Trong số các văn nghệ sĩ kháng chiến từng sống, chiến đấu ở chiến trường khu 5 và Quảng Nam, 40 năm sau chiến tranh, có lẽ nhà văn Nguyễn Bảo là người trở lại chiến trường xưa nhiều nhất.
Có lúc anh trở lại một mình. Có khi anh đi cùng vài đồng đội cũ. Những vùng rừng núi, những địa danh từng ghi dấu bao trận đánh lớn nhỏ của quân giải phóng ở Trà My, Hiệp Đức, Đại Lộc, Nông Sơn, Tiên Phước, Quế Sơn... chỗ nào anh cũng đã trở lại 2 - 3 lần. Để rồi sau đó, những truyện ngắn nóng hổi về một thời chưa xa, những cuốn sách đình đám về đề tài chiến tranh cách mạng lần lượt ra đời, mà tiêu biểu là các tập truyện ngắn “Người cùng sư đoàn”, “Phía sau người lính” cùng2 cuốn tiểu thuyết “Thượng Đức” và “Đỉnh máu”.
Ngược dòng ký ức
Nguyễn Bảo là nhà văn mặc áo lính nên việc anh viết về đề tài chiến tranh, về người lính được văn giới xem như điều đương nhiên. Phần mình, anh cho biết anh phải làm vậy để “trả nợ cuộc sống” và vì anh là một trong những người may mắn được làm lính Cụ Hồ, may mắn có được những trải nghiệm từ trong chiến tranh. Nhà văn Nguyễn Bảo tâm sự: “Với chiến tranh, với đời lính, rõ ràng là tôi có nhiều trải nghiệm. Mà với người cầm bút, viết từ những trải nghiệm của chính mình thì bao giờ cũng có vẻ thuận lợi hơn”.
Nói là vậy nhưng nhà văn Nguyễn Bảo hầu như chưa bao giờ ngồi một chỗ gặm nhấm quá khứ để viết. Anh bảo: “Ngồi một chỗ, tự lục lại trí nhớ thì chỉ được ký ức suông. Còn nếu quay về đúng nơi đã xảy ra những sự việc mà mình can dự và còn nhớ được, lưu giữ được thì sẽ có được một ký ức sống động, vậy thôi”. Những tên đất, tên người, những trận đánh lớn nhỏ mà anh từng tham gia, đến nay anh vẫn còn nhớ khá rõ, chỉ cần ngồi tĩnh lặng một chút rồi khơi lại thì mọi thứ lại hiện ra mồn một. Thế nhưng, mỗi khi chuẩn bị viết một tác phẩm mới, anh lại xách ba lô lên đường, lại trở về chính những nơi bước chân mình đã từng qua. Bởi vậy, có lẽ cũng không lạ khi mà mãi 40 năm sau chiến thắng Thượng Đức - một trong những trận đánh khốc liệt, bi tráng nhất mà Nguyễn Bảo trực tiếp tham gia, anh mới bắt tay vào viết tiểu thuyết “Thượng Đức” (và sau đó là “Đỉnh máu”). Cũng trong khoảng thời gian dài ấy, anh đã trở lại Thượng Đức nhiều lần, rồi thêm hàng chục chuyến về Đại Lộc, Điện Bàn, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Bắc để tìm gặp những người từng tham gia trận đánh ấy - từ chỉ huy cao cấp đến lính trơn, trong đó có cả một số chỉ huy và lính tráng phía bên kia. “Càng đi, ký ức càng sống dậy, giúp mình nhận ra được nhiều điều rất bổ ích cho việc viết lách. Bây giờ mình chỉ mới hưu công việc nhà nước thôi, còn viết văn thì chưa thể “hưu” được, vậy thì cớ gì không men theo ký ức mà đi, mà viết...” - nhà văn Nguyễn Bảo nói.
Quảng Nam sâu nghĩa nặng tình
Trong hơn 40 năm quân ngũ của mình, nhà văn Nguyễn Bảo có 7 năm liền sống, chiến đấu và sáng tác trên đất Quảng Nam. Anh vào mặt trận Trung Trung Bộ năm 1971, làm phóng viên chiến trường, thường xuyên theo chân các đoàn quân đi chiến dịch, có mặt trong hầu hết trận đánh lớn ở Quảng Nam, Quảng Đà. Bốn mươi năm sau, nhớ lại, anh viết: “...Những năm tháng đó, tôi theo bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực tham gia rất nhiều trận đánh. Những năm tháng đó, tôi cũng được sống nhiều với du kích, với nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà. Biết bao cán bộ chiến sĩ, biết bao các mẹ, các chị, các nam nữ du kích đã cưu mang giúp đỡ tôi trong những hoàn cảnh khó khăn, éo le do địch gây nên. Mỗi người một vẻ, đọng lại trong tôi những ảnh hình, những suy ngẫm để sau này hiện lên trang viết...”.
Nhà văn Nguyễn Bảo (ngoài cùng bên phải) và các bạn văn ở chiến trường Quảng Đà: Vũ Thị Hồng, Lê Tấn Cứ, Nguyễn Bá Thâm. Ảnh tư liệu của Nguyễn Bá Thâm |
Nhà văn Nguyễn Bảo tên thật là Nguyễn Ngọc Bảo, sinh ngày 2.4.1950 tại Thanh Hóa. Sau khi học xong Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, ông nhập ngũ, làm phóng viên chiến trường tại mặt trận Trung Trung Bộ. Sau ngày giải phóng, ông làm việc tại Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu 5, sau đó được điều về làm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ quân đội và lần lượt được cử làm Trưởng ban văn xuôi, phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập tạp chí này. Năm 2010, nhà văn Nguyễn Bảo nghỉ hưu với cấp hàm đại tá. Đến nay, nhà văn Nguyễn Bảo đã xuất bản hơn 10 đầu sách. Trong đó, đáng chú ý là các tác phẩm: Biển đêm (tập truyện ngắn - 1981), Người ở thượng nguồn (tiểu thuyết - 1983), Giám định của đất (tiểu thuyết - 1989), Khoảng sáng không mất (tiểu thuyết - 1992), Những người sẽ vào thành phố (tập truyện ngắn - 1996), Ảo ảnh (tập truyện ngắn - 2004), Thượng Đức (tiểu thuyết - 2005), Phía sau người lính (tập truyện ngắn - 2009), Đỉnh máu (tiểu thuyết - 2012). Ngoài các tặng thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội, bằng khen và giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng (1994-1999 và 1999-2004), nhà văn Nguyễn Bảo cũng đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 và Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ nhất cho tiểu thuyết “Thượng Đức”. |
Sau ngày giải phóng, những tưởng anh sẽ trở về quê nhà như nhiều người khác, nhà văn Nguyễn Bảo lại quyết định ở lại với xứ Quảng. Trong vai trò trợ lý tại Ban Văn học thuộc Cục Chính trị Quân khu 5, Nguyễn Bảo thường xuyên về với các miền quê Quảng Nam, khi thì để làm việc với cơ sở để lo hậu cần, tìm cách cải thiện đời sống anh em, khi thì để lo cho các nhà văn đi thực tế. Anh kể, mặc dù làm nhiệm vụ phục vụ là chính song đây lại là khoảng thời gian anh tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho việc viết văn. Bởi lẽ, trong mái nhà chung ấy, anh được nghe các nhà văn đàn anh kể chuyện sáng tác, rồi được dự thính những buổi lên lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sáng tác do các nhà văn tên tuổi trực tiếp giảng dạy. Cuốn tiểu thuyết “Giám định của đất” viết về anh hùng lao động Lưu Ban, xuất bản lần đầu năm 1989, cũng được anh ấp ủ, phôi thai ngay từ những năm tháng ấy. Nhà văn Nguyễn Bảo tâm sự: “Phải nói thật một điều, rằng tôi chịu ơn đất Quảng nhiều lắm. Đất Quảng cho tôi được sống, được cống hiến, được trải nghiệm, được trưởng thành. Đất Quảng cưu mang, che chở tôi. Đất Quảng cho tôi những tên đất, những tên làng, những con người cụ thể để tất cả trở thành bối cảnh, trở thành nhân vật trong những trang viết của tôi sau này...”.
Sau khi xuất bản liên tục các tác phẩm về Quảng Nam, liên quan đến Quảng Nam và nhất là sau khi 2 tập tiểu thuyết “Thượng Đức” và “Đỉnh máu” ra đời (năm 2005 và 2012), nhà văn Nguyễn Bảo đã 4 lần trở lại Quảng Nam. Anh về với đất này như về với ngôi nhà thân yêu của mình, chân thành và thoải mái. Mới đây nhất, cuối tháng 3.2015, anh lại về Quảng Nam. Cùng nhau đi uống cà phê, tôi hỏi dò: “Vốn liếng về vùng đất này hình như anh đổ ra đã nhiều lắm rồi. Sắp tới, anh có còn gì và có định viết thêm gì cho Quảng Nam nữa không?”. Anh cười hiền lành rồi tâm tình, rằng nếu cứ “đào” mãi một chỗ thì dễ sa vào sự mòn cũ. Do vậy, phải suy nghĩ tìm một cách biểu hiện mới, và đó là một đòi hỏi khắc nghiệt. Rồi anh nói thêm: “Mọi sự sáng tạo đều bắt nguồn từ thực tiễn; thực tiễn là người thầy gợi nên những ý tưởng mới... Tuổi trẻ của tôi gắn với đất Quảng, tôi có được thực tiễn từ đất Quảng và tôi chịu ơn mảnh đất này. Tôi có với Quảng Nam biết bao hồi ức, kỷ niệm đẹp và dữ dội. Viết gì nữa thì tôi chưa dám hứa, nhưng nếu viết thì tại sao lại không phải là Quảng Nam?...”.
PHAN CHÍ ANH