Nuôi bò đem lại nguồn thu nhập đáng kể nên ở thôn Cẩm Đông, xã Tiên Cẩm (Tiên Phước), hầu như nhà nào cũng nuôi bò.
Theo chân anh cán bộ nông dân xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Viết Lộc, khi anh đang chăm sóc 5 sào cỏ voi, nguồn thức ăn của đàn bò. Trước đây, gia đình anh thuộc diện khó khăn, nhờ nuôi bò lai gia đình anh đã thoát nghèo. Anh Lộc tâm sự: “Nuôi bò rất đơn giản, chỉ cần trồng cỏ và tận dụng nguồn rơm rạ là có thể nuôi khỏe. Gia đình tôi thoát được nghèo, có điều kiện lo cho 2 đứa con ăn học cũng chủ yếu dựa vào những con bò”. Anh Lộc cho biết thêm, gia đình anh vừa bán hai con bò thịt được gần 30 triệu đồng để lấy tiền xây chuồng nuôi và thuê máy cày về xới đất trồng cỏ. Hiện gia đình còn 5 con bò lai đang trong độ trưởng thành, trị giá gần trăm triệu đồng.
Nhờ chăn nuôi bò nhiều hộ dân ở thôn Cẩm Đông, Tiên Cẩm thoát được nghèo, có cuộc sống khấm khá. Ảnh: N.H |
Ở thôn Cẩm Đông việc trồng cỏ chăn nuôi bò lai phát triển khá mạnh. Vì thế, không riêng gì gia đình anh Lê Viết Lộc thoát nghèo mà nhiều hộ khác cũng làm ăn khấm khá hẳn lên. Gia đình chị Lê Thị Nguyệt là một điển hình. Trước đây, gia đình chị Nguyệt đầu tư chăn nuôi heo, nhưng giá cả thị trường biến động cùng với dịch bệnh nên thua lỗ liên tục. Chị bàn tính với chồng chuyển sang đầu tư trồng cỏ nuôi bò lai. Từ một con giống ban đầu, đến nay đàn bò nhà chị đã trên 15 con. Trung bình mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập từ bán bò gần 80 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi bò mà gia đình chị có cuộc sống ổn định, 3 người con ăn học đến nơi đến chốn. Chị Nguyệt cho biết: “So với việc chăn nuôi heo, gà thì nuôi bò lai hiệu quả hơn rất nhiều vì không tốn chi phí thức ăn do trồng cỏ và tận dụng phế phẩm từ nông nghiệp. Điều quan trọng nữa là, giá cả đầu ra của con bò cũng khá cao và ổn định. Từ một con bò nghé, sau một năm chăm sóc tốt, thu về 13 - 15 triệu đồng”. Nhiều năm nay, thương lái tìm đến tận Cẩm Đông mua bò thịt, bò giống với giá cả hợp lý.
Ông Phan Văn Hoa - Trưởng thôn Cẩm Đông cho biết: “Những năm gần đây, giá bò thịt, bò giống tương đối cao và ít biến động nên người dân đầu tư nuôi bò với quy mô lớn. Như gia đình tôi giờ chỉ còn hai vợ chồng và đứa con út nhưng vẫn nuôi được 15 con bò. Trong số 10ha đất rừng, tôi trồng 4ha cỏ chăn nuôi bò, 6ha còn lại tôi trồng keo lai. Khi cây keo lớn lên tôi lùa bò vào đó ăn cỏ. Đối với các hộ dân đất đai hạn chế, họ tận dụng các khe mương, bờ suối để trồng cỏ nuôi bò. Bởi cỏ voi dễ trồng, nếu chăm sóc tốt, cứ giáp một tháng có thể cắt cho bò ăn...”. Ở Cẩm Đông không chỉ gia đình anh Lộc, chị Nguyệt, ông Hoa nuôi bò với số lượng lớn mà các hộ khác như Nguyễn Văn Ngọ, Võ Kim Liễu, Hường Văn Tuấn, Hường Minh Hoàng… mỗi hộ cũng nuôi gần 10 con bò. Trung bình hằng năm những hộ này thu về năm, bảy chục triệu đồng. Đây là khoản tiền tương đối lớn đối với người dân ở miền quê bán sơn địa. Để đàn bò ở địa phương phát triển, UBND xã Tiên Cẩm chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân nhằm hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc nói chung, đàn bò nói riêng.
Theo ông Võ Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Cẩm, thấy rõ hiệu quả chăn nuôi bò, nhiều năm qua chính quyền xã, huyện có nhiều chính sách đầu tư khuyến khích phát triển chăn nuôi bò lai, trong đó hỗ trợ về kỹ thuật, con giống, thụ tinh nhân tạo... Các đoàn thể cũng đưa vào chương trình giảm nghèo bằng cách đầu tư bò để hộ nghèo chăn nuôi. Theo thống kê, xã Tiên Cẩm có gần 700 hộ dân, nuôi hơn 1.000 con bò (có 50% là bò lai); trong đó, riêng thôn Cẩm Đông với 71 hộ, nuôi trên 250 con bò, bình quân mỗi hộ nuôi 3,5 con bò. Cẩm Đông được xem là nơi chăn nuôi bò với số lượng lớn nên chính quyền địa phương khuyến khích các hộ có khả năng lập gia trại, trang trại chăn nuôi để tạo thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân”.
NGUYỄN HƯNG