Buổi sáng tháng tám êm và màu xanh hàng cây long não trước hiên nhà. Những bức tranh, bức ảnh kỷ niệm của người nhạc sĩ với bạn bè, Những ly cà phê ít nói bên Lê Văn Lân, Nguyễn Khắc Thạch, Nhụy Nguyên, Phan Lệ Dung. Những dòng chữ lưu niệm của khách, xa và gần, khi đến viếng căn gác.
Một trong những người có ý tưởng lập ra Gác Trịnh và mỗi buổi sáng vẫn “thường trực” nơi đây là nhà thơ Phạm Tấn Hầu. Anh kể về những người khách đã đến viếng. Anh ta rời Việt Nam khi đang học cấp II, lớn lên lại đi theo con đường khoa học tự nhiên đến cái nấc tiến sĩ (tất nhiên là không giả) nên rất ít biết về sinh hoạt văn nghệ trong nước. Nhưng thích đọc thơ của Pablo Neruda, Joseph Brodsky, Octavioz Paz (nghĩa là trình độ thẩm thơ rất khá). Vẽ tranh nữa. Tài tử thôi, nhưng lại được tờ Newsweek giới thiệu, tất nhiên phải do có nét rất riêng (cũng tất nhiên, tờ báo này không dại dột gì mà chấp nhận đưa tin về những người háo danh bỏ thật nhiều tiền ra để “chạy”, như ở… đâu đó!). Và đôi lúc ôm đàn ngồi hát nhạc Trịnh, nhớ quê hương… Nghệ thuật chẳng phải là cái cầu nối, là cuống rốn chưa lìa cho những con dân Việt tha phương đó sao.
Một người khác, là nông dân trong tỉnh, thỉnh thoảng vẫn đến căn gác này. Ngồi uống ly cà phê, lặng lẽ nghe những bài hát của người chủ nhân đã quá cố. Ra về, lòng nhẹ nhàng hơn để tiếp tục cúi xuống trên đồng ruộng quen thuộc mà không ít mồ hôi và cay đắng… Với anh, âm nhạc là cái cầu mơ hồ nhưng có thực dẫn đến niềm hy vọng sống; đôi khi, còn có thể dẫn đến những cõi vô hình rất xa… Nhưng trước hết, nghệ thuật phải là cái cầu nối, là cuống rốn chưa lìa cho những con dân Việt ngay trên quê hương đó sao.
Quê hương ở đâu, là cái chốn nào? Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa. Liên tưởng đến câu thơ, thì làm sao không nhớ về tác giả, ra đi cũng đã 15 năm rồi. Mà vẫn còn đó: những bài thơ Bùi Giáng để lại là những dấu ghi không mờ trên đất - của - người, trong cuộc đi dằng dặc mịt mờ của nhân loại, xa mà gần. “Xa mà gần”, không phải là cách nói của thơ, mà là một khái niệm trong khoa học tự nhiên. Thì ra, sự phân biệt giữa ngành này nghề nọ, giữa đúng sai tốt xấu cũng chỉ là tương đối thôi…
Mười tám giờ trước, ngồi trong căn gác Trịnh, ở Huế. Lúc này ngồi trong căn phòng vắng, ba giờ sáng, tiếng mưa bên ngoài, có lẽ do ảnh hưởng của cơn bão sắp lan về vịnh Bắc Bộ. Phải chi có một nơi như căn gác ấy, bên ngoài, sẽ chạy đến thắp nén nhang cho thi - sĩ - đười – ươi, một con người lớn của địa phương này, nơi vẫn tự hào là một trong những vùng đất – học!
Nghệ thuật, nếu không được nuôi dưỡng, sẽ dễ trở thành cái cuống rốn… chia lìa, phải không?
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT