Trước những tư liệu vừa mới phát hiện có liên quan đến văn bia ở mộ hai danh nhân vùng Tam Kỳ, các gia tộc cần liên hệ cung cấp thêm thông tin để làm sáng tỏ những khác biệt đang có.
Mộ Thủy tổ tộc Lê
Tư liệu tộc Lê ở phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ cho biết: Ông thủy tổ của tộc ấy là Lê Tấn Trung, quê gốc xã Lỗ Hiền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Nghệ An, đã theo vua Lê Thánh Tông nam chinh năm 1471, được phong là “Bình Chiêm Triệu Quốc công” rồi sau đó ở lại vùng nam Quảng Nam quy dân lập làng Trường Xuân và về sau được ghi nhận là Tiền hiền làng. Ông Nguyễn Q. Thắng - tác giả sách Quảng Nam: Đất nước và Nhân vật (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2001) cũng nêu những thông tin như trên về ông Lê Tấn Trung (tr. 141) và còn nói thêm đại ý như sau: nhân vật lịch sử này “có sách chép là Lê Quyết Trung” từng được Đại Việt sử ký toàn thư ghi danh (sđd tr. 143).
Tất cả chi tiết về ông Lê Tấn Trung nêu trên được thể hiện trên tấm bia trùng tu năm Ất Hợi - 1995 hiện được đặt bên trong khu lăng mộ bề thế tại sườn đông bắc một gò đất ở trung tâm phường Trường Xuân, Tam Kỳ. Bia mộ có hai mặt, mặt sau khắc chìm văn bản chữ Nho có nguyên văn: “Ất Hợi niên, thập nguyệt, thập ngũ nhật. Phụng vi: Thượng đợi Thủy tổ Tiền hiền Triệu Quốc công Lê Tấn Trung chi linh mộ. Nguyên quán: Nghệ An thừa tuyên, Thiệu Thiên phủ, Lôi Dương, Lỗ Hiền xã. Hồng Đức trực đáo Quảng Nam xứ, Thăng Hoa phủ, khai nghiệp Trường Xuân. Tử tôn nội ngoại Lê tộc đồng phụng lập”. Mặt trước ghi bản dịch: “Thượng Đợi Thủy tổ Tiền hiền: Triệu Quốc công Lê Tấn Trung chi linh mộ. Nguyên quán xã Lỗ Hiền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Nghệ An vào thẳng xứ Quảng Nam năm Hồng Đức thứ hai (1471) khai nghiệp lập làng Trường Xuân 1495. Con cháu nội ngoại toàn tộc đồng phụng lập. Trùng tu ngày 15.10 Ất Hợi (6.12.1995)”.
Trước bình phong khu lăng mộ nói trên dựng một tấm bia xi măng cũ có khắc mấy dòng chữ Nho ghi những thông tin như sau: “Tuế thứ Bính Thân, quý Đông, cát Nhật. Thủy tổ Kinh Triệu (nguyên) Nghệ, Thiệu (tại) Dương, Lỗ. Húy (để trống - NV), Hiệu (để trống - NV), Tự (để trống - NV) trực đáo Nam, Hà, Đàn, Xuân chi thần vị. Lê tộc bổn tộc đồng lập thạch” (dịch: Đây là mộ linh của Ngài Thủy tổ họ Lê có quê gốc xã Lỗ Hiền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Nghệ An. Ngài đi thẳng vào làng Trường Xuân, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam lập nghiệp. Tên húy (?), tên hiệu (?), tên tự (?). Con cháu trong tộc Lê cùng dựng bia).
Căn cứ vào vị trí được đặt, có thể suy đoán, theo tập quán giữ lại bia cũ (sau khi lập bia mới) của dân địa phương, tấm bia xi măng này đã được chuyển ra trước mộ sau khi tộc Lê - Trường Xuân trùng tu, dựng bia mới (1995) cho mộ vị Thủy tổ của tộc mình. Tấm bia xi măng ghi “Tuế thứ Bính Thân” này chắc chắn được tạo lập vào năm Bính Thân 1956 chứ không thể là năm Bính Thân 1896; vì cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ở vùng Tam Kỳ chưa có xi măng và dân địa phương chỉ dùng đá sa thạch để làm bia.
So nội dung hai tấm bia ở trước và trong khuôn viên mộ thấy có chỗ khác nhau: Bia lập năm 1956 không thể hiện thông tin gì về danh tính, chức tước, danh vị tiền hiền của người nằm trong mộ so với Bia trùng tu lập năm 1995. Từ đó, có thể suy đoán: 1. Hai bia mộ thuộc về hai ông thủy tổ họ Lê có cùng quê nhưng danh tính khác nhau: một ông không rõ (bia 1956); ông kia là Lê Tấn Trung với các chi tiết rõ ràng như đã nêu trên. 2. (hoặc là) nếu hai bia trên cùng nói về một nhân vật thì có thể rút ra kết luận: Đến năm 1956, con cháu tộc Lê - Trường Xuân chưa ghi thông tin về tên húy, hiệu, tên tự và danh vị tiền hiền của ông Thủy tổ tộc Lê - Trường Xuân của mình và chỉ đến năm 1995 mới ghi được cụ thể những thông tin mà tấm bia năm 1956 chưa ghi.
Mộ chí sĩ Lương Đình Thực
Các tư liệu vừa được các nhà nghiên cứu lịch sử tìm thấy ở văn khố Aix-en-Provence, Pháp đã cho thấy nhiều mặt về cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục tôn phù vua Duy Tân nổ ra tại Tam Kỳ vào đầu tháng 5.1916; mà trong đó, nổi bật là vai trò của chí sĩ Lương Đình Thực quê ở làng Phú Quý Thượng, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau khi cuộc khởi nghĩa ấy bị thất bại, chí sĩ Lương Đình Thực bị Pháp bắt giam rồi qua đời không lâu sau đó. “Mộ vọng” cụ Thực đang yên vị tại Khu lăng mộ các sĩ phu yêu nước TP.Tam Kỳ ở thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú cùng với mộ bốn vị hy sinh trong và sau cuộc khởi nghĩa Quang Phục năm 1916 ấy. Văn bia “mộ vọng” cụ Lương Đình Thực có ghi dòng “Cụ hy sinh tại nhà tù Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị”. Chi tiết này phù hợp với các thông tin trong cuốn “Nhà đày Lao Bảo 1896-1945” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị biên soạn và do NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội ấn hành năm 2002.
Nhưng vào tháng 7.1919 vừa qua, tác giả Đỗ Hùng Luân đã cho ra mắt cuốn sách “Nhà yêu nước Lương Đình Thực - trong cuộc khởi nghĩa 1916 do Trần Cao Vân và Thái Phiên lãnh đạo” được NXB Đà Nẵng xuất bản cuối tháng 6.2019. Trong tập sách này, tác giả cho biết là cụ Thực không bị Pháp bắt giam tại nhà tù Lao Bảo và không qua đời tại đây (NV nhấn mạnh). Tác giả viết như sau: “Cụ Lương Đình Thực bị chúng bắt và kêu án khổ sai chung thân. Một thời gian giam giữ rồi bị đày biệt xứ vào nhà lao trong thành Bình Định và chờ ngày ra Côn Đảo” (sđd tr. 62) và “Ngày 2 tháng 11 Đinh Tỵ (15.12.1917) từ thành Bình Định, chúng đưa cụ Lương Đình Thực xuống tàu ở Cửa Giã để đày đi Côn Đảo. Nhưng cụ đột ngột phát bệnh thổ tả, không có thuốc chữa trị kịp thời, nên đã trút hơi thở cuối cùng nơi đây… Biết tin cụ qua đời, gia đình nhờ người ruột thịt vào tìm, rồi táng một hòn đá làm dấu mốc phần mộ” (sđd tr. 64).
Tác giả Đỗ Hùng Luân cho biết những chi tiết đó hoàn toàn xác thực vì dựa vào hai căn cứ: 1. Gia phả tộc Lương làng Phú Quý Thượng ghi “mộ cụ Lương Đình Thực táng tại Bình Định”. 2. Qua lời kể của mẹ tác giả (là con gái của cụ Thực). Trong cuốn sách ấy, tác giả Đỗ Hùng Luân đã in Phụ lục 3 là ảnh chụp trang Gia phả họ Lương với lời chú “Có đề cập đến Lương Đình Thực”. Do in rất rõ nên người viết đọc được ở dòng thứ 7, từ phải sang trong ảnh chụp có dòng chữ Nho “Lương Văn Hàm (tự) Ngôn, sinh niên Giáp Tuất tuế. Tử ư Đinh Tỵ niên (1917 - NV), Thập nhất nguyệt, Sơ nhị nhật. Mộ tại Bình Định tỉnh”. Ở trang 13, tác giả khẳng định ông Lương Văn Hàm nói trên chính là chí sĩ Lương Đình Thực.
Cũng trong Lời giới thiệu sách đã dẫn trên (tr. 9 và 10), nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng ở Đà Nẵng viết: “Tìm được Cửa Giã (nơi cụ Thực qua đời - NV) chưa phải là tìm được mộ Lương Đình Thực. Mộ nay ở đâu vẫn còn là một câu hỏi không lời đáp, hay nói đúng hơn mộ Lương Đình Thực chủ yếu đang nằm trong tấm lòng hiếu nghĩa của các hậu duệ ông”.
Để thuận tiện cho việc vinh danh, thiết nghĩ các gia tộc liên hệ ở Tam Kỳ cần công bố thêm thông tin có liên quan đến bia mộ hai danh nhân nói trên để tránh những băn khoăn không đáng có.