Xóm lên đời

KHƯƠNG QUỲNH 11/07/2021 06:43

Bố khoác vai ông Sáu dắt nhau ra quán bia hơi, bỏ lại sau lưng một cái lườm hờn dỗi của mẹ. “Bia bây giờ cũng năm bảy loại bia”. Dường như mẹ ám chỉ bố đi uống bia “tay vịn”.

 

Quán bia “tay vịn” mới mọc ở giữa xóm. Đám thanh niên kháo nhau, ở đấy có em số bốn rất đẹp. Quán là nguyên nhân gây nghi kỵ, lục đục nội bộ bao gia đình. Bây giờ, đến lượt nhà tôi. Tôi tin bố sẽ không bị cám dỗ bởi những ngón ăn chơi mới mẻ ấy. Cả đời ông cun cút làm lụng, chỉ biết cắm mặt vào cái máy may. Mẹ tôi thì không nghĩ thế, bà hết nói bóng gió lại ghen lồng lộn. Lý do chỉ vì bố chơi thân với ông Sáu.

Những năm cuối đời, vợ ông Sáu là người tàn phế. Thời ấy, một mình ông chăm sóc cho vợ lại nuôi các con ăn học. Sáu giờ sáng, người ta đã thấy ông xách cặp lồng đi mua phở cho vợ. Áo quần bà ông giặt tay, phơi nắng thơm phức. Bà bị liệt toàn thân nhưng lúc nào tóc tai cũng được ông buộc gọn gàng. Các con ông đi học xa vì thế mà yên tâm. Ông được cả xóm coi như mẫu đàn ông lý tưởng, trở thành khái niệm của sự chừng mực, tử tế. Các bà các mẹ còn dặn con gái: “Lấy chồng phải kiếm người bằng một góc của ông Sáu mới đáng”.

Ông Sáu kiên nhẫn chăm sóc vợ đúng mười ba năm sáu tháng ròng rã. Nhưng chỉ sau đám tang vợ một ngày, ông đã ra quán bia “tay vịn”, đòi bao nuôi cô số bốn. Chuyện của ông Sáu làm cả xóm rùm beng, các con ông kinh ngạc, chỉ có ông là bình thản: “Tao hy sinh một đời chưa đủ à?”. Người ta phân tích sôi nổi, đổ lỗi cho lòng người nhiều ngóc ngách, có người bênh, lại cho rằng do xóm lên đời nhanh chóng mặt, cuốn phăng cả nền nếp gia phong.

Trước đây, xóm tôi thuộc khu vực khó khăn, người người sống nhờ ruộng vườn. Mỗi năm hai vụ lúa. Giữa mùa, bà già, trẻ con và cả thanh niên ngồi vêu vao dọc đường cái chơi không, chờ ông cà rem để mua cây kem đá ăn giải khát hoặc đợi bà “tò tét” gánh hàng xén đi qua. Thời ấy, nhà nào xây hai ba tầng cũng nhờ con cái đi xuất khẩu lao động gửi tiền về. Vài năm nay, mọi thứ đổi thay khi vài nhà máy dựng lên. Thanh niên trong xóm và cả người tận đâu đổ xô về xin việc. Nhiều nhà thức thời xây ngay nhà trọ cho công nhân, rồi nhà khác mở quán cơm, quán nước mía. Một thời gian sau con đường cái đầy hàng quán, có cả karaoke, tiệm massage, bia “tay vịn”... Người ta có đồng ra đồng vào, nhưng từ đó, xóm ngày nào cũng có chuyện dở cười dở khóc để bàn tán.

Như chuyện chị Xuân giặt đồ cho chồng, mò trong túi quần một chiếc bao cao su. Buổi trưa, thấy chồng về, chị đùng đùng vác chổi đuổi anh chạy quanh xóm. Anh chồng vừa chạy, vừa phân bua: “Cái này tôi thề là chưa dùng, thằng Tuấn mới cho, rủ mai mốt đi uống bia”. Đúng lúc vợ anh Tuấn ngồi ngoài thềm nghe được cứ thế gào lên, vừa chửi mắng chồng vừa khóc. Chị khóc to đến nỗi đứa con trong bụng bức bối cũng muốn chui ra sớm. Hàng xóm lại hò nhau đưa chị đi đẻ, cảnh tình vô cùng hỗn loạn.

Chuyện nhà này chưa yên thì đến nhà khác. Một chị trong xóm bắt gặp anh chồng bước ra từ nhà nghỉ, thế là hai vợ chồng cãi nhau to. Bà mẹ chồng mặc kệ cảnh tượng vốn đã thành quen, sau khi ăn xong hai chén cơm, bà đứng dậy bâng quơ: “Thế con vào nhà nghỉ làm gì mà gặp chồng?”. Anh chồng ngơ ngác, gương mặt hiện rõ chữ: “ừ nhỉ?”. Tình thế đảo ngược, anh bắt đầu vặn lại chị, hai vợ chồng cãi nhau suốt từ trưa đến khuya không phân thắng bại, hàng xóm chẳng ai ngủ được.

Từ những chuyện đó, các bà các chị bất an, quyết lập  nhóm kín, rủ nhau chơi facebook để tiện thông báo tin tức cho nhau. Hình như mẹ tôi cũng tham gia, điện thoại bà cả ngày “ting, ting”. Chắc hẳn trong mớ tin nhắn chưa xuất hiện tin nào có tên bố. Nhưng mẹ vẫn “đánh phủ đầu” ông vào những bữa cơm: “Đấy, hôm nay ông X vào quán bia “tay vịn”, ông Y vào nhà nghỉ. Đàn ông cả xóm này đổ đốn hết”. Bố nghe mãi thành quen, ông chỉ thở dài, nhệu nhạo ăn nốt chén cơm, chán chường như ăn phải cơm sống. Bố tôi là một người cực kỳ nhẫn nhịn. Trong những lần nói chuyện với các con, ông không trách móc mẹ, chỉ nói chuyện xa xôi. Ông bảo xóm như bây giờ chẳng nên đổ lỗi do các nhà máy. Chẳng qua, cuộc sống trước đây nhạt nhẽo, bình lặng nên niềm tin trong họ chưa bao giờ được tôi luyện. Vì vậy chỉ một ngọn lửa cũng khiến lòng người bầm dập, trở nên nghi kỵ. Mẹ cũng vậy.

Thời trẻ, như nhiều người, bố mẹ đến ngày cưới nhau mới biết mặt đối phương. Bố đi bộ đội, được dịp về thăm nhà, bà nội “khoán” trong thời gian ít ỏi đó phải lấy vợ. Mẹ thuộc diện quá lứa lỡ thì. Bà nội dắt bố qua nhà mẹ, nói ướm vài câu đã xong việc. Mẹ ám ảnh với những câu chẳng biết vô tình hay hữu ý từ xóm giềng: “Xấu xấu thế mà lấy được anh đẹp trai nhất họ”, “Cuối cùng cũng có người rước, nhất cô Lan”... Bố chẳng quan tâm lời thiên hạ. Ra quân, ông đi học nghề may, rồi lầm lũi cả ngày may, cắt. Ông cầm kéo nhiều đến nỗi bàn tay phải có ngón cái lõm vào trông như bị tật. Bố mẹ ở với nhau và có đến sáu mặt con, mẹ vẫn hoang mang chừng ấy năm chồng đã yêu mình hay chưa? Nhất là dạo này, khi con cái thành đạt, bố lại trắng trẻo phong độ hẳn ra trong khi mẹ da nhăn, tóc bạc thấy rõ.

Một hôm có một cô gái trẻ đẹp đến tiệm may của nhà tôi. Mẹ dò xét đưa mắt nhìn từ chiếc áo lệch vai đến chiếc váy ngắn bó sát của cô ta. Một lúc sau, mẹ nhận ra đó là cô số bốn ngoài quán bia “tay vịn”. Cô đến đặt may váy. Mẹ cầm chiếc thước dây đo đạc qua loa, ghì bút ghi lại những con số vào sổ, mạnh đến nỗi nét hằn cả sang ba bốn trang khác. Hình như bà hằn học với làn da trắng muốt, bực bội với vòng ngực căng đầy của cô.

Bố không quan tâm, ông lật sổ xem rồi lấy vải ra đo cắt: “Bà có đo nhầm không. Váy ngắn thế này thì mặc thế nào?”. “Tôi tưởng ông biết số đo của người ta rồi”, giọng mẹ nửa chế giễu pha chút hờn mát. “Con bé này may đồ lần đầu, tôi biết thế nào được, bà hay nhỉ”. Mẹ lẩm bẩm: “Lại giỏi vờ vịt”. Bố khựng lại, chợt hiểu ra điều mẹ ám chỉ, ông đập cục phấn may xuống bàn. Lần này, ông gào lên, nhắc lại lời của ông Sáu vẫn hay nói: “Tôi hy sinh cả đời cho cái nhà này chưa đủ sao?”. Bố ném vào mẹ một ánh mắt thất vọng. Lúc quay lưng đi, ông khóc. Thời nhà tôi còn khó khăn, lúc chị hai sảy thai, chị ba thất nghiệp bố cũng chưa từng rơi nước mắt. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi thấy ông khóc. Ông nhào ra đường cái, ngửa cổ lên trời hít một hơi sâu như cố bơm nỗi uất nghẹn ngược vào trong.

“Bia hơi mười ngàn một lít”, “Karaoke gia đình”, “Cà phê Chiều tím”, “Mát-xa Cây si”, “Bò tùng xẻo Sài Gòn”, “Vịt quay Bắc Kinh”, “Nhổ tóc bạc 20 nghìn mười phút”, “Gội đầu dưỡng sinh cô Điệp”, “Bơm hơi vá ép anh Năm”... Những bảng hiệu đầy rẫy, phô phang trước tầm mắt người đi đường mời gọi. Nhưng hôm ấy bố cứ bước đi vô định, chẳng biết nên rẽ vào đâu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xóm lên đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO