Trăng cổ tháp

NGUYỄN HẢI TRIỀU 13/06/2021 06:05

1. Thoại và Kiều quen nhau từ những năm cuối cấp ba. Ngày ấy, ngã ba sông Giao Thủy chưa có cầu. Người qua lại giữa hai vùng Duy Xuyên và Đại Lộc phải đi trên những con đò ọp ẹp sáng chiều cần mẫn chao sóng qua lại đôi bờ. Kiều và bạn bè trang lứa vùng Duy Hòa, Duy Thu, Duy Tân… phải qua ở trọ bên bờ bắc sông Thu để học trường trung học Đại Lộc. 

 

Một lần, ngày lễ hội Bà Thu Bồn, Thoại rủ bạn bè qua Duy Xuyên và biết Kiều. Nhà Kiều gần ngã ba vào khu tháp cổ Mỹ Sơn. Thuở ấy Mỹ Sơn còn hoang vu lắm. Đường vào khu tháp chỉ là những lối mòn như trong cổ tích. Những ngày nghỉ học, Kiều thường theo cha mẹ vào núi đốn củi. Bao nhiêu ngôi tháp phế tích, hoang vu, Kiều và lũ bạn trang lứa đều thuộc trong lòng bàn tay. Sau ngày quen Thoại, mỗi lần sang chơi, Kiều thường rủ Thoại và bạn bè vào khu tháp cổ để “dã ngoại”. Có khi chiều vào núi, mang theo thức ăn, nước uống, họ đàn hát vui đùa đến khi trăng lên vằng vặc mới về. Những lần ấy đã ghi lại trong ký ức họ biết bao kỷ niệm khó quên về quê xứ; về tình cảm đầu đời đã vừa lên men, bén rễ.

Vừa tốt nghiệp cấp ba, cũng là thời điểm biên giới Tây Nam ầm vang tiếng súng. Trai tráng lên đường bảo vệ biên cương. Bạn bè ôn thi đại học thì Thoại ghi tên mình vào danh sách những người ra trận. Trước ngày lên đường, anh và mấy đứa bạn thân qua Duy Xuyên chia tay Kiều. Chiều hôm ấy anh và nhóm bạn vào khu tháp cổ Mỹ Sơn. Bạn bè vây quanh anh. Họ hát, họ nói lời từ biệt. Đêm. Trời đầy trăng sao và gió rừng. Anh cảm thấy khu tháp như linh thiêng hơn. Những tượng đá huyền ảo, rêu phong. Vũ nữ Apsara chao nghiêng xa xăm cổ tích. Tiếng hát bạn bè anh âm vang một góc núi: “…Chưa yên vui cho trọn ngày/ áo lính lại khoát vào ngay/ chưa xây xong bao lâu đài/ súng thép đã ấm bàn tay/ tiếng kêu núi sông giục bước ngay…”; “Năm tháng đợi mưa rừng/ ngày đêm vùi sương núi/ em vẫn chờ vẫn đợi/ vẫn đợi anh về…”. Rồi họ tế nhị tách nhóm ra ngồi ở một ngôi tháp khác, để anh và Kiều được riêng rẽ một khoảng vắng bình yên. Họ nắm tay nhau, những lời hứa hẹn đợi chờ ngày Thoại trở về, những giọt nước mắt mặn môi ly biệt. Đêm ấy, vầng trăng cũng thẫn thờ, vũ nữ Chiêm nương cũng biết cảm thông nỗi buồn của họ chừng như cô quạnh hơn. Cả nhóm chờ cho trăng lên trên đỉnh Mu Rùa mới quay gót về làng.

Vài ngày sau, Thoại lên đường mà không có Kiều đưa tiễn. Anh lên xe mà Kiều thì chưa qua được đò. Con đò cắc cớ làm cho họ trễ hẹn nhau. Khi Kiều đến điểm giao quân thì xe của anh đã đi rồi.

Thoại được huấn luyện ở một đơn vị nơi Tây Nguyên. Sau ba tháng, đơn vị anh hành quân sang đất bạn tham chiến. Hết mùa mưa đến mùa khô không ngừng nghỉ, chiến dịch liên miên cùng những trận đánh khốc liệt với kẻ thù, giữa sự sống và cái chết, anh và đồng đội không còn thời gian để nghĩ về hậu phương, về quê xứ; nơi ấy có mẹ, có em, có bóng dáng người thương đang khắc khoải đợi ngày anh trở lại. Những tháng ngày đầu, anh thường nhận được thư của Kiều, cô ấy kể cho anh nghe bao điều xảy ra nơi quê nhà. Chuyện lễ hội Bà năm này đông vui. Khu di tích Mỹ Sơn có mấy ông Tây về trùng tu, sửa sang. Nơi làng của Kiều không còn vắng vẻ mà đông vui hơn xưa. Nghe đâu khu di tích sắp được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nếu được vậy hẳn là niềm tự hào của quê xứ muôn đời, quê xứ của Kiều và cả anh. Do có năng khiếu, Kiều được tuyển vào đội thông tin văn nghệ của huyện, tập những tiết mục hát múa Chăm để chuẩn bị phục vụ cho khách du lịch mỗi khi họ đến tham quan khu di tích. Nghe tin vậy, Thoại vui lắm.

Rồi thời gian cứ trôi, một năm, hai năm, ba năm… đời lính trận cứ mải miết những con đường hành quân, tiếng súng và bom đạn; những mất mát, thương tích làm tâm hồn anh chai sạn đi, những lá thư từ hậu phương cũng thưa thớt dần rồi ngưng hẳn. Lúc đầu anh nghĩ, chắc do điều kiện chiến trường, đơn vị thường di chuyển theo từng trận đánh, không cố định nơi nào nên có thể thư không đến mình, nhưng rồi anh cũng nhận ra được một điều, chiến tranh không thể trách những người đợi chờ, họ phải nghĩ đến tương lai của họ chứ, tuổi xuân có thì!

2. Đơn vị Thoại đi qua mùa khô năm 1984 với hàng chục trận đánh lớn nhỏ trên cứ điểm 547 của địch. Kết thúc chiến dịch, đơn vị của anh hao hụt quân số quá nhiều. Có đại đội chỉ còn phiên hiệu, thực binh đếm trên đầu ngón tay. Tiểu đội của Thoại còn lại ba người, anh và hai chiến sĩ. Đơn vị được lệnh hành quân về phía sau để bổ sung quân; riêng tiểu đoàn của anh thì chốt quanh Đền Pret-vi-hia, một ngôi đền cổ nằm ngay biên giới Campuchia giáp với Thái Lan.

Được đóng quân ngay trong ngôi đền với nhiều ngọn tháp uy nghiêm cổ xưa; những phù điêu, tượng đá trầm tích ngàn năm vóc hình Apsara vũ nữ, thần linh… làm Thoại nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của anh với Kiều, nhớ lại những đêm trăng Mỹ Sơn của anh và bè bạn. Nỗi nhớ quay quắt trong anh đêm chia tay với nụ hôn nồng ấm cùng lời hẹn ước ngày về. Ngồi trên bậc cấp bằng đá đầy rêu phong trước cửa đền, anh châm điếu thuốc Apsara thằng bạn mới cho, nhả một hơi khói, đang nghĩ ngợi mông lung thì Thoại nghe tiếng gọi lớn: “Thoại ơi!...”. Quay đầu lại, thằng Long, đồng hương của anh chạy từ dưới dốc lên, thở hổn hển: “Ông biết tin chi không?”. “Tin chi?”. “Trong số lính mới bổ sung về tiểu đoàn, có một đứa gần nhà người yêu ông. Hắn nói Kiều lấy chồng gần một năm ni rồi! Ưng thằng làm văn nghệ ở Mỹ Sơn. Hèn chi cả năm thư cho ông một chữ cũng không có”. Thoại nghe tin cứ dửng dưng làm cho Long càng ngạc nhiên: “Ông tỉnh queo vậy? Biết rồi hả?”. Thoại vẫn mặt lạnh như tiền làm cho Long cụt hứng: “Không biết nhưng đoán!”.

Ừ, mà trách chi chứ? Kiều lấy chồng cũng phải thôi. Cuộc đời chiến binh như anh có khi nào hẹn trước được ngày về. Cứ sau mỗi trận đánh, bạn bè anh ngã xuống hết người này đến người khác. Có thể ngày mai sẽ đến lượt anh. Lấy dây buột số phận người ta vào cuộc đời phong trần sống chết của mình quả chẳng nên tí nào. Nghe tin Kiều lấy chồng, có thể đau một tí nhưng Thoại vẫn thấy nhẹ nhõm. Câu thơ ai đó đã viết: “Bữa cô hàng xóm bỏ làng theo chồng/ Chiến tranh dài hơn thời con gái/ Lỗi tại bến sông màu mây trắng quá/ Để em sang ngang vắng đôi lúm đồng tiền…” - Thoại nghe sao mà có lý quá.

Đường chiến trận còn dài ra hơn một năm nữa. Đơn vị của Thoại sau khi bổ sung, hành quân lên giải phóng Ngã Ba Biên, rồi được lệnh cấp trên rút quân về nước. Ra quân sau năm năm chiến trận, anh về lại quê. Với khí chất của người lính nơi chiến trường, Thoại quyết tâm thi vào đại học dù tuổi không còn trẻ nữa. Sau khi tốt nghiệp, theo lời một người bạn thân giới thiệu, anh làm việc ở một cơ quan báo chí tận miền Nam, không về quê nữa; và điều lạ nhất là anh chẳng nghỉ đến chuyện vợ con dù đã ngoài năm mươi tuổi. Gia đình, người thân, bè bạn có hỏi, anh chỉ cười rồi bỏ đi. Hằng năm Thoại thường về thăm nhà, anh có biết cuộc sống của Kiều nhưng không bao giờ gặp. Anh nghĩ, mọi bình lặng hay sóng gió trong cuộc đời rồi sẽ đi qua, Kiều sống hạnh phúc là vui rồi.

3. Phải có đến hơn ba mươi năm Thoại và Kiều mới gặp lại nhau. Ba mươi năm, thời gian quá dài với một đời người. Lần này Thoại về theo đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh bạn thăm Quảng Nam. Lên Mỹ Sơn, anh hỏi thăm và gặp được Kiều, cô gái ngày xưa nay đã là một phụ nữ năm mươi tuổi. Ngồi dưới bóng chiều tà nơi tháp cổ, những ký ức xưa xăm lại hiện về trong họ. Hạnh phúc và đau đớn; yêu thương và nghiệt ngã. Kiều kể lại chuyện cuộc sống của cô cho Thoại nghe. Cũng sóng gió lắm rồi cô lấy chồng. Kiều làm việc ở Mỹ Sơn trong đội văn nghệ phục vụ khách tham quan, sinh con đẻ cái. Qua cái tuổi xanh thì không phù hợp với việc hát hò, cô được cơ quan chuyển về huyện làm văn phòng, cũng sắp nghỉ chế độ rồi. Gần mười năm nay, chồng cô qua đời vì căn bệnh ung thư, cô một mình chèo chống trước bão dông của cuộc đời.

Đêm xuống. Trăng cổ tháp vành vạnh. Một người đàn ông và một người đàn bà ngồi bên nhau. Họ không còn trẻ nữa, với một mớ ký ức xa vời và nghĩ về thân phận mình. Ngoài kia, gió đong đưa những cành lá vô tình chạm vào đỉnh tháp huyền ảo, mơn man những cánh tay trần vũ nữ ngàn năm. Âm thanh từ chiếc loa trong nhà biểu diễn của khu di tích nhè nhẹ bay vào không trung lời một bài hát: “…anh nói rồi anh đi/ chiến tranh không hẹn ước./…em vẫn chờ đợi anh/ sao anh mãi không về!...”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăng cổ tháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO