Tự hào bài chòi phố cổ

VĨNH LỘC 10/12/2017 16:27

(QNO) - Lần đầu tiên khán giả và du khách được xem một chương trình có sự tham gia của nhiều lớp nghệ nhân bài chòi cùng trình diễn chung trong một không gian trân trọng và nhiều cảm xúc.

Một tiết mục hô hát bài chòi trong đêm vinh danh
Một tiết mục hô hát bài chòi tại đêm diễn vinh danh do Trung tâm VH-TT Hội An vừa tổ chức. Ảnh: VĨNH LỘC

Tôn vinh bài chòi

Trong chương trình đặc biệt về nghệ thuật bài chòi do Trung tâm VH-TT Hội An vừa tổ chức nhân sự kiện “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, bốn thế hệ nghệ nhân hô hát bài chòi phố cổ Hội An đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc thú vị. Đó không chỉ là các câu ca vui nhộn, dí dỏm hay chuyển tải những giá trị đạo đức, lối sống văn hóa của vùng đất mà chính là sự kết nối các thế hệ nghệ nhân bài chòi Hội An cùng tụ hội về trong đêm diễn. Khán giả dễ dàng bắt gặp những cái tên một thời gắn bó quen thuộc với nghệ thuật bài chòi phố Hội như nghệ nhân Lương Đán, Phạm Thị Thạnh, Thu Hương, Đinh Minh Nhanh… kế tiếp trình diễn phục vụ khách như là sự kế thừa, tiếp nối các giá trị nghệ thuật của loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc này.

Bài chòi đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của phố Hội
Du khách tham gia trò chơi bài chòi. Ảnh: VĨNH LỘC

Gần 50 năm gắn bó với nghệ thuật bài chòi, bà Phạm Thị Thạnh (66 tuổi), nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An không giấu được xúc động, vui sướng khi đứng trình diễn trước đông đảo người xem và du khách ngay sau sự kiện bài chòi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với bà, đó là niềm tự hào, hạnh phúc; không phải vì bộ môn bà yêu thích được vinh danh mà còn mãn nguyện hơn khi chứng kiến các thế hệ đàn em đang tiếp nối nuôi dưỡng phát huy bài chòi. “Không riêng tôi mà tất cả anh chị em yêu mến bài chòi đều rất vui mừng, hãnh diện. Đây là niềm mơ ước của hầu hết người hoạt động trong lĩnh vực này. Danh hiệu UNESCO vinh danh sẽ là cơ hội và động lực lớn để nhiều người dân và du khách biết đến nghệ thuật bài chòi, nhất là bài chòi Hội An vì hô hát và chơi bài chòi từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân phố Hội” - bà Thạnh tâm sự.

Thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia
Bài chòi đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của phố Hội. Ảnh: VĨNH LỘC

Còn với Đinh Minh Nhanh, một nghệ sĩ bài chòi trẻ tuổi nhưng khá tài năng của Hội An, việc bài chòi được vinh danh sẽ là cơ hội và động lực để các thế hệ trẻ như anh giữ gìn, phát huy tốt hơn loại hình nghệ thuật này đến công chúng và du khách gần xa. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm tòi những câu hô hát nội dung hay, gần gũi, dí dỏm để du khách có thể hiểu và hòa nhịp với không khí trò chơi bài chòi, từ đó giúp người xem cảm nhận được bài chòi dễ dàng hơn, nhất là các bạn trẻ” - anh Nhanh nói. Có lẽ vì vậy, trong đêm vinh danh bài chòi không chỉ Đinh Minh Nhanh mà dường như ai cũng hát hay và nhiều cảm xúc hơn. Tôn vinh nghệ thuật cũng chính là tôn vinh những nghệ nhân đã nhập hồn vào bài chòi, chuyển tải những giá trị độc đáo của loại hình diễn xướng dân gian này đến với công chúng và du khách. Chương trình đã thật sự trở thành đêm “gala” bài chòi đầy tự hào sâu lắng mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Sân khấu vườn tượng An Hội như đông hơn trong đêm diễn, một phần vì nghệ thuật bài chòi đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, nhưng quan trọng hơn là tình yêu bài chòi của các nghệ nhân đã chạm đến cảm xúc của người xem và du khách.

Sản phẩm du lịch phố Hội

Ngày 7.12.2017, tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Hàn Quốc, “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” chính thức được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ tập trung ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và TP.Đà Nẵng.

Đến nay không ai biết chính xác bài chòi có từ bao giờ, nhưng chắc chắn một điều, bài chòi ra đời gắn liền với quá trình lao động sản xuất của người dân quê. Ngày xưa để tổ chức hô hát bài chòi người dân thường dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2 - 3m, rộng đủ vài người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị chức sắc địa phương. Các anh hiệu, chị hiệu hô hát bài chòi chủ yếu theo 4 làn điệu cơ bản là xàng xê, xuân nữ, hò Quảng và cổ bản. Riêng tại Quảng Nam còn có thêm làn điệu vè Quảng và vọng kim lang, qua đó tạo nên nét riêng của bài chòi Quảng Nam. Bài chòi hấp dẫn người chơi không chỉ bởi hình thức đơn giản, mà còn ở cách thể hiện chân chất, lời hát gần gũi, nói lên tâm tư, nguyện vọng của người dân, phản ánh lao động, đồng thời cũng lên án thói hư, tật xấu vừa sâu cay nhưng cũng dí dỏm lắng đọng trong lòng người nghe.

Thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia
Du khách nước ngoài thích thú khi tham gia chơi bài chòi. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Hội An, tại Hội An, nghệ thuật bài chòi đã được đưa vào phục vụ khá sớm, nhưng để nhìn nhận như một sản phẩm du lịch phải kể đến tháng 9.1998 khi bài chòi được đưa vào biểu diễn trong chương trình Đêm phố cổ, dù trước đó năm 1996 đã được trình diễn tại Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An. Đến năm 2010 bài chòi chính thức trở thành hoạt động hàng đêm trong phố cổ với hai hình thức là hát bài chòi và chơi bài chòi. Đồng thời, Trung tâm VH-TT thành phố cũng đã cơ cấu chương trình nghệ thuật bài chòi vào tour tham quan phố cổ tại địa chỉ số 9 Nguyễn Thái Học, thời lượng mỗi ngày 2 suất. Bài chòi từ một hình thức diễn xướng dân gian đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách. “Bây giờ bài chòi gần như trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hội An. Việc vinh danh bài chòi sẽ là cơ hội quý báu để quảng bá, phát huy hơn nữa loại hình nghệ thuật này đến với du khách. Do đó, trung tâm sẽ tiếp tục phát triển, cải tiến hình thức diễn xướng lồng ghép các yếu tố đương đại vào nhằm tạo sự phong phú về nội dung và ca từ để bài chòi dễ hiểu, hấp dẫn và gần gũi với công chúng hơn” - ông Phùng cho biết.

Thực tế, việc cải tiến hình thức trò chơi bài chòi cũng đã được Trung tâm VH-TT Hội An thực hiện nhiều năm qua như rút số lượng chòi xuống còn 4 - 5 cái để phù hợp với không gian của phố cổ, hay cải tiến những quân bài chòi lớn hơn để du khách có thể nhìn được tên, hoa văn trên từng quân bài… Đặc biệt, nhằm phục vụ du khách nước ngoài, trung tâm cũng đã bố trí thuyết minh viên biết ngoại ngữ để dẫn dắt, giải thích nội dung trò chơi và ý nghĩa những câu hát, hay đánh vần tên quân bài ra tiếng nước ngoài cho du khách.

Thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia
Cờ và thẻ bài chòi phục vụ trò chơi bài chòi. Ảnh: VĨNH LỘC

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, việc bài chòi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy tốt hơn loại hình nghệ thuật dân gian này mà hứa hẹn trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn khách khi đến Hội An, Quảng Nam. “Từ một hình thức diễn xướng dân gian và món ăn tinh thần của người dân địa phương có từ lâu đời, bài chòi đã trở thành một di sản văn hóa của nhân loại. Bảo tồn, phát triển bài chòi bên cạnh gìn giữ trong cộng đồng để thỏa mãn thẩm mỹ dân gian nhưng đồng thời cũng đưa bài chòi hội nhập vào cuộc sống hiện đại, mà Hội An là một đơn cử điển hình khi biết tận dụng cái độc đáo của bài chòi để phục vụ du khách tham quan. Đây cũng là điều đáng để những nơi khác tham khảo khi xây dựng chiến lược phát triển du lịch địa phương mình” - ông Hài nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tự hào bài chòi phố cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO