Hành trình vượt nắng gió trên những cung đường hoang sơ, hùng vĩ lạc vào giữa đại ngàn luôn đem lại cảm xúc sảng khoái và thú vị với lữ khách. Rời khỏi A Xan (Tây Giang), lữ khách ắt hẳn sẽ bịn rịn với khoảnh khắc bình yên về thiên nhiên, con người hoang sơ, mộc mạc của vùng đất này.
Nếu không muốn di chuyển bằng ô tô, những “phượt thủ” ưa thích khám phá sẽ mất hơn 4 tiếng đồng hồ từ Đà Nẵng để đến xã A Xan. Những nẻo đường quanh co, khúc khuỷu giữa núi cao vời vợi sẽ khiến du khách lâng lâng trong cảm giác mê hoặc.
Từ A Tiêng (trung tâm huyện Tây Giang) lên A Xan vẫn còn một quãng khá xa. Trong một số khoảnh khắc, khi ở phía đối diện không có sự xuất hiện của xe cộ, tưởng như khung cảnh, thời gian đang ngưng đọng bởi ngoài tiếng lảnh lót của chim chóc chốc chốc vẳng lại một thanh âm lạ từ muông thú của đại ngàn.
Dừng chân ở đỉnh Quế với độ cao 1.369m so với mực nước biển, du khách hoàn toàn rũ bỏ được “hơi thở” của phố thị, của những áp lực cuộc sống khi đắm chìm trong bầu không khí trong trẻo pha chút se sắt lạnh. Những ngày đẹp trời gặp may, du khách tưởng như mình đang lạc giữa “biển mây” trắng xóa. Có lúc đứng từ vòm quan sát, dường như chỉ với tay thôi chúng tôi cũng “chạm” được vào mây đang là là trôi. Không quá khi nói đỉnh Quế đẹp mơ màng chẳng gì các danh thắng nức tiếng được du khách ưa thích như Bà Nà (Đà Nẵng) hay Sapa (Lào Cai).
Một điểm nhấn khiến du khách có đam mê khám phá thích thú khi ở đỉnh Quế đã có dịch vụ lưu trú homestay với kiến trúc nhà sàn đặc trưng văn hóa của đồng bào bản địa, thích hợp cho các đoàn phượt muốn nghỉ ngơi, sinh hoạt qua đêm tại địa điểm này. Hiện nay, mỗi năm Tây Giang mới chỉ đón chừng 10 nghìn lượt khách tham quan chủ yếu theo dạng “phượt” nên cảnh quan ở đây hầu như còn nguyên sơ, chưa bị mặt trái của phát triển du lịch tác động.
Rời xa đỉnh Quế tiếp tục đi về phía đại ngàn, Tây Giang vẫn còn đậm nét hoang sơ, dung dị. Qua những nẻo đường ngoằn ngoèo, phía xa xa chân núi hay dưới các thung sâu thấp thoáng các bản làng của đồng bào Cơ Tu quần tụ cư ngụ. Sự sống ở đây trong veo, những đứa trẻ tinh nghịch không có nhiều sự lựa chọn giải trí tiện nghi nhưng trên khuôn mặt luôn thường trực những nụ cười trong trẻo với những màn đuổi bắt, đá “gà cỏ”, đua lốp xe đạp.
Làng sinh thái di sản Pơmu nằm lặng lẽ bên bìa rừng pơmu. Theo chân một người dân thôn Arầng 1 chúng tôi men theo những lối mòn để khám phá khu rừng. Có lẽ chúng tôi đã gặp may bởi theo lời người hướng dẫn, ở khu vực này nếu có mưa thì đến ba ngày sau các lối dẫn vào vẫn lầy lội bùn đất rất khó có thể di chuyển. Chỉ có ít tia nắng xuyên qua được tán cây pơmu cao chót vót tỏa rậm rạp cánh rừng. Chốc chốc, những nhánh lan rừng tầm gửi trên cành cây cổ thụ khiến mọi người ồ lên thích thú. Bây giờ, các tuyến đường được mở trong khu vực này đều được đặt tên rất “kêu” như tuyến cây pơmu voi, tuyến cây bạch tuộc, cây hang Alibaba, tuyến cây vú nàng, cây tình nhân hay tuyến có cây gấu voi, cây giỗi đá…
Nếu đến A Xan đúng thời điểm, du khách có thể chiêm ngưỡng mùa lúa chín đẹp mê hoặc. Nằm lọt thỏm giữa thung lũng nhỏ ở thôn Arầng 1 và Ariing, ruộng bậc thang Chuôr đến mùa lúa chín phủ một màu vàng óng vắt ngang bao bọc bản làng bên những khe suối nhỏ ngày đêm rầm rì. Nhịp sống ở đây chậm rãi và thanh bình. Bên vệ đường rất hay bắt gặp những ngôi nhà hay trạm kiểm lâm nằm vắt vẻo sườn núi, thi thoảng bắt gặp thú vui của mọi người là tụ tập đi nơm cá dưới những khe suối cạn.
Đêm xuống A Xan lạnh buốt. Mọi người có một giấc ngủ ngon sau cơn say chếch choáng giữa cái “lạnh” rất ngọt giữa đại ngàn. Rời khỏi A Xan trong làn sương mù quyện đặc buổi bình minh, ai cũng ấp ủ hy vọng về một ngày mai nơi đây sẽ thành một điểm hẹn mới phổ biến hơn cho du khách, cho những người yêu thiên nhiên đại ngàn hùng vĩ.