Trường này thời gian vừa qua được biết đến với tình trạng học sinh bỏ học khá lớn. Ông Bùi Văn Lý - Hiệu phó nhà trường cho biết, hiện có 60 học sinh lớp 10 bỏ học, với lý do là học không kịp chương trình và thiếu cái ăn. Áp lực với tiêu chí phổ cập cấp 2, xong lớp 9, có hồ sơ là tuyển vào lớp 10, nên chất lượng nhấp nhô, nhiều em “mít đặc”, đành bỏ cuộc. Cả trường hiện có 800 em, nhưng chỗ ở nội trú chỉ đủ cho 200, còn lại các em phải ở ngoài nhờ nhà dân. Còn chuyện đói thì có thêm ý kiến này: trên này, tiểu học và THCS, đi học được hỗ trợ bằng 80% lương tối thiểu. Vì thế các em yên tâm đi học. Nhưng lên cấp 3, số tiền các em được nhận theo Nghị quyết HĐND tỉnh chỉ còn 100 nghìn đồng/tháng. Gia đình các em phần lớn khó khăn, tiền đâu mà chu cấp.
Chuyện học sinh cấp 3 thiếu đói, bỏ học... ông Lê Ngọc Kích – Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, lãnh đạo nhà trường phải chủ động đề xuất các giải pháp, kẻ cả việc có cần phải thay đổi trường này thành trường Nội trú PTTH không? Tại trường THPT Nam Trà My chưa bao giờ có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bởi giáo viên lên vùng cao, được biên chế, đủ 5 năm là xin về, làm sao cố công rèn luyện thành thầy giỏi được? Nhiều người băn khoăn, anh có giỏi trên này thì nếu có về dưới xuôi, không hơn thì cũng bằng người ta chứ? Rồi, có thầy giỏi thì mới có trò giỏi. Có bao giờ trường đưa ra sáng kiến kinh nghiệm làm sao duy trì sĩ số học sinh? Các cấp chính quyền cơ sở có vai trò thế nào trong việc đảm bảo các em không bỏ học? Quá nhiều câu hỏi được đặt ra...
Nhưng có thầy cô lại ý kiến khác, lên lớp dạy mà học sinh không theo kịp chương trình, tiếp thu thụ động, thì sao có hứng khởi mà dạy cho hay? Nói mà người nghe hiểu, thậm chí sáng tạo hơn, thì dạy mới bay bổng. Kiến thức bình thường mà các em tiếp thu đã khó khăn, thì giáo viên cố rèn mình cho giỏi để làm gì?
Trách nhiệm của thầy trò đã đành, nhưng nặng nhất có lẽ là của các cấp chính quyền với những cơ chế, chính sách thật sự hiệu quả, sát sườn và dài hơi. Nhiều chường trình, dự án từ trước đến nay đã đổ vào miền núi, nhưng số hộ đói nghèo vẫn còn ở mức rất cao; nếp nghĩ của đa số người dân vẫn chưa thay đổi được. Mới đây huyện Tây Giang tổ chức chợ phiên Cơ Tu và cố gắng duy trì hàng tháng vào ngày 23. Bà con các nơi trong huyện cứ ngày này là đưa hàng hóa đến bán. Người ta kỳ vọng sẽ dần dần thay đổi nếp nghĩ về làm ăn, buôn bán, tư duy thị trường ở đồng bào, để đến lúc nào đó bà con tự mình thoát nghèo. Từ chuyện đó, ngoảnh sang chuyện học, không biết có ai sáng kiến ra một “phiên chợ học” có thể góp phần giúp các em nỗ lực học tập trong tâm thế không bị đói ăn giày vò, học với sự vững vàng và căn cơ kiến thức mà không bị chữ nghĩa bỏ rơi?
TRUNG VIỆT