Ngày mai 1.8, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện
Huyện ủy Nam Trà My tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN |
“Lời nhắn ngày 1.8”
Ngày 20.6.2003, huyện Trà My được chia tách thành 2 đơn vị hành chính là Nam Trà My và Bắc Trà My. Đây là điều kiện thuận lợi để 2 địa phương tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ cũng như phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương để phát triển. Khi ấy, với xuất phát điểm gần như bằng không đối với Nam Trà My, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là muôn vàn khó khăn, thử thách đặt ra. Ông Hồ Thanh Bá - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My bày tỏ: “Lúc bấy giờ, những cán bộ nhận nhiệm vụ đi xây dựng huyện mới Nam Trà My đều xác định rõ tư tưởng nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua gian khó để cùng với đồng bào các dân tộc huyện nhà thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đặt ra”. Sau khi được Tỉnh ủy chỉ định giữ chức vụ Bí thư Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Nam Trà My, đồng chí Đinh Mươk đã thảo luận và thống nhất với lãnh đạo huyện quyết định chọn ngày 1.8 để làm lễ “xuất quân” về tiếp quản vùng đất mới. Ông Bá giải thích: “Chọn ngày 1.8 trùng ngày truyền thống công tác tư tưởng của Đảng với ý nghĩa quán triệt tư tưởng đến cán bộ, đảng viên nhận nhiệm vụ công tác ở Nam Trà My: Dù khó khăn, gian khổ đến đâu người cán bộ, đảng viên phải luôn vững vàng bản lĩnh chính trị, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao vì mục tiêu đưa vùng đất nghèo phát triển, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân”.
Những ngày mới tái lập, toàn Đảng bộ huyện Nam Trà My có 738 đảng viên; riêng thôn 5 xã Trà Dơn và thôn 3 xã Trà Vinh vẫn còn “trắng” đảng viên. Chính vì vậy, vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở chưa được phát huy. Đứng trước khó khăn này, Đảng bộ Nam Trà My đã vào cuộc một cách ráo riết, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới. Nhiều quần chúng ưu tú ở các thôn, nóc “trắng” đảng viên được cử đi học các lớp nhận thức về Đảng để đảng bộ xã có điều kiện xem xét kết nạp Đảng. Chỉ trong vòng 2 năm sau ngày tái lập, Nam Trà My đã xóa được thôn “trắng” đảng viên. Đến năm 2011 toàn Đảng bộ huyện Nam Trà My có 32 tổ chức cơ sở đảng với 1.167 đảng viên. Thực hiện hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng; năm 2012, Đảng bộ huyện cơ cấu, sắp xếp lại thành 26 tổ chức cơ sở đảng, 100 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 1.265 đảng viên (so với năm 2003 tăng 740 đảng viên). Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh từ 46% năm 2003 đã tăng lên 77% năm 2012, không còn tổ chức đảng yếu kém; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2012 chiếm gần 79% (năm 2003 là 55,5%). (H.THỌ - N.ĐOAN) |
Cho đến hôm nay, “lời nhắn ngày 1.8” của 10 năm trước vẫn còn nguyên giá trị giáo dục sâu sắc đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên huyện Nam Trà My về tinh thần, trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ nhân dân. Theo ông Hồ Thanh Bá, trong việc đăng ký chương trình hành động của mình, cán bộ cơ sở luôn nêu cao nhận thức, nhận rõ nhiệm vụ được giao luôn gắn liền với lợi ích của nhân dân. Điều đó đòi hỏi mỗi cá nhân phải nỗ lực hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất. Việc xây dựng hình ảnh người cán bộ gương mẫu luôn được Nam Trà My chú trọng với nền tảng là yếu tố văn hóa.
Chú trọng công tác cán bộ
Thời gian qua, bên cạnh chăm lo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đồng thời, địa phương kiện toàn, sắp xếp các tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, theo đó, công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển và thực hiện các chính sách đối với cán bộ được Nam Trà My chú trọng thực hiện đồng bộ, đúng quy trình, quy định.
Ông Hồ Thanh Bá cho hay: “Gần 10 năm qua, Nam Trà My luôn kiên trì thực hiện Đề án 69 của huyện Trà My (cũ) về việc đào tạo bổ túc văn hóa cho cán bộ xã chưa tốt nghiệp THPT. Nhờ đó, với một địa phương đặc thù như Nam Trà My, những đòi hỏi về nhu cầu cán bộ vẫn luôn được đảm bảo, cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng chiếm tỷ lệ cao”. Từ ngày tái lập đến nay, huyện đã cử đi đào tạo chính trị cho hơn 900 lượt cán bộ công chức; cử 86 lượt cán bộ tham gia các lớp đại học và sau đại học; luân chuyển 32 cán bộ về đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại cơ sở, các phòng, ban của huyện... “Chúng tôi luôn xác định, muốn đưa Nam Trà My phát triển về mọi mặt, từng bước xích lại gần với miền xuôi, bên cạnh tranh thủ tốt các nguồn nội - ngoại lực, công tác cán bộ phải được thực hiện tích cực và hiệu quả. Bởi trong định hướng phát triển chung của địa phương không có con đường nào ngắn và giải pháp nào bền vững hơn việc chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cách mạng và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng phát triển quê hương” - ông Bá chia sẻ.
HÀN GIANG