Trước, trong và sau tết thường là thời điểm rộ lên nạn phá rừng đầu nguồn. Nhiều phương án cho cuộc chiến giữ rừng đã được lực lượng kiểm lâm chuẩn bị.
Tái diễn nạn xâm hại rừng
Bắt được “bệnh” phá rừng thường bùng phát dịp tết, ngay từ cuối 12.2013, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng. Ngành kiểm lâm đã huy động tổng lực xuống cơ sở nắm thông tin, kịp thời phát hiện và chặn đứng những vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép; “điểm danh” những cửa ngõ ra vào của lâm tặc. Từ cuối tháng 12.2013 đến nay, chính quyền các địa phương miền núi phối hợp với Hạt Kiểm lâm triển khai gần 100 đợt truy quét, đột nhập vào “điểm nóng” Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, rừng đầu nguồn Phú Ninh, sông Tranh và Đông Trường Sơn qua địa bàn các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang. Sau thời gian “nằm vùng”, kiểm lâm cơ động tỉnh đã phục kích, phá được nhiều vụ vận chuyển gỗ quy mô lớn. Điển hình, cuối tháng 12.2013, kiểm lâm bắt giữ đối tượng Nguyễn Ngọc Diệu (trú tại thôn 2, xã Bình Triều, Thăng Bình) vận chuyển gần 15m3 gỗ lim xanh nhóm II và giổi bằng ô tô BKS 43X-1382. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn làm sáng tỏ nhiều phi vụ chở gỗ lậu thuê cho các “ông trùm” phá sơn lâm. Chỉ trong vài tuần của tháng cuối năm, ngành chức năng đã tịch thu hơn 60m3, tạm giữ 8 ô tô, xe máy; chặn đứng 56 vụ phá rừng quy mô… Đáng nói, trong những đợt truy quét, nhiều vụ lâm tặc bỏ của chạy lấy người, sử dụng các phương tiện hết hạn đăng kiểm để chuyển gỗ lậu, một số đối tượng còn chống trả lại kiểm lâm.
Toàn ngành kiểm lâm đang quán triệt tinh thần giữ rừng dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. |
Ông Huỳnh Thanh Trung - Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, vào dịp trước và trong tết, phía thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, lâm tặc thường vận chuyển gỗ bằng đường sông. Gỗ lậu kết thành bè, được các ghe máy, thuyền máy tập kết ở các bến sông rồi đem đến các xưởng cưa tiêu thụ. Theo Sở NN&PTNT, tình trạng tận thu khoáng sản trái phép cũng kéo theo hệ lụy mở đường, đốn hạ gỗ. Phức tạp nhất ở các điểm khai thác ở xã Tư, A Ting (Đông Giang), xã Trà Vân (khu vực sông Bua giáp huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), Trà Leng (Nam Trà My), khu vực lòng hồ thủy điện sông Tranh 2, vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, rừng phòng hộ Phú Ninh... Lo ngại hơn, đối tượng khai thác tự thỏa thuận mua đất lại của người dân, hoặc thương lượng làm ăn, khi phát hiện lực lượng chức năng thường chỉ đẩy đuổi ra khỏi địa bàn chứ không thể xử lý triệt để. Trong khi đó, nhiều người dân sống gần lòng hồ Phú Ninh liều lĩnh phá rừng. Thống kê cho thấy, hơn 2.500ha rừng phòng hộ Phú Ninh bị tác động bởi người dân của các xã Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Xuân 2 (Núi Thành), Tam Lãnh, Tam Dân, Tam Đại (Phú Ninh).
Kiểm lâm tuần tra tại đảo Su, thuộc rừng phòng hộ Phú Ninh. Ảnh: H.PHÚC |
Đưa kiểm lâm về cơ sở
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, nhiệm vụ năm 2014 là tiếp tục rà soát lại những diện tích đất được quy hoạch rừng phòng hộ nhưng thực tế không có rừng hoặc xét thấy không đảm bảo các tiêu chí để trồng rừng phòng hộ thì đề nghị giao cho các địa phương bố trí đất sản xuất cho các hộ dân tại các khu tái định cư thủy điện. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh… |
Như thường lệ, dịp tết, tần suất các đợt truy quét, tuần tra của lực lượng kiểm lâm xuất hiện dày đặc hơn. Theo ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nòng cốt xung kích vẫn là Hạt Kiểm lâm các địa phương, kiểm lâm cơ động và kiểm lâm địa bàn tham gia “gác cổng rừng” ở các vùng trọng điểm. Năm 2014, nếu ở địa phương xảy ra vụ phá rừng nào với quy mô lớn, thời gian dài nhưng kiểm lâm phụ trách ở đó không phát hiện, chậm báo cáo, thì sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm nghiêm khắc. Ở những vùng giáp ranh của 3 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi - Kon Tum, sẽ thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin liên tục về công tác bảo vệ rừng. Chẳng hạn như hình thức thông tin thể hiện bằng văn bản, điện thoại, trao đổi trực tiếp… Vào những thời điểm “nóng” kiểm lâm cơ động các địa phương sẽ cùng nhau truy quét chung. Việc tuần tra thường xuyên khu vực giáp ranh sẽ tăng thêm sức mạnh chống lâm tặc. “Đó là giải pháp ngắn hạn, còn lâu dài chúng tôi sẽ tham mưu đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, giảm tối đa diện tích đất lâm nghiệp hiện do các cấp chính quyền cơ sở đang quản lý. Hoàn chỉnh đề án giao rừng gắn với giao đất cho các ban quản lý rừng. Triển khai ký kết hợp đồng khoán bảo vệ rừng, giao rừng ngoài thực địa cho người dân tại các khu vực có diện tích rừng nằm trong lưu vực các dự án thủy điện” - ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, trước tết, ngành sẽ rà soát, tổng kiểm tra các xưởng cưa, dứt khoát đình chỉ những cơ sở tiếp tay cho tình trạng tiêu thụ gỗ trái phép. Muốn có thông tin kịp thời, chính xác, tốt nhất là tăng cường kiểm lâm về cơ sở, hạn chế đội ngũ gác chắn ba-ri-e.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở NN&PTNT lưu ý, dịp tết này, phải chọn một số địa bàn trọng điểm để “tuyên chiến” với lâm tặc. Kiểm lâm có thể ngụy trang làm ngư dân đánh cá trong lòng hồ Phú Ninh thì mới có thể “phá án” được. Mọi thông tin về truy quét đều phải giữ bí mật, không cần phải thông qua chính quyền sở tại. Điều cốt yếu, các địa phương phải thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đưa người và phương tiện trái phép vào khu vực rừng cấm.
TRẦN HỮU