Từ ngày 25.5, Nghị định 27/2014/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động với loại hình lao động giúp việc gia đình có hiệu lực. Quy định mới này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mà còn là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cơ quan chức năng quản lý và hạn chế những tranh chấp nảy sinh.
Theo quy định trong Nghị định mới, giữa chủ nhà (người sử dụng lao động) và người giúp việc phải ký kết hợp đồng lao động. Trong hợp đồng phải ghi rõ: thỏa thuận về tiền lương; điều kiện ăn ở; trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản của chủ nhà; trách nhiệm bồi thường khi phá vỡ hợp đồng… trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động; những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên. Nghị định cũng quy định một số quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện hợp đồng lao động, như tiền lương (tối thiểu 2,7 triệu đồng/tháng), bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, trách nhiệm vật chất... Như vậy, về cơ bản, quyền lợi của người giúp việc như thời gian nghỉ ngơi trong ngày, trong tuần, những ngày lễ, tết… nhưng vẫn được hưởng lương.
L.V