Tự hỏi

18/12/2012 15:18

Đêm mùa đông, hơi lành lạnh với những cơn gió thoảng qua nhè nhẹ. Tôi mở máy, lắng nghe những âm thanh quen thuộc từ những tình khúc Trịnh Công Sơn.

Những ca từ, giai điệu riêng có của người nhạc sĩ tài hoa này đã đi vào tâm khảm biết bao thế hệ, và có lẽ tính triết lý sâu xa của mỗi tình khúc ấy bất cứ ai cũng lưu giữ và tự hỏi lòng mình, rằng: “Ta là ai?”. Tôi say sưa theo ý nghĩ này khi nghe bài hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” với lời nhạc kết thúc: “Tôi là ai mà yêu quá đời này”. Hay như bài hát “Gọi tên bốn mùa” cũng có câu hát cuối đầy ám ảnh: “…Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Đêm. Đã biết bao lần tôi “tự vấn” với chính mình, rằng tại sao mình thích ngẫm nghĩ những điều như thế? Chao ôi, ba mẹ sinh ra, lớn lên, học hành, có việc làm rồi lập gia đình, có con... Nghĩa là những “nghĩa vụ” gia đình, công dân cứ từng ngày qua đang được “trải nghiệm” như thế. Đã có lần tôi “tranh luận” với nhỏ bạn cùng lớp học đại học, nó chỉ khác tôi là sinh ra ở ngay lòng phố, còn tôi thì từ lũy tre làng bước ra. Tuổi thơ của chúng bạn có những ngôi nhà cao tầng, đường phố tấp nập người xe và sớm biết thế giới văn minh, hiện đại. Còn tôi, một con bé nhà quê đen nhẻm, sinh ra ở vùng quê quanh năm chật vật với biết bao nỗi lo toan hằng ngày của ba mẹ nuôi đàn con ăn học... Tôi và nó đều cho đó là “tuổi thơ dữ dội”, mà mỗi đứa đều có phần “dữ dội” rất riêng. Chúng tôi tranh luận về phần “dữ dội” đó và cùng nghiệm ra rằng, không gian sống có một phần trong sâu thẳm tâm hồn, không dễ gì quên được. Hay nói khác đi, bước chân háo hức ra đi của mỗi người mãi mãi sau này nhường chỗ cho sự đau đáu ngóng trông được trở về, dù bạn ở thành phố hay làng quê yêu dấu hun hút xa. 

Như tôi bây giờ, làm sao quên được những ngôi nhà mái tranh vách đất trần trụi nắng mưa, con đường sụt sùi bùn đất, cánh đồng xanh mướt trước nhà hay dòng sông mùa lũ chòng chành những nếp nhà... Rồi ngôi chợ làng lao xao tiếng nói cười của các mẹ, các bà, những cơn mưa dông chiều hè hay giàn hoa mướp nhà ai khoe sắc hoa vàng thắm. Tất cả của ngày xưa xa lắc, chợt hiện về trong thẳm sâu ký ức khi câu hỏi “tôi là ai” bất chợt vang lên giữa cuộc đời này...

Con bé lớn của tôi đã lên lớp hai. Trẻ con luôn hỏi, và bắt người lớn trả lời cho bằng được những điều nó thắc mắc. Hôm sinh nhật bé tròn bảy tuổi, giữa những ánh nến hồng ấm áp, nó chợt hỏi: “Mẹ sinh con vào buổi tối thì có trăng không mẹ?”. Lời nói ngây ngô của con trẻ làm tôi giật mình, vì lâu nay tôi vẫn “thêu dệt” cho con những giấc mơ đượm màu cổ tích, để con tưởng tượng phong phú về mình và về thế giới xung quanh. Thế là tôi say sưa kể con nghe rằng mẹ sinh con vào một đêm trăng, trăng mênh mang soi sáng cả vườn cây. Trăng ùa vào cửa sổ xem gương mặt con tròn trĩnh nhoẻn miệng cười. Rồi trăng đã hát ru con ngủ giấc thần tiên đầu đời… Cứ thế, tôi tự “vẽ” ra cho con khu vườn cổ tích mộng mơ, và con bé thầm thì “Mẹ ơi, ước gì…”. Tôi hiểu, ước mơ ấy của con là được trở về ngày con mới sinh ra, để cảm thấy vui vui và ngồ ngộ với chính mình. Và đằng sau ước mơ dung dị ấy ẩn chứa một triết lý mai này lớn lên, như mẹ bây giờ con mới có thể hiểu một phần nào: “Tôi là ai”?

Bây giờ, những lúc bày con học, tôi say sưa ngắm những nét chữ, con số nguệch ngoạc của bé trên trang vở học trò trắng tinh rồi liên tưởng đến những bước chân ngập ngừng đầu tiên của mỗi một con người trên hành trình cuộc đời. Càng lớn là càng bước vào thế giới đa dạng, muôn chiều của cuộc sống mênh mông. Dù ai cũng thế, những nét chữ, con số nguệch ngoạc ấy sẽ dần dần sắc nét và cứng cáp hơn để lớn lên, học hỏi biết bao điều từ cuộc sống kỳ diệu này. Đã có lúc trong cuộc sống thường nhật, tôi đã tự “so sánh” thế giới tuổi thơ của mình ngày xưa và của con bây giờ với nhiều khác biệt. Tuổi thơ của tôi là bát ngát cánh đồng, là biết bao thiếu thốn và lo toan vất vả, còn tuổi thơ của con chỉ phần lớn là không gian phố xá náo nhiệt với những tiện nghi của cuộc sống hiện đại. Chỉ có tình yêu thương của ông bà, cha mẹ là điểm “nối tiếp” qua từng thế hệ …

Có lẽ tôi đã nhiều lần suy nghĩ và băn khoăn rằng, nếu tôi không phải là con bé nhà quê của “ngày xưa ơi” trải qua những năm tháng tuổi thơ trong vắt như thế, vậy tôi sẽ có kỷ niệm gì đáng nhớ không? Tôi nghĩ đơn giản rằng quả là khó, bởi: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (thơ Chế Lan Viên). Chỉ chắc chắn, tất cả những điều ấy là nguồn cội tình cảm của tâm hồn tôi. Dù cho những năm tháng hao gầy đã đi qua, nhưng trong sâu thẳm ký ức vẫn vẹn nguyên phần “dữ dội” nơi đồng đất quê nhà với cội nguồn yêu thương và thiêng liêng nhất. Để mỗi khi tự hỏi lòng mình, tôi mượn lời một triết nhân đã từng chiêm nghiệm: “Cuộc đời là một sân khấu lớn, mà ở đó con người đóng nhiều vai khác nhau”… 

Và vẫn luôn thao thức tự hỏi, tôi là ai?

NGUYÊN THẢO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tự hỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO