Từng là sính lễ của vua Chămpa để hỏi cưới công chúa Huyền Trân, những thăng trầm lịch sử cứ lặng lẽ đắp bồi thêm những trang huyền sử cho vùng đất Đại Lộc. Một trăm hai mươi năm kể từ khi được định danh, những mạch nguồn cứ thế được tiếp nối bằng ý chí kiên cường, lòng quả cảm để luôn vững vàng trước bao thử thách, nắm lấy vận hội của chính mình.
Trầm tích vùng đất
Theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi và “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, vùng đất Đại Lộc nói riêng và xứ Quảng nói chung là đất Việt thường thị. Đến cuối thế kỷ thứ II, khi vương quốc Chămpa hình thành, vùng đất này thuộc về lãnh thổ Chămpa. Mùa xuân năm 1306, vua Chế Mân vương quốc Chămpa dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa nhà Trần, vùng đất Bắc Quảng Nam trong đó có Đại Lộc lại trở về chủ quyền của Đại Việt. Dưới triều Lê Thánh Tông (1460 - 1497), công cuộc di dân vào Thuận Hóa, Quảng Nam được đẩy mạnh. Cũng từ đây trở về sau, có khá nhiều đợt di cư khác của người Việt vào Quảng Nam. Ở thế kỷ XVI, Đại Lộc thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Sách “Ô Châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An viết, vào năm 1553, ở Bắc Quảng Nam có 66 xã, trong đó có một số làng thuộc địa bàn Đại Lộc như Quảng Hóa (Quảng Huế), Ái Đái (Ái Nghĩa), Phiếm Ái, Bàng Trạch, Gia Cốc…
Năm 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập dinh trấn Quảng Nam. Hành trình gần 300 năm đất Đại Lộc trở thành vùng biên viễn, phên dậu của Tổ quốc. Những dấu chân đầu tiên trong cuộc di dân của tiền nhân đã khai đất, lập làng, hình thành nên làng mạc trù phú, ruộng đồng tốt tươi. Những huyền tích còn lưu lại ở nhiều địa danh như Bãi Quả, Hóc Tướng, Hóc Chè, Gò Tôn Dương. Đại Lộc còn là được nhắc đến nhiều trong sự tích trái bòn bon, trở thành loại Nam Trân sản vật được khắc trên Nhân đỉnh tại Đại nội kinh thành Huế.
Năm Thành Thái thứ 11 (1899), Nam Triều cắt 2 tổng Đại An, Hoài Mỹ của huyện Diên Phước và 3 tổng Đức Hòa, An Phước, Phú Khê của huyện Hòa Vang để thành lập huyện Đại Lộc. Lúc thành lập huyện Đại Lộc có 5 tổng, 109 xã, thôn, phường, châu; huyện lỵ đặt tại Đông Lâm (nay thuộc xã Đại Quang). Nói về sự hình thành của địa danh Đại Lộc, tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá - nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế cho biết, từng là đất của Châu Ô thời Chămpa, đến Châu Hóa ở thời Trần, huyện Điện Bàn thuộc đời Lê, đất của huyện An Nông và huyện Phú Châu dưới thời của các chúa Nguyễn, rồi thuộc về huyện Diên Phước, huyện Hòa Vang, huyện Duy Xuyên và huyện Quế Sơn ở thời kỳ các vua đầu triều Nguyễn (lúc bấy giờ do các huyện An Nông và Phú Châu đều đã bị giải thể). “Cuối cùng, vùng đất này đã được tách ra để lập thành một huyện mới mang tên là “huyện Đại Lộc” vào năm 1899, theo chủ trương của chính quyền Nguyễn triều dưới thời trị vì của vua Thành Thái vào năm thứ 11. Tên gọi của huyện Đại Lộc lúc bấy giờ có nghĩa là “phúc lớn”, là “sự tốt lành lớn”, hay là “bổng lộc lớn”. Nó thể hiện niềm mơ ước tốt đẹp về một miền quê thanh bình và sung túc trên đồng bằng Vu Gia - Ái Nghĩa, mang đậm chất phù sa bên cạnh con sông Mẹ Thu Bồn” - tiến sĩ Huỳnh Công Bá nói.
Dày thêm trang huyền sử
Trở thành “miền đất hai sông” với dòng Vu Gia và Thu Bồn chảy qua, hợp lưu tại Giao Thủy, phù sa của hàng ngàn năm đã đắp bồi thêm nhiều trang huyền sử trong dòng chảy văn hóa, lịch sử của đất này.
Miền đất từng là phên dậu Tổ quốc ấy tiếp tục ghi dấu bằng tên tuổi nhiều vị anh linh. Còn đó dấu tích của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam những năm 1885 - 1887 do Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo. Các vị Trần Đỉnh, Trần Huy, Đỗ Đăng Tuyển…, đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Đây cũng là nơi đầu tiên nổ ra Phong trào chống sưu, thuế, uy thế của cuộc dân biến này từng làm rung chuyển cả Trung Kỳ. Kháng chiến chống Pháp, đất và người Đại Lộc lại kiên gan đứng lên đấu tranh, rực rỡ những chiến công ở Ba Khe, Núi Lở, Cầu Chìm. Trong chống Mỹ, người Đại Lộc đã dùng máu của mình viết nên những trang sử chói lọi với Hà Vy, Bàu Mưng, Phú An - Phú Xuân, cầu Ông Nở. Rạng rỡ nhất là chiến thắng Thượng Đức năm 1974 đã mở ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thu non sông về một mối.
Khi tiếng súng đã yên, một lần nữa, người Đại Lộc dốc hết nhiệt huyết cách mạng và khí thế phấn khởi để bước vào công cuộc tái thiết. Đi qua những bước dài, có gian khổ, có cả mất mát đau thương, lắng lại là những đắp bồi chắt chiu để Đại Lộc giữ cho mình một truyền thống văn hóa lâu đời, đậm dấu ấn. Từ những di vật khảo cổ Sa Huỳnh, Chămpa đến sắc màu dân gian qua lời tuồng cổ, các điệu dân ca hò khoan, bả trạo, ru con, sắc bùa, bài chòi... đến bây giờ vẫn còn âm vang một dòng văn nghệ dân gian phong phú, đa dạng, giàu tính nghệ thuật. Vùng đất giàu truyền thống văn hóa này còn sản sinh những thi nhân, nghệ sĩ, học giả nổi tiếng cả nước như Tú Quỳ, Bà Bang Nhãn, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng, Nam Trân, Trinh Đường…
Nhắc nhớ lại huyền sử của vùng đất, ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc bày tỏ: “Truyền thống và lợi thế của vùng đất đã tạo động lực rất lớn cho những bước đi bền bỉ, vững chắc của Đai Lộc. Phát huy truyền thống qua 120 năm thành lập huyện, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương Đại Lộc phát triển toàn diện, bền vững trong chặng đường tiếp theo”.