Phát triển thị xã Điện Bàn theo hướng nào đã và đang được chính quyền địa phương cân nhắc kỹ càng; đồng thời tìm sự tham vấn hợp lý để xây dựng đô thị mang bản sắc riêng và đi lên bền vững.
Giao thông nội thị Vĩnh Điện được đầu tư mở rộng khang trang.Ảnh: CÔNG TÚ |
Chậm nhưng chắc
Câu chuyện được nhân dân và cán bộ ở Điện Bàn thường xuyên đề cập suốt mấy ngày qua đó là sự nỗ lực phấn đấu xây dựng huyện thành thị xã đã được đền đáp. Niềm vui xen lẫn lòng tự hào khi Đề án thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường trực thuộc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đúng vào thời điểm quê hương kỷ niệm 40 năm giải phóng. Chủ tịch UBND huyện - ông Lê Trí Thanh bày tỏ, Điện Bàn thành thị xã theo đúng lộ trình đề ra là cách “gieo” niềm tin tốt nhất, hiệu quả nhất trong nhân dân, tạo cho toàn dân một khí thế mới. Với tình hình khó khăn như hiện nay, thành quả ấy chính là động lực rất lớn để Điện Bàn huy động sức dân cùng với Đảng bộ, chính quyền tập trung đầu tư phát triển. Quyết định số 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Điện Bàn thuộc cụm đô thị động lực số 2 ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Và nay thành thị xã, địa phương có điều kiện để tiếp cận ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA trong cơ chế hỗ trợ đầu tư tạo kích thích lan tỏa. Cạnh “láng giềng” Đà Nẵng, Điện Bàn có cơ hội tận dụng cơ sở hạ tầng đầu mối của thành phố để phát triển với tư cách là đô thị vệ tinh. Và lẽ tất yếu, con người, bộ máy của một thị xã cũng phải củng cố, nâng cao năng lực để đáp ứng nhiệm vụ mới .
Hội thảo bàn về liên kết phát triển đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An. |
Song để biến thời cơ, lợi thế thành kết quả thực tế, Điện Bàn cần phải hóa giải nhiều thách thức. Huyện lên thị xã thì đã rõ, thế nhưng phát triển theo mô hình, cách thức nào là vấn đề vô cùng khó. “Nếu nôn nóng, rập khuôn thì sau này phải trả giá rất lớn. Do vậy, Điện Bàn sẽ phải rà soát lại quy hoạch, định hướng cho phù hợp để tạo nên sự phát triển bền vững và có bản sắc” - ông Lê Trí Thanh nói. Bên cạnh đó, nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng chẳng hề đơn giản. Đặt lên bàn nghị sự, Điện Bàn xác định ưu tiên “khơi thông” dòng vốn doanh nghiệp bằng môi trường đầu tư hấp dẫn, thủ tục hành chính nhanh gọn. Và yêu cầu được đặt ra là đội ngũ cán bộ, nhất là ở 7 phường cần trang bị cho mình tư duy khác, một tầm nhìn mới. Trở thành thị xã, Điện Bàn còn phải xây dựng nếp sống văn minh từ khu vực đô thị đến nông thôn.
Hoàn thiện đô thị
“Truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và vị thế địa chính trị của vùng đất Điện Bàn đã và đang hun đúc nên ý chí mãnh liệt, bản lĩnh kiên cường của con người nơi đây. Mỗi tấc đất đều thấm bao xương máu, mồ hôi của các bậc tiền nhân trong suốt chặng dài mở cõi, bảo vệ và xây dựng quê hương, nhắc nhở chúng ta phải có tâm, có tầm và có trách nhiệm không chỉ cho hôm nay mà cho muôn đời sau. Điện Bàn đã, đang và sẽ có nhiều đột phá cơ bản để sẵn sàng cho tầm vóc mới, hành trình mới”. (Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn - Lê Trí Thanh) |
Xây dựng Điện Bàn trở thành đô thị mang bản sắc riêng nhưng vẫn đảm bảo hài hòa, bổ sung cho nhau giữa các mối liên kết cận và xa là cả một quá trình lâu dài, không thể đốt cháy giai đoạn. Thể hiện sự cầu thị, vào tháng 3.2014, lãnh đạo Điện Bàn đã sớm đi trước một bước khi chủ trì phối hợp tổ chức hội thảo khoa học bàn về định hướng liên kết phát triển đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An. Tại sự kiện này, nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về quy hoạch và kinh tế đã khẳng định sự phát triển tất yếu của “đô thị mới” Điện Bàn trong mối quan hệ tương hỗ với “đô thị cổ” Hội An và “đô thị trẻ” Đà Nẵng. Trước mắt, theo ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện về một số mặt để đảm bảo vững chắc các tiêu chí đô thị loại IV, sau đó mới tính toán nâng tầm thành đô thị loại III. Trọng tâm vẫn xác định tập trung phát triển hạ tầng đô thị là chính. Đối với giao thông, địa phương tiếp tục xúc tiến và hoàn chỉnh trục giao thông đối ngoại tỉnh lộ (ĐT), nhất là ĐT609, ĐT608, ĐT607, ĐT605, ĐT603…; đồng thời kết nối thông suốt và bài bản khu vực trung tâm với vùng đông qua các trục ngang huyện lộ (ĐH) như ĐH9, ĐH8, ĐH7… Tham mưu và hiện thực hóa đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn quốc lộ 1 cũ qua địa bàn Vĩnh Điện.
Cơ sở hạ tầng của Điện Bàn ngày càng phát triển. Ảnh: CÔNG TÚ |
Chăm chút cho đô thị, Điện Bàn đã tính toán đầu tư các khu dân cư, các khu phố chợ. Theo đó, khu dân cư phố chợ Điện Thắng Trung ở phía bắc chuẩn bị triển khai xây dựng; hoàn thiện khu dân cư phố chợ Điện Nam Trung và Điện Dương ở phía đông; thực hiện khu dân cư thương mại Cầu Hưng - Lai Nghi gần phường trung tâm và khu dân cư thương mại Điện Thọ nằm về hướng tây. Tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi để điều chỉnh phục vụ nhu cầu của nhân dân và công nhân trong khu công nghiệp. Ở mục tiêu trung hạn, các xã dọc quốc lộ 1 nằm trong vệt đô thị phải tập trung đầu tư để đến năm 2019 đủ điều kiện lên phường. Nằm vùng ngoại thị, các xã diện quy hoạch nông thôn mới sẽ không ngừng được trợ lực để đạt chuẩn, tuy nhiên sẽ không nóng vội, rập khuôn vô thức để tránh tình trạng “đô thị hóa nham nhở nông thôn”. Và theo ông Lê Trí Thanh, càng phát triển, nông thôn càng cần phải giữ cho được cái chất, cái hồn của mình, có như vậy mới làm gia tăng giá trị khác biệt trong một chỉnh thể.
KHẢI KHIÊM