Sau vài năm chuyển hướng canh tác trồng đậu trên đất rẫy, mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Nam Giang. Theo đánh giá, vụ thu hoạch năm nay, đậu vừa được mùa lại được giá khiến người dân vui mừng.
Bà Blúp Thị Lực (ở thôn Pring, xã Chà Vàl, Nam Giang) không giấu được niềm vui khi vụ mùa thứ 3 liên tiếp, mô hình trồng đậu xen canh trên đất rẫy cho năng suất cao. Năm nay, ngoài đậu phụng, đậu đen xanh lòng, bà Lực trồng thêm đậu trắng để thử nghiệm.
Bà Lực cho biết, vài năm trở lại đây, từ chủ trương của xã, bà cùng nhiều hộ dân địa phương đã chuyển đổi mô hình sản xuất mới: trồng đậu xen canh trên đất rẫy. Năm 2019, gia đình bà Lực bắt đầu cải tạo khu sản xuất bỏ hoang vài năm trước, đồng thời trồng xen canh các loại giống đậu phù hợp.
Theo bà Lực, không chỉ đậu được mùa, nhiều năm trở lại đây, giá thu mua các loại sản vật này đều tăng cao. Điều đó tạo động lực giúp bà con tiếp tục duy trì mô hình sản xuất mới này.
Như gia đình bà Lực, năm 2020 chỉ trồng thử nghiệm 3 ang giống đậu đen xanh lòng, nhưng đến mùa thu hoạch, không ngờ thu về được hơn 18 triệu đồng. Từ hiệu quả kinh tế bước đầu, bà Lực mở rộng diện tích, trồng thêm nhiều loại đậu để đa dạng sản phẩm nông nghiệp theo hướng mới.
“Năm nay, đậu đen xanh lòng có giá bán tại chỗ giao động 22 - 25 nghìn đồng/kg; đậu trắng 30 - 32 nghìn đồng/kg. Nhờ vậy, người dân có thêm thu nhập theo thời vụ, góp phần ổn định cuộc sống” - bà Lực cho biết.
Ông Tơ Đên Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Vàl (Nam Giang) cho hay, vài năm trở lại đây, mô hình trồng đậu xen canh trên đất rẫy đem lại năng suất cao. Đặc biệt năm nay, khi nhiều loại nông sản chủ lực khác bị hư hại, người dân địa phương được “an ủi” bởi mùa đậu được giá.
Hàng năm, địa phương duy trì kế hoạch và đưa ra chỉ tiêu trồng đậu bình quân 260ha. Từ nhu cầu canh tác, cũng như thuận lợi trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, nhiều năm nay, diện tích trồng đậu luôn vượt kế hoạch.
“Năm 2020, toàn xã đạt 263,5ha đậu, cho năng suất khá cao giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, mở hướng đẩy mạnh phát triển mô hình sản xuất mới trong tương lai” - ông Sơn nói.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Nam Giang, năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt 186,7 tỷ đồng, sản lượng lương thực đạt hơn 6.839 tấn. Trong đó, đậu các loại chiếm hơn 1.683ha, với sản lượng đạt hơn 2.218 tấn. Từ nhu cầu phát triển đậu nông sản, địa phương cũng đang hoàn tất hồ sơ thủ tục đăng ký trà đậu đen thành sản phẩm OCOP.