Trồng kiệu trên đất gò đồi

MAI NHI - PHI THÀNH 18/01/2013 08:45

Vùng đất gò đồi thôn Vĩnh Trinh (xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên) giờ đây đã phủ lên màu xanh của cây kiệu. Trồng kiệu mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển...

Trên cánh đồng Dãi, một số gia đình thu hoạch lứa kiệu tết đầu tiên. Ảnh: M.N
Trên cánh đồng Dãi, một số gia đình thu hoạch lứa kiệu tết đầu tiên. Ảnh: M.N

Hiệu quả

Thôn Vĩnh Trinh (Duy Hòa) hiện có 316 hộ với 1.373 nhân khẩu, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm trước, do ruộng lúa ít, diện tích đất gò đồi tuy rất lớn nhưng đá sỏi quá nhiều nên trồng cây gì cũng không đem lại hiệu quả khiến đời sống nông dân địa phương gặp khó khăn. Trước tình trạng trên, thời gian qua chính quyền xã Duy Hòa và Ban Dân chính thôn Vĩnh Trinh tích cực vận động nhân dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều loại giống mới cho giá trị kinh tế cao vào canh tác khảo nghiệm. Ông Trần Xuân Dũng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Duy Hòa 2 nhớ lại, năm 2005 trở về trước, cánh đồng Dãi rộng 10ha thuộc thôn Vĩnh Trinh này rất cằn cỗi. Cách đây hơn 7 năm, bên cạnh việc sử dụng máy cày lớn, hợp tác xã thường xuyên vận động bà con xã viên tập trung cải tạo, san ủi mặt bằng để mở rộng diện tích sản xuất. Sau khi khai hoang, nông dân tiến hành trồng dâu rồi đến trồng mía, trồng sắn nhưng đều thất bại vì năng suất không cao, giá bán rất thấp, đầu ra của sản phẩm bấp bênh. Thấy ở nhiều nơi nông dân trồng kiệu có thu nhập cao nên đầu năm 2006 hợp tác xã bàn nhau đưa loại cây này về sản xuất thử trên khu đất đồi của cánh đồng Dãi và sau đó thu được hiệu quả cao.

Để chuẩn bị kiệu bán trong dịp Tết Quý Tỵ, ngay từ đầu tháng 9 âm lịch, gia đình chị Đinh Thị Phượng (thôn Vĩnh Trinh) đã bắt tay vào vụ mùa. Vụ này, chị Phượng trồng 3 sào kiệu, dự kiến qua rằm tháng chạp sẽ tiến hành thu hoạch rộ. Chị Phượng nhẩm tính: “Bình quân mỗi sào chắc chắn nhổ được ít nhất 700kg kiệu tươi. Với giá bán 10 nghìn đồng/kg như hiện nay thì sẽ thu được khoảng 21 triệu đồng từ 3 sào đất đó. Trừ tiền mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có thể lãi 17 triệu đồng”.

Thoăn thoắt đưa tay nhổ cỏ trong đám kiệu nhà mình, chị Nguyễn Thị Nở - một người dân địa phương vui vẻ nói: “Hơn 4 năm nay, chuyển sang trồng kiệu, cuộc sống của gia đình tôi không còn khó khăn nữa. Trồng kiệu xen canh cây bắp trên đất gò đồi này rất dễ chăm sóc, thu hoạch, hiệu quả lại tăng gấp 5 lần so với làm lúa và canh tác các loại hoa màu khác như trước đây. Năm ngoái, nhờ nguồn giống chất lượng, chủ động nước tưới cộng với thời tiết thuận lợi nên gia đình tôi thu về không dưới 20 triệu đồng từ 2 sào đất trồng kiệu xen với bắp. Riêng vụ tết này, trừ chi phí đầu tư, tôi dự kiến sẽ thu hơn 14 triệu đồng từ 2,5 sào kiệu”.

Bà Võ Thị Thảo - một chủ buôn lớn chuyên thu mua kiệu trên địa bàn thôn Vĩnh Trinh cho biết, kiệu sẻ ở đây củ nhỏ, thơm giòn nên rất được thị trường ưa chuộng, vì vậy giá bán sản phẩm luôn cao hơn nhiều nơi khác từ 2 - 4 nghìn đồng/kg. Theo bà Thảo, thời gian qua kiệu ở thôn Vĩnh Trinh này được tiêu thụ mạnh nhất tại Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Huế và các địa phương lân cận...

Nhân rộng...

Theo ông Trần Xuân Dũng, lúc đầu nông dân Vĩnh Trinh chỉ trồng kiệu trên một diện tích rất nhỏ nhưng qua vài vụ thấy hiệu quả kinh tế mang lại tương đối lớn nên liền nhân rộng ra toàn địa bàn thôn. Ông Dũng nói: “Bây giờ, đất gò đồi ở đây đã được bà con nông dân tận dụng tối đa để trồng kiệu theo hướng chuyên canh. Riêng ở cánh đồng Dãi, hiện nay cây kiệu chiếm khoảng 70% diện tích. Ngoài ra, nhiều hộ còn trồng kiệu trong vườn nhà. Có thể khẳng định, mấy năm gần đây, nhờ trồng kiệu đời sống nhân dân trong thôn Vĩnh Trinh đã khấm khá hẳn lên”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Bá Lợi - Chủ tịch UBND xã Duy Hòa cho biết, hiện nay trên cánh đồng Dãi của thôn Vĩnh Trinh nông dân đã đóng giếng và lắp đặt hệ thống máy bơm để chủ động nước tưới. Trong năm 2013 này, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chương trình thủy lợi hóa đất màu, làm đường giao thông nội đồng trên diện rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông phát triển sản xuất. Theo ông Lợi, từ thành công trên cánh đồng Dãi, lãnh đạo xã đang khuyến khích nông dân nhanh chóng nhân rộng mô hình trồng kiệu xen cây môn và các loại cây trồng cạn khác trên những vùng gò đồi của Duy Hòa. Đồng thời, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, xã sẽ sớm phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác kiệu cũng như một số loại cây công nghiệp ngắn ngày cho đại bộ phận nông dân. Cạnh đó, tích cực hỗ trợ nhà nông đẩy mạnh liên doanh liên kết để tìm đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản chủ lực, nhất là cây kiệu.

MAI NHI - PHI THÀNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng kiệu trên đất gò đồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO