Gió thức

PHÙNG PHƯƠNG QUÝ 25/07/2021 06:04

Người phụ nữ trẻ bước vô nhà, vén mớ tóc xoăn nhuộm vàng qua vành tai, mặt đỏ bừng mồ hôi. “Mẹ ơi mẹ! Không có bông huệ trắng, con mua hoa bách hợp cũng được hén!”. “Trời đất!”. 

 

Người mẹ thốt lên, mái tóc bạc như mây bay dạt sang một bên, khi bất chợt một cơn gió núi ào tới. “Thôi lỡ mua rồi cũng được. Cái số ba mày vậy”. Hoa bách hợp người ta còn gọi là hoa ly. Trưng lên bàn thờ kỵ sự chia ly. Nhưng mà hơn bốn chục năm qua, bà và người đó chia ly rồi, có gì phải kiêng cữ nữa.

Chiếc nón cối bạc màu, có vết thủng phía trước lại được đem xuống, lau chùi sạch sẽ. Hai bàn tay già nua nhăn nheo trao chiếc nón cho đôi bàn tay nõn nà, trắng hồng. “Con để lên bàn thờ ba đi. Phía bên phải!”. “Hứ! Con biết rồi! Năm mô cũng dặn. Giỗ ba con, mẹ tính răng đây?”. “Ba mâm cỗ! Năm ni mẹ muốn mời thêm mấy người hàng xóm”. “Dạ! Để con với sắp nhỏ còn liệu”. Bà mẹ lẳng lặng bước xuống bếp, tránh một câu hỏi tiếp theo của con gái. Một câu hỏi bà khất lần không trả lời được, từ khi con gái mười tuổi. “Quê nội con ở mô hả má?”. “ Ba con quê ngoài Bắc!”. “Nhưng ở tỉnh mô chớ?”. Thường bà giả bộ gắt lên: “Hỏi hoài! Lúc nào lớn tui sẽ nói”. Vậy mà đến nay, con gái đã hơn bốn mươi tuổi, bà chưa trả lời được. Nhưng năm nay thấy nó không hỏi nữa. Bà nhìn ra phía núi, gió ào ạt thổi qua triền suối.

Buổi chiều tháng Tư năm ấy, cao nguyên cũng ào ạt nắng và gió. Chuyến xe đò từ Quảng Nam chạy vô Quy Nhơn mới vòng lên Kon Tum, ậm ạch bò qua  một đoạn đèo rồi dừng lại ở Diên Bình. Cô gái xuống xe, lóng ngóng chiếc giỏ nhựa màu xanh nhạt. Gió quần quật thổi bộ bà ba lụa đen dính sát da thịt. Đoạn đường ngồi xe lòng vòng thiệt là mệt. Lẽ ra xe đò chạy từ Quảng Nam theo lộ 14, qua đèo Lò Xo là tới Đăk Glei, nhưng từ mấy tháng nay nơi đó đã bị Việt cộng chiếm giữ. Sư đoàn 22 đóng tại đây, nhằm ngăn chặn quân Giải phóng đánh vô Kon Tum. Chắc anh trai cô ở trong kia, nơi nhấp nhô khu lán trại lợp tôn thiếc và những lô cốt che lều bạt vằn vện xanh xám. Lỗ hỏa châu lấp ló dưới những chồng bao cát cũng màu xám. Không một bóng người, nhưng đây đó cô cảm nhận được hàng trăm đôi mắt trắng dã mở to nhìn như nuốt sống tấm thân thanh nữ mảnh mai. Một người bận đồ sĩ quan lom khom chạy về phía cô, tay giữ chiếc nón sắt trên đầu, mỗi bước chạy đôi giày bốt- đờ-sô đá tung bụi đất. Cô hốt hoảng khi thấy bộ mặt đầy râu: “Út! Đang súng đạn ì xèo, lên mần chi?”. Cô nhìn một lúc mới nhận ra anh, già sọm đi, phờ phạc. “Tại má biểu đi thăm anh Ba! Người lính cầm tay cô kéo chạy về phía đất trũng, sát con suối. Nơi có một căn phòng vách gỗ tuềnh toàng. Một chiếc võng cột giữa hai cột gi sắt, lay động, vật vờ.

Đêm không yên tĩnh. Giấc ngủ không có cơ hội đến. “Má khỏe không? Dì Bảy hết bịnh chưa? Thằng Hiếu nhà hàng xóm đi mô rồi? Có trốn quân dịch được không?”. Câu hỏi tiếp câu hỏi, mặc tiếng đại bác từ xa dội tới, tiếng nổ đã rất gần, nghe rõ tiếng la hét. Bước chân chạy hấp tấp, ánh đèn pin hất văng cùng cú vấp ngã chí mạng của người lính. “Thiếu úy! Nguy cấp rồi! T54 của Việt cộng đang tràn tới, không cản được”. Lúc ấy, bên ngoài trận địa, từ đài quan sát có thể nhìn thấy hơn chục xe tăng T54 chạy theo hàng dọc, đèn pha quét sáng quắc, ầm ầm lao tới. Pháo xe tăng đã quất thẳng vô đài quan sát, mảnh tôn, xác người bay tung lên trong chớp lửa. Thiếu úy chỉ kịp đội chiếc nón sắt lên đầu, vừa chạy vừa hối. “Em lui xuống suối, chạy về  phía sau. Lẹ lên!”. Một trái pháo nữa nổ gần, cành cây bị phạt đứt quật xuống mái tôn thiếc rầm rầm. “Anh ơi!” Tiếng hò hét, giục giã. “Đ.M! Sao không bắn chặn tụi T54? M72 đâu?”. “Chạy thôi tụi bay! Nó vô nghiền nát bây giờ!”.

Cô gái ngẫu nhiên là thành viên của một gia đình người Xê Đăng. Ngay hôm sau, những người lính Giải phóng đã đóng quân trong làng. Họ ồn ào, vui vẻ và thân thiện, không dữ dội như ánh chớp đạn pháo cô từng thấy. Không có chuyến xe và cơ hội nào cho cô trở về nhà. Có cái Hiệp định gì đó, mà binh lính hai bên đóng quân chỗ nào ở yên chỗ đó, không đánh nhau nữa. Cô đã mượn được bộ áo váy, khăn choàng của bà chủ nhà, kiếm một sợi vải đỏ, buộc tóc lên từ trán ra sau gáy. Bà chủ nhà Hơ Bia và người con gái mười tám tuổi tên Hơ Bờ Lao đã đồng ý cho cô tá túc.

 Người lính Giải phóng vô làng mua bí, mua gà có hàm răng hô, lúc nào trông cũng như đang cười. Anh hay ghé qua nhà Amí, thường ngồi lại hỏi han chuyện heo gà, lúa bắp. Đôi mắt có chân mày rậm nhìn chăm chú vào mặt cô. Buổi tối, Amí vừa cho thêm gộc củi vô bếp, vừa bảo cô: “Bộ đội Giải phóng nó ưng mày đó! Mày ưng lại đi, rồi theo nó về xuôi!”. Trong lòng cô lóe lên một dự định. Từ bữa đó, cô hay tìm cớ gặp anh lính, thậm chí còn dẫn anh vô mấy nhà ở cuối làng mua gà, tới cả nhà Dam Yuc, Niê Huệ trong rẫy để mua bí, mua rau. Trận mưa rừng bất ngờ bữa đó, anh lính bỏ xe đạp giữa lối mòn, cùng cô chạy vào lều rẫy trú mưa. Nước mưa hằn trên áo nét quyến rũ của cô gái. Cô nóng rát mặt khi gặp ánh mắt của anh lính. Họ ngồi sát bên nhau, hơi ấm thấm qua làn nước mưa. “Anh rất cám ơn em đã giúp đỡ…”. Giọng anh lính ngàn ngạt. Cô “dạ” rất nhỏ. Hình như một cánh tay anh đã choàng qua vai cô, kéo sát lại. Mái tóc cô bị đau vì những ngón tay anh lùa vô, xoắn nhẹ. Mùi mồ hôi lính chợt thốc vô mũi, làm cô choáng váng. Mùi mồ hôi khen khét rất quen thuộc. Bàn tay cô vô thức xoa lên mái tóc rậm cợp, khô cứng. Nụ hôn lẫn vài giọt nước mưa rất ngọt. Không biết tại sao cô lại nằm xuống nền đất, một cục đá nhỏ chỏi vô lưng đau nhói. Lần thứ hai, vào một buổi chiều muộn, anh lính tìm ra khúc suối vắng cô ngồi giặt quần áo. Lần này cô chủ động dâng hiến. Cô cảm thấy xót xa cho những người lính. “Anh giúp em qua bên kia con suối được không?”. “Em qua làm gì? Bên ấy là bọn lính dù hung dữ lắm”. “Em muốn qua bển tìm má. Gia đình em bên đó!”. Cô nói dối anh, khi trong lòng nhói lên nỗi thương xót. Cô muốn qua được bên kia suối, nơi hàng ngày thấy những người lính quốc gia xuống lấy nước, rồi hỏi thăm tin tức anh Hai. Nếu gặp được, sẽ rủ anh đào ngũ về quê cưới vợ làm ruộng rẫy nuôi má, sinh con. Cô không muốn anh chết trận.

Mãi một tuần sau, anh lính mới bố trí đưa cô ra phía bờ suối cách đơn vị gần một cây số. Bên khoảng rừng phía bên kia, hoàng hôn đã khuất, chỉ le lói vạt mây hồng tía. “Mai mốt em quay lại hén!”. Cô nắm tay anh một thoáng, rồi buông ra vội, trên vai khoác bọc vải có hai bộ đồ cũ của người Kinh. “Em đi cẩn thận nhé!”. Cô đã lội ra đến giữa lòng suối cạn, ngoái nhìn lại dáng anh lính sừng sững với cây AK khoác trước ngực, hai ống quần xắn cao, chân đi đôi dép cao su đúc. Cô nhìn rõ khi cánh tay anh giơ lên vẫy, bỗng phía bên kia rừng một loạt súng vang lên chói tai. Anh lính loạng choạng đổ gục xuống. Cô bàng hoàng hét lên, đứng sững, rồi bật quay trở lại. Mặt anh lính ướt đẫm máu, miệng anh vẫn như mỉm cười. Chiếc nón cối lủng một lỗ trước trán. “Anh ơi! Tha lỗi cho em!”. Cô ôm chầm lấy anh lính, gục đầu lên ngực anh nức nở. Một loạt AR15 nữa găm chiu chíu xung quanh, một viên đạn xuyên vào bắp chân người chết, làm nó giật lên. Cô chợt nhận ra nỗi nguy hiểm cận kề, liền vùng dậy chạy ngược về phía làng. Cuộc tháo chạy y như một năm trước, nhưng không có tiếng đại bác và động cơ chiến xa gầm rú. Gần nửa đêm, đơn vị bộ đội mới tổ chức ra bờ suối đưa xác anh lính về chôn cất. Cô hoảng sợ, trốn biệt trong nhà, lo lắng vì mình là thủ phạm gây ra cái chết bất thường kia.

Ba tháng sau, thấy cái bụng nhu nhú, Amí phát hiện cô mang bầu. “Mày có bầu với bộ đội hả?”. Cô chỉ mím môi, không trả lời. Amí cho cô một vạt đất, cất cho chiếc lều nhỏ. Cô tự làm rẫy, nuôi gà, cho tới cuối năm đó sinh ra một bé gái. Con bé xinh đẹp giống mẹ, chỉ có hàng chân mày rậm là giống ba. Cô đặt tên con theo họ mẹ - Huỳnh Phương Bắc. Cái tên để nhắc nhở tới người lính Bắc. Sau giải phóng, hai mẹ con vẫn ở lại làng. Cô sợ về quê, sợ gặp dĩ vãng.

Mọi người lặng lẽ nghe câu chuyện, sau bữa cơm giỗ. Một đàn ông trung niên thốt lên. “Ô! Vậy là Ama nuôi của tui đó. Bộ đội Phương mà. Hồi đó, không có Ama Phương vớt lên, tui chết đuối ngoài sông rồi”. Bà già thảng thốt. Vậy tên ông ấy là Phương! Một việc đơn giản mà anh lính chưa hề nói với bà và bà cũng chưa kịp hỏi, dù họ đã từng ở với nhau như vợ chồng. Cô con gái bà mếu máo. “Vậy là ba con tên Phương. Hèn chi má lấy tên lót cho con là Phương Bắc. Nhưng còn quê ba ở đâu?”. Bà chậm rãi lắc đầu. Bất ngờ, ông thôn đội trưởng mặt rượu đỏ phừng phừng, oang oang. “Giàng ơi! Dễ thôi mà! Để tôi liên hệ với hội cựu chiến binh, hỏi tên đơn vị bộ đội Phương năm đó. Tìm được thôi mà!”.

Đêm ấy, cả hai mẹ con đều thao thức, chỉ đứa cháu ngoại là ôm gối ngủ ngon lành. Những cơn gió cũng lay động cây vú sữa sau nhà, xào xạc không ngủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gió thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO