leo, tôi ước tính số tiền lời thu được từ 1 sào đất trong mỗi vụ ít nhất là 10 triệu đồng. Trong khi các giống cây trồng khác phải phụ thuộc vào nguồn nước, cà gai leo thì ngược lại, ruộng càng khô thì chúng càng phát triển tốt”.
Với hiệu quả kinh tế rất cao, nhiều hộ dân ở Bình Định Nam ào ạt mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo. Ảnh: BIÊN NHI |
Cũng trồng 7 sào cà gai leo nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Cúc (tổ 6, thôn Hưng Lộc, Bình Định Nam) lại dành ra 1 sào để ươm cây giống bán cho người dân trong vùng và các địa phương lân cận. Theo chị Cúc, chỉ riêng 1 sào đất ươm cây giống này, từ đầu tháng Giêng đến nay chị đã thu về hơn 40 triệu đồng. Còn 6 sào đất trồng cà gai leo thương phẩm, chỉ vài ngày nữa chị bắt tay vào thu hoạch và hứa hẹn sẽ mang lại một khoản tiền khá. Chị Cúc chia sẻ: “Ở đây, đất đai quá cằn cỗi, nước tưới rất bấp bênh nên việc sản xuất lúa và các loại cây trồng cạn không khác gì đánh bạc với ông trời, nhất là trong vụ hè thu. Mặc dù cây cà gai leo mới đưa vào trồng khảo nghiệm nhưng thực tế cho thấy đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán sản phẩm luôn hấp dẫn (65 - 68 nghìn đồng/kg) như thời gian qua thì việc chuyên canh cà gai leo trên đất lúa, hoa màu không chủ động tưới được xem là một lối mở trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với địa phương thường bị khô hạn nặng này”.
Mở rộng diện tích
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Việt - Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Nam cho biết, mặc dù lãnh đạo địa phương không chỉ đạo và cũng chưa có chủ trương khuyến khích nhưng trước hiệu quả kinh tế rất cao nên trong hơn một năm nay người dân trên địa bàn xã đã ào ạt mở rộng diện tích trồng loại cây dược liệu này. Theo ông Việt, qua theo dõi, thống kê sơ bộ thì hiện nay nông dân toàn xã đã trồng tự phát hơn 28ha cà gai leo, chủ yếu trên những chân đất canh tác lúa, sản xuất hoa màu không chủ động nước tưới hoặc đất gò đồi, triền núi.
Theo kinh nghiệm của dân gian, cà gai leo dùng chữa ngộ độc rượu rất tốt. Ngoài ra, còn dùng chữa rắn cắn, đau nhức xương. Còn theo các tài liệu y dược, đây là cây thuốc nam có thể để chữa các bệnh về gan. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do hệ thống hồ chứa, đập dâng, trạm bơm điện, kênh mương không đáp ứng được yêu cầu sản xuất nên mỗi vụ xã Bình Định Nam có ít nhất 50ha đất nông nghiệp không chủ động được nguồn nước tưới. Vì thế, nông dân phải bỏ ruộng hoang hoặc canh tác mang lại hiệu quả thấp, nhất là trong vụ hè thu. Tuy rằng ngành chuyên môn cũng như chính quyền cơ sở không vận động, khuyến khích nhưng trước vấn đề cây cà gai leo thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế cao thì chắc chắn rằng trong thời gian tới nông dân nơi đây sẽ tiếp tục mở rộng diện tích. Cần nói thêm, không chỉ người dân xã Bình Định Nam, hiện nay rất nhiều hộ dân ở các địa phương khác như Bình Phú, Bình Lãnh, Bình Trị… của huyện Thăng Bình cũng đã và đang tìm mua cây giống cà gai leo về trồng thử nghiệm trên những chân đất lúa và hoa màu không đảm bảo nước tưới.
Nhiều người lo ngại rằng, nếu nhà nông vội vàng đầu tư mở rộng diện tích, đùng một cái thương lái không thu mua cà gai leo nữa thì chắc chắn việc tiêu thụ sản phẩm sẽ hết sức khó khăn, dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Đem chuyện này trao đổi với một số nông dân ở vùng tây huyện Thăng Bình thì họ lắc đầu và bảo vấn đề ấy không có gì đáng ngại. Chị Trịnh Thị Ký (tổ 2, thôn Thanh Sơn) nói: “Trước mắt thì cây cà gai leo trồng bao nhiêu thương lái đến thu mua bấy nhiêu và lợi nhuận mang lại rất cao. Tôi tính rồi, nếu sau này thương lái không mua sản phẩm nữa thì cũng chẳng ảnh hưởng gì lớn vì vốn đầu tư thấp. Bây giờ, mình không trồng loại cây dược liệu đó thì đất ruộng cũng bỏ hoang thôi, hoặc nếu có sản xuất lúa và hoa màu thì lại hết sức bấp bênh”.
MAI NHI - GIANG BIÊN