Trong cơn lốc du lịch

QUỐC TUẤN 14/02/2018 16:03

Trước sự phát triển dồn dập của cơ sở hạ tầng du lịch vùng ven Đà Nẵng, Hội An, kéo theo thực trạng người người làm du lịch, tuyển dụng kiểu “ăn đong” dẫn đến thị trường lao động thiếu bền vững.

Làm việc tại sân golf cũng là lựa chọn được những người trẻ ưa chuộng.
Làm việc tại sân golf cũng là lựa chọn được những người trẻ ưa chuộng.

Bây giờ về các vùng ven đô Đà Nẵng hay Hội An (Cẩm Thanh), Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) họa hoằn lắm mới thấy người trẻ ra đồng. Chỉ riêng phường Điện Dương (Điện Bàn), hiện có tới hơn 40 dự án du lịch và gần như lấp đầy quỹ đất để phát triển của địa phương. Hay như xã Duy Hải (Duy Xuyên), toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.020ha nhưng đất nằm trong vùng dự án Nam Hội An đã là 985,5ha.

Chênh lệch cung - cầu

Từ mờ sáng, tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An đoạn qua phường Điện Dương và Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đã dập dìu xe cộ. Ngoài những người thợ xây tất bật ra công trường là những tòa nhà cao ngất san sát nhau, còn lại phần lớn hối hả cho kịp giờ vào ca tại các sân golf, khách sạn, resort. Ở vùng đông Điện Bàn bây giờ, để tìm ra lao động “thất nghiệp”… hơi khó. Hiện nay, TP.Đà Nẵng đang có tới hơn 600 khách sạn và rất nhiều trong số đó nằm ở hai quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà - nơi chỉ cách vùng đông Điện Bàn chừng 10 - 20km; chưa kể hàng trăm khách sạn ở TP.Hội An cũng chỉ cách đó dăm cây số. Cách đây hơn chục năm, tuyến đường ven biển này tầm 7 giờ tối ít ai dám vãng lai bởi “vắng như chùa bà đanh”. Thế nhưng bây giờ đến nửa đêm nhân viên hoạt động ở các đơn vị kinh doanh du lịch vẫn còn lưu thông ra vào thay ca sầm uất.    

Ông Nguyễn Minh Đông - Trưởng phòng Tuyển dụng nhân sự hệ thống Vinpearl trên toàn quốc trong một buổi tiếp xúc với sinh viên Trường Đại học Duy Tân chia sẻ: “Điểm yếu cố hữu của nhân lực trẻ trong ngành du lịch chính là ngoại ngữ. Tôi từng tiếp nhận nhiều hồ sơ với tiếng Anh nói được “sơ sơ” kèm theo lời năn nỉ sẽ cố gắng học hỏi để đáp ứng nhu cầu. Sau vài năm gặp lại, hỏi thăm thì ngoại ngữ của người đó vẫn ở mức “sơ sơ” và không hề thăng tiến trong công việc. Điều này chứng tỏ lực lượng lao động “tay ngang” trong ngành du lịch khu vực hiện nay rất nhiều”.

Theo lời anh Phạm Minh Linh, một thanh niên địa phương đang làm tiếp tân ở khách sạn Lantana Boutique Hội An: “Ở vùng cát Điện Bàn bây giờ chỉ có lười biếng mới không tìm được việc trong ngành du lịch. Bản thân tôi năm ngoái đang làm ở một đơn vị khác nhưng cảm thấy không phù hợp nên chuyển sang môi trường mới và mọi thứ chỉ mất khoảng vài tuần để sắp xếp ổn định”. Điều này minh chứng cho thực tế nhu cầu tuyển dụng lao động trong ngành du lịch tại Đà Nẵng và Hội An hiện nay cực kỳ dồi dào và hầu như tuyển dụng hàng ngày. Có đơn vị như Cocobay, việc tuyển dụng song song với thời gian khởi công nhằm bảo đảm nhu cầu nhân sự bước đầu khi công trình hoàn thành. Vì vậy, dễ hiểu khi doanh nghiệp du lịch luôn tham gia tích cực nhất trong các ngày hội việc làm hoặc tiếp xúc, gặp gỡ sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Trong cuộc giao lưu, gặp gỡ về nghề khách sạn lần 1 tại Đà Nẵng vào tháng 10.2017, bà Nguyễn Thùy Linh - Phó Trưởng phòng nhân sự Intercontinental Da Nang Sun Peninsula Resort cho biết: “Hiện nay việc tuyển dụng nhân sự ở mảng du lịch không hề nhàn nhã hay chờ người đến nộp hồ sơ. Thay vào đó, phải chủ động kết nối mới mong có nguồn lao động chất lượng. Bởi bản thân tôi cũng thấy choáng ngợp trước mức độ phát triển cơ sở hạ tầng ở lĩnh vực này”.

Tuyển cả lao động tay ngang

Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hiện có khoảng hơn 20 nghìn lao động phục vụ trong ngành du lịch thành phố. Thế nhưng, con số này chỉ cung ứng được khoảng 2/3 nhu cầu thực tế. Do vậy, trình độ, chuyên môn của lao động trong ngành cũng ở tình trạng “thượng vàng hạ cám” đủ cả. Tiêu chuẩn bắt buộc của nhà tuyển dụng là đủ 18 tuổi còn mọi thứ khác có thể… du di, nhất là đối với các bộ phận buồng phòng, ẩm thực. Có thể kể ra chuyện một cậu em vừa học xong THPT với tiếng Anh bập bõm được tuyển dụng ngay vào khách sạn 3 sao ở bộ phận an ninh hay một sinh viên sư phạm Vật lý vừa ra trường “tay ngang” sang làm lễ tân spa ở một điểm du lịch có tiếng tại Hội An.

Việc quy hoạch phát triển du lịch tại vùng ven đô như Điện Dương cần tính toán quỹ đất để sản xuất nông nghiệp sạch. Trong ảnh: Người trẻ tại Điện Dương đang thu hoạch và đóng gói măng tây xanh.
Việc quy hoạch phát triển du lịch tại vùng ven đô như Điện Dương cần tính toán quỹ đất để sản xuất nông nghiệp sạch. Trong ảnh: Người trẻ tại Điện Dương đang thu hoạch và đóng gói măng tây xanh.

Điều tích cực là hiện nay, những người trẻ ở vùng ven đô đang có xu hướng tiếp cận với ngoại ngữ một cách căn cơ. Theo số liệu Ban liên lạc Hội Sinh viên phường Điện Dương cung cấp, có tới 22/55 tân sinh viên năm học 2017 - 2018 trên địa bàn phường trúng tuyển vào các trường như: Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Đại học Ngoại ngữ Huế và Khoa Du lịch (Đại học Huế); đó là chưa kể các tân sinh viên trường khác học chuyên ngành liên quan đến du lịch.

Ngoài ra, hiện nay một bộ phận không nhỏ lao động làm du lịch tại Đà Nẵng và Hội An đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Từng có vài năm làm việc tại nhiều khách sạn tại TP.Huế trước khi vào Hội An lập nghiệp, anh Trần Hữu Phúc (quê Thừa Thiên Huế) - lễ tân tại một resort 5 sao cho biết: “Tôi cảm thấy môi trường làm việc tại đây năng động hơn, có nhiều cơ hội để trau dồi kỹ năng và mức thù lao cũng ổn hơn. Ngoài ra, tôi còn sắp xếp được thời gian rảnh rỗi để làm thêm tại một cơ sở lưu trú khác”. Với anh Phan Ngọc Tuấn (quê ở Nghệ An), dù đã vào Quảng Nam định cư hơn 10 năm nhưng nghề làm du lịch lại đến một cách bất ngờ. Trước đó, anh Tuấn là thợ hàn, cơ khí tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Đến năm 2015 anh chuyển sang làm tại sân golf trên địa bàn thị xã Điện Bàn. Nhờ chăm chỉ trau dồi vốn tiếng Anh cùng các nghiệp vụ du lịch, hiện tại anh đã được giao đảm nhận vị trí quản lý bộ phận với mức lương ổn định.  

Thế nhưng du lịch đâu chỉ là “miền đất hứa”, dù không có quy định rõ nhưng ở nhiều bộ phận làm việc trong ngành này nhà tuyển dụng chỉ ưa chuộng lao động dưới 35 tuổi như: caddy (nhặt golf), lễ tân, nhân viên phục vụ tại casino… Ngoài ra, thực trạng nhảy việc liên miên của một bộ phận không nhỏ lao động cũng khiến tương lai của họ bấp bênh theo. Chị Phạm Thị Thu Hường, từng là nhân viên của khách sạn Hyatt Regency nay chuyển sang một cơ sở du lịch tại Hội An. Chị Hường kể, ở chỗ làm cũ, có đồng nghiệp chỉ làm được một năm rồi nghỉ thậm chí chỉ sau vài ba tháng. Bởi các khách sạn mới khai trương thường đưa ra mức thù lao cao hơn 10 - 20% để thu hút lao động. Nhưng rồi sau đó họ lại tiếp tục chuyển đến đơn vị khác khi nhận ra thực tế rằng “tiền nào của nấy”…

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trong cơn lốc du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO