Các ông là 2 nông dân tiêu biểu của tỉnh mà Báo Quảng Nam từng có bài viết nêu gương. Thời gian qua, cả hai không ngừng phấn đấu, tìm tòi nghiên cứu và có những thành công mới, hướng đi mới trong cách làm ăn, trở thành 2 trong số 113 nông dân của cả nước được đề cử bầu chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.
Chiếc cày đẩy “5 trong 1”
Tiệm rèn nhỏ nằm bên tuyến đường 14B không ngừng phát ra tiếng gò hàn xì xoẹt. Ông Lương Minh Đồng (57 tuổi, ở thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng, Đại Lộc) cặm cụi, tỉ mỉ từng công đoạn lắp ráp dở dang chiếc máy cày đẩy đa năng do mình sáng chế. Ngoài các công dụng “4 trong 1” (cày rắc hàng, xớt cỏ bệ, vuông hàng, cào rác) như trước, ông Đồng đã tiếp tục mày mò sáng chế và chuẩn bị “trình làng” công dụng thứ 5 sản phẩm của mình, đó là thiết kế hộp bỏ giống tự động. Ông cho biết, ý tưởng về chức năng này đã được ấp ủ, nghiên cứu từ lâu và trong vụ gieo hạt sắp tới, sẽ đem ra thử nghiệm rồi nâng cấp, cải tiến sản phẩm. “Chiếc hộp bỏ giống này được thiết kế theo nguyên lý: trong lúc cày hàng thì hạt giống tự động rơi phía sau, khoảng cách giữa các hạt giống có thể điều chỉnh. Với chiếc máy này, người nông dân sẽ bỏ hẳn công đoạn “khom lưng bỏ hạt giống” như trước” - ông Đồng lý giải.
Nông dân Lương Minh Đồng với chiếc cày đa năng. |
Những năm 1980, ông Đồng nung nấu ý tưởng chế tác một loại cày không dựa vào sức kéo để sử dụng trên những chân đất màu, đất bồi quê mình. Và đến năm 1983 chiếc cày đẩy đầu tiên được đưa vào sử dụng. Thiết kế từ các bộ phận của chiếc xe đạp cũ như vòng rân xe, ghi đông, phuộc… chiếc cày đẩy tiết giảm từ 6 - 7 công lao động/sào đất. Sản phẩm của ông Đông nhanh chóng trở thành “bạn của nhà nông” để gieo trồng các loại cây họ đậu, bắp... Thời điểm này, trung bình khoảng 3 ngày ông Đồng hoàn thành 2 sản phẩm, với giá thành 300 nghìn đồng/chiếc. Khá “nổi tiếng” khi thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, sóng truyền hình, loại cày đẩy của ông xuất hiện ở nhiều vùng miền khi người dân khắp nơi tới đặt hàng. Ông tâm sự: “Cao điểm một tháng tôi có thể bán tới vài chục chiếc. Nếu người tiêu dùng ở miền Trung, miền Tây đặt mua thì gửi qua xe buýt, còn ở những vùng cao như Tây Bắc thì phải tháo cày ra đóng hộp rồi gửi theo đường bưu điện”.
Năm nay, lần đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức bình chọn và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”. Từ 113 đề cử trên cả nước, Hội đồng bình chọn sẽ xét duyệt và trao tặng danh hiệu này cho 63 nông dân tiêu biểu. Lễ vinh danh và trao tặng danh hiệu với tên gọi “Tự hào nông dân Việt Nam” sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1 vào sáng ngày 13.10. |
Được hỏi về việc đăng ký thương hiệu bảo vệ độc quyền sáng chế, ông bảo: “Mình cũng là một nông dân, người nào “học” được và có thể giúp ích cho nhà nông thì càng tốt chứ sao”. Có quá nhiều giấy khen, bằng khen từ cơ sở đến trung ương trao tặng cho nông dân Lương Minh Đồng vì sáng tạo, phát minh trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó phải kể đến giải Ba trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần IV (năm 2010 - 2011); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng kỷ niệm chương và được trao Bằng Lao động sáng chế năm 2012.
Tiên phong trồng giống cây mới
Mười năm, quãng thời gian đủ để cựu chiến binh Bùi Quang Trung (53 tuổi, ở khối 6, phường Cẩm Phô, Hội An) khiến người khác phải trầm trồ trước cơ ngơi về cây cảnh, cây ăn quả được định giá hàng chục tỷ đồng của ông. Đã 4 năm kể từ khi Báo Quảng Nam có bài phản ánh, hiện ông Trung đang nắm trong tay 7 khu vườn với tổng diện tích lên tới 15.000m2. Theo ông Trung, “sinh lý” cây trồng chẳng khác nào của con người, cần nắm chắc điều đó mà vận dụng chăm sóc.
Cựu chiến binh Bùi Quang Trung bên vườn lan mô-ca-ra. |
Hôm chúng tôi tìm về Hội An gặp người nông dân sản xuất giỏi này cũng là lúc có đoàn từ Huế vào học hỏi mô hình làm vườn của ông Trung. Bận bịu với việc chăm sóc hoa cảnh tết, song ông rất cởi mở, tự tin “khoe” bước đầu thành công từ những giống cây đem về trồng thử nghiệm. Sau 7 năm trồng và chăm sóc, cây gỗ huỳnh đàn của ông đang sinh trưởng tốt và hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao. Ngoài 400 gốc huỳnh đàn hiện có, ông đang tiếp tục ươm thêm 400 gốc nữa để nhân rộng. Cách đây 4 năm, ông cũng là người đầu tiên ở Quảng Nam mạnh dạn đem 1.500 giống phong lan mô-ca-ra từ Thái Lan về trồng. Kết quả, giống phong lan này đã đem lại nguồn lợi nhuận cao mỗi khi xuất bán trong dịp tết. Ngoài ra, ông còn tiên phong đem giống cam Vân Canh và nhiều giống hoa cảnh khác về trồng thử nghiệm tại địa phương. “Trong làm ăn, ở lĩnh vực nào cũng vậy, phải có tầm nhìn chiến lược nếu không chúng ta sẽ mãi dậm chân tại chỗ” - ông đúc kết.
Không chỉ là “bậc thầy” trong nghề làm vườn, cây cảnh ở Quảng Nam, người cựu binh này còn rất tâm huyết trong công tác thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng; giúp đỡ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Với những đóng góp của mình trong nghề ngoài những giấy khen của cấp thành phố và cấp tỉnh, cựu chiến binh này còn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Chủ tịch Hội Nông dân TP.Hội An - ông Phan Văn Liêu nhận xét: “Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền từ cấp cơ sở đến trung ương, ông Bùi Quang Trung còn là người luôn tích cực hưởng ứng trong các phong trào, công tác xã hội”.
VĂN HÀO