Người thôi về ga xép

LÊ TRÂM 26/01/2023 07:13

(VHQN) - Ga nằm nép chân núi. Qua khỏi cầu Dùng Dằng, con đường sắt đánh một vòng cung ôm lấy chân núi, bên còn lại là những hồ nước đầy sen, hết một hơi còi, tàu sẽ ngừng lại. Ở đấy là ga, tồn tại từ rất lâu. 

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Vùng đất này đầy những câu chuyện hay, ly kỳ trải dài suốt cả ngàn năm. Như ngọn đồi gần ga phía làng kề bến sông, xếp chồng lên đó một nền văn hóa Chămpa cũ xưa, một nền văn hóa Phật giáo rồi Thiên chúa giáo.

Nhà Miên ở sát bên ga. Con út. Hải đùa, nhà gần ga thiệt hay. Như em, không biết là út thứ mấy rồi! Lần đầu nghe Hải nói, Miên giận, sau lại thấy quen dần, cảm giác Hải nói có phần đúng. Nếu nhà nàng không ở gần ga, liệu nàng có kịp hiện hữu ở thế gian này hay không? Đôi khi, nghe tiếng còi tàu nàng lại nghĩ đến câu chuyện của Hải và bất chợt mỉm cười.

Bây giờ thì Hải ở xa mất rồi. Chẳng biết mỗi lần chui lên chui xuống tàu điện ngầm để đi học Hải có còn nhớ câu chuyện này không, riêng Miên, như người mớ ngủ thỉnh thoảng lại lên ga, đứng bần thần bên đường ray mà nhớ đủ thứ. Tất nhiên, lại chờ đợi một chuyến tàu.

Mẹ Miên bảo, nhà nội Miên vốn ở dưới thị trấn. Chiến tranh liên miên. Mọi người gặp nhau ở thành phố biển. Ba tiếp tục đi học, còn mẹ, nhà nghèo quá nên phải nghỉ học, phụ ông bà ngoại chằm nón nuôi mấy đứa em.

Ba nàng bảo, ngày ấy, ở quê nhà, những trận đánh giằng dai không bên nào thắng. Những trận ca nông ngày đêm, cầm canh. Những trận bom rải khắp lượt. Bom đạn nhanh chóng xua những người còn sót lại đang cố bám víu lấy mấy thửa ruộng cằn cỗi, chạy hết về phố. Ở đó, ba mẹ Miên gặp nhau.

Trong lúc bọn học trò còn mải mê những câu chuyện tình tứ mang màu sắc kiểu con nhà khá giả, hay mơ mộng viển vông, ít khi nào động tay động chân vào một công việc cụ thể thì ba Miên lại đi “chấm” mẹ Miên - một cô gái con nhà nghèo đang độ tuổi đáng lẽ phải cùng ôm sách vở tới trường lại phải ngày ngày chằm nón phụ giúp gia đình.

Ba Miên có lần nói rằng mẹ bọn bây có cái duyên ngầm đó, đứa nào thừa kế thì phước lắm đó, sau này tha hồ phỉnh dụ bọn con trai. Nhớ lời ba, Miên chợt mỉm cười, hay là Hải bị bỏ bùa giống như ba của nàng? Vì cái duyên ngầm di truyền từ mẹ nàng? Không biết, chỉ thấy bây giờ thì Hải đã xa Miên thực sự rồi.

Hồi ấy, sau khi cưới thì nàng bảo, hay là em theo tàu chợ buôn bán nhì nhằng kiếm sống chứ bám mãi mấy đám ruộng biết bao giờ mới khá nổi. Hải ngần ngừ. Anh không muốn. Mấy lần từ đơn vị về nhà, vạ vật trên tàu lửa anh đã biết thế nào là đàn bà bán hàng tàu chợ rồi. Tốt nghiệp phổ thông, thi rớt đại học, Hải trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.

Anh được đưa đến một đơn vị thuộc quân khu, tiếng là thế nhưng chủ yếu suốt ngày lo sản xuất. Hơn hai năm thì ra quân. Mọi ý định ấp ủ từ hồi trong quân ngũ trôi tuột dần. Thực tế không hề giống những gì anh tưởng tượng khi làm lính. Sau hơn hai năm, trở về, mọi thứ đã thay đổi.

Chỉ có Miên là vẫn vậy, có ốm đi chút ít, già hơn và kém sắc, kém linh động hơn trước. Có điều gì đó trượt đi ở Miên, không còn là cô gái linh lợi, duyên dáng của ngày nào. Hay là vì Miên khao khát một đứa con. Nếu có thêm đứa con chắc Miên sẽ sinh động hẳn lên, sẽ yêu đời như ngày nào chăng?

Sau nhiều ngày chao đảo, Hải đã kịp giật mình, nộp đơn thi đại học lại và số phận đã mỉm cười với anh. Rồi anh ra trường, tiếp tục những ngày dài, rày đây mai đó. Lần chân theo mãi các đoàn khảo cổ nhiều lúc thấm mệt; rồi thêm một khóa học về khảo cổ ở nước ngoài… Phía quê nhà, Miên vẫn cứ chờ đợi, như cả hai đang chờ đợi sự có mặt của một con người.

Kết quả được nhóm công tác tiền trạm thực địa báo về Viện khiến Hải sửng sốt. Anh mới về từ xứ “chui lên chui xuống tàu điện ngầm” mỗi ngày, chưa kịp về quê, vừa chân ướt chân ráo ghé Viện đã nghe lãnh đạo thông báo. Thông tin đầu tiên đến từ đội làm đường cao tốc. Những tin tức kiểu này trước đây Hải có nghe phong thanh qua những người già, rằng nơi này vốn đầy dẫy dấu vết lưu lại của người Chămpa ngày trước và cả dấu vết cổ xưa hơn nữa.

Những người già lại nghe được từ những người già hơn. Viện của Hải mấy lần định đi khảo sát nhưng vì chưa xin được kinh phí và thường xuyên ngập trong bộn bề công việc nên dự định cứ trôi đi, hằng ba, bốn chục năm. Mới đây, lãnh đạo quyết định cử một đội đi tiền trạm… Vốn rất rành vùng đất ấy nên Hải hiểu ngay sẽ gặp phải bế tắc khi muốn giữ lại những dấu vết của người trước.

Thế đất, núi non ấy, muốn mở đường cao tốc qua vùng này chỉ còn lựa chọn duy nhất: phải đi qua chính cái vùng đất dự báo rằng đã mang đậm dấu vết khảo cổ có giá trị, nhiều cổ vật sẽ làm thay đổi cả những nhận xét về sự ra đời khá sớm của các di chỉ khảo cổ trên vùng đất này, vùng kết nối hai đầu đất nước.

“Công trình đang dừng lại, chờ Viện anh đó!” - Miên nhắn. “Nhưng không thể kéo dài lâu hơn được!”. Trong lời nhắn như chứa cả sự reo vui của Miên. Hải lắc đầu, thiệt tội cho Miên. Lấy chồng thời bình mà cứ như trong thời chiến. Cũng tại mình, muốn thì về được ngay thôi vậy mà sao cứ lần chần mãi?

Hải đáp tàu về ngay trong đêm. “Anh vào trong ấy xem liệu có giải pháp nào đẹp cả đôi đường chăng?” - Viện trưởng bảo, gần như giao hết quyền quyết định cho Hải. “Em sẽ liệu bề, nhưng mà coi bộ rất khó, anh à!”.

Ga nửa đêm heo hắt khiến Hải không khỏi chạnh nghĩ tới cái ga Cẩm Giàng huyền hoặc từng tồn tại rất lâu trong văn chương. Và cả trong một đêm tương tự như thế này, anh từng dừng lại Cẩm Giàng, một mình. Gần thế kỷ qua rồi, những ga xép vẫn cứ buồn hiu hắt. Nhất là giữa đêm vắng, những ngày đông giá đầy mưa phùn…

“Chúng tôi đang chờ quyết định của Viện anh, nội trong nay mai, sau đó công trình phải tiếp tục mới đảm bảo tiến độ thi công!”. Chỉ huy công trường bảo với Hải. Hải im lặng. Những mẩu gạch, đá, vài mảnh cổ vật bị vỡ khá lạ mắt… mà công nhân vừa mang đến cho Hải xem đã phần nào công nhận các nhận định của Viện lâu nay là chính xác. Nhưng rồi bên dưới những lớp cổ vật liệu có còn gì nữa không? Sự chồng lấp của nhiều nền văn hóa qua bao thời kỳ ở một ngọn đồi nổi tiếng gần đấy đã cho thấy điều ấy. Dù gì cũng phải tiến hành khảo sát thôi, rồi sau đó sẽ tính tiếp chứ biết sao bây giờ?

“Thiếu người và không có nhiều thời gian”. Miên vừa ôm Hải chưa ấm vòng tay đã buông ra. “Anh đi với em! Trong xóm có mấy người già khá rành địa thế, đất đai vùng này”.

Dưới sự hướng dẫn của Hải, nhóm “người già” đã giúp anh một cách tích cực. Sau ba ngày, gần như mọi thứ đã được phát lộ hết. Đúng là ẩn sâu bên dưới những gì vừa phát hiện, nhóm của Hải đã ghi nhận thêm nhiều mẩu cổ vật khác, lạ, phân bố không đều ở khắp vùng. Cái vệt ấy kéo dài xuống tận phía ga xép…

Gió phơ phất. Ga chiều bắt đầu nhộn nhịp bởi người đi, kẻ tiễn. Hải gỡ mấy sợi tóc rối trên đầu Miên rồi siết chặt lấy nàng. Miên hơi giật mình, nàng gỡ vội vòng tay của Hải. “Em sao vậy, Miên?”. “Dạ không, em chỉ thấy trong người khang khác, anh à!”. Tim Hải trượt đi một nhịp, “hay là…”.

Mãi đến lúc đưa tay vẫy chào Miên, Hải mới nhớ đã quên báo với Miên rằng từ nay anh sẽ thôi, không về ga xép nữa mà về theo đường cao tốc. Rời bỏ ga, liệu cuộc sống hai người có khác đi chút nào không?

Hải hít một hơi như nuốt hết hương đất trời, cảm nhận được hương xuân đang về, thiệt gần.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người thôi về ga xép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO