Từ Mỹ, nghĩ về khoa học - công nghệ

PHẠM NGỌC PHÚC 27/01/2014 12:29

(Xuân Giáp Ngọ) - Đại bộ phận nhân dân ta vẫn dựa vào kinh tế nông nghiệp, thì nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp cần phải làm gì để nông nghiệp, nông dân, nông thôn có những bước tiến mới một cách căn cơ, bền vững?

Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) đã xác định: “Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất” và xác định “từng bước phát triển kinh tế tri thức”, đến Đại hội lần thứ X (2006), Đảng lại có sự phát triển mới về nhận thức lý luận và thực tiễn thể hiện ở định hướng “phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng lại nhấn mạnh “phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Rõ ràng, chúng ta rất có quyết tâm đưa đất nước lên tầm cao mới nhằm “sánh vai với các cường quốc năm châu”, nhưng sau khi trò chuyện với các trí thức trẻ Việt Nam đang theo học nghiên cứu sinh ở các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ, thì tôi có phần lo lắng.

Thu hoạch lúa mì ở Mỹ.
Thu hoạch lúa mì ở Mỹ.

Thiên nan vạn nan

Hai bên đường từ Pittsburgh đến Pennsylvania, tôi thấy những cánh đồng bắp và đậu nành bạt ngàn. Nhà cửa của nông dân đều thụt vào trên trong, không ai “tiến công” ra mặt tiền. Gần bảy tiếng đồng hồ trên đường cao tốc, chúng tôi mới đến Pennsylvania. Tối đó, các bạn của con trai tôi tập trung về nhà một người bạn. Sau bữa cơm, kể chuyện ở quê nhà, tôi có nói đến những cánh đồng bắp, đậu nành bạt ngàn mà tôi đã đi qua, mong rằng các cháu cố gắng tích lũy kiến thức để mấy năm nữa “đủ lông đủ cánh” về phục vụ quê hương, cụ thể là cải thiện đời sống người nông dân, chứ bao đời qua người nông dân của ta còn khổ quá. Suốt ngày “trông trời, trông đất, trông mây”, nhưng cái nghèo cứ bám chặt thắt lưng. Gánh cực đem đổ lên non/ Còng lưng mà chạy cực còn đuổi theo. Câu ca ấy, tôi tưởng chừng chỉ dành cho người dân xứ Quảng của mình, ai ngờ khi lớn lên, đi qua nhiều vùng miền đất nước, tôi thấy đời sống người nông dân Việt Nam ở đâu cũng thế.

Cháu Trương Thị Thanh, nghiên cứu sinh tại Đại học Texas, nói cháu sẵn sàng đưa tôi đi thăm vài gia đình nông dân ở Texas, chứng kiến họ thay trời làm mưa với thiết bị đơn giản như cái máy hút bụi loại lớn. Qua thông tin trên mạng, nhiều cháu cũng biết song chưa chứng kiến tận mắt, rồi bàn luận nào là bóng mây như các nhà máy, nào là hạt iodure bạc… tôi chẳng hiểu ất giáp, mô tê chi. Vừa rồi, đọc bài Faiseur de pluie, c’est tout un art, trên tờ Courrier international, số 1.200, ngày 31.10 - 6.11.2013, tôi thấy họ nói về lịch sử sản xuất ra tuyết, làm mưa nhân tạo từ hậu bán thế kỷ XX, và hiện các công ty tư nhân tại Mỹ được chính phủ cho phép “cấy mưa” nhằm chống tình trạng hạn hán. Ông Jeff Tilley, Giám đốc Thay đổi khí tượng của Viện Nghiên cứu sa mạc, nói: “Kỹ thuật này có lẽ sẽ trở thành một công cụ ngày càng quan trọng của các nhà quản lý nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Khi các vùng bị hạn hán lan rộng và dân số tăng nhanh, đây là một giải pháp mới rất kinh tế”.
Kinh nghiệm của ông cha ta trong sản xuất nông nghiệp là “nước, phân, cần, giống”. Nước đứng đầu, chủ động được nước tưới luôn là ước mơ của người nông dân. Các bạn trẻ nghiên cứu sinh đều có ý nghĩ là học để biết, để có tấm bằng tiến sĩ cho cha mẹ, bà con vui lòng chứ rất khó giúp được gì cho đất nước, cho kinh tế phát triển, nhất là kinh tế nông nghiệp là… thiên nan vạn nan.

Một số trí thức trẻ Việt Nam bên tượng đồng Benjamin Franklin (1706-1790) trong khuôn viên Đại học Pennsylvania.
Một số trí thức trẻ Việt Nam bên tượng đồng Benjamin Franklin (1706-1790) trong khuôn viên Đại học Pennsylvania.

Người làm thuê cho chính mình

Hỏi kỹ hơn, cháu Trần Đình Toàn (Đại học New York), nói: “Bọn cháu xác định học để được đi làm thuê. Nhưng nếu có tí quyền nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, cháu đặt hàng Việt Nam xuất khẩu 500 tấn khoai tây. Với con số này, cả tỉnh ở ta làm toát mồ hôi cũng chưa chắc đủ, mà chất lượng đảm bảo là… không đồng đều. Và nói như bác là bà con nông dân mình còn phải “trông trời, trông đất, trông mây” nên dễ vi phạm hợp đồng kinh tế. Trong lúc đó, chỉ cần một hộ nông dân ở Mỹ, nhờ máy móc, sẽ làm đâu ra đó. Nếu là bác, bác có dám dành hợp đồng ấy cho nông dân mình không?”. Con trai tôi cho biết mới rồi, Viện Công nghệ Massachusetts đã đưa ra thị trường robot hái cà chua. Sử dụng robot này, không chỉ tốc độ hái cà chua nhanh hơn gấp chục lần những người hái cà chua thuê chuyên nghiệp, mà còn không bị dập, thậm chí nó còn phân loại giúp nhà nông loại cà chua nào sẽ chín trong vài ngày tới, trong tuần tới… để đóng gói”.

Làm ruộng như thế, thì bà con ta chịu thua thôi. Xưa nay, dân ta vẫn làm ăn lẻ tẻ, vẫn là người làm thuê cho chính mình, chứ hạch toán đâu ra đó thì chỉ lỗ với lỗ. Năm 1982, Đại Lộc quê tôi làm lúa ba vụ, đạt sản lượng chưa từng có: 25 tấn/ha, nhưng tính lại không lời mà còn nhọc sức, nên quay về hai vụ cho đến nay.

Nói tới chuyện “nước, phân, cần, giống”, bà con nông dân mình chỉ được mỗi cái “cần”. Cả chục năm qua, chúng ta cố gắng kết hợp 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông… Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu vào đâu. Ngày ngày, đọc thông tin trên báo, chỉ thấy các đại gia khoe xe, khoe biệt thự, khoe gái đẹp chứ chưa thấy đại gia nào tập trung nguồn lực cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn một cách bài bản với cả tấm lòng.

Đại gia và… chuyện phân, giống

Qua các nghiên cứu sinh Việt Nam ở Mỹ,  thì người Mỹ thích nghiên cứu những chuyện “trên trời” không biết đến lúc nào thành công, nhưng cũng lắm đại gia thích đầu tư nghiên cứu những việc rất cụ thể, như Bill Gates - ông chủ của Microsoff, quyết định bỏ ra 3 triệu USD để nghiên cứu ra loại cầu tiêu biến phân, nước tiểu thành… “vàng”. Theo tính toán, trên thế giới hiện có cả tỷ người không có chỗ để bài tiết, nên không chỉ bỏ phí lượng “vàng” không nhỏ, mà còn gây ô nhiễm môi trường, sinh ra nhiều loại bệnh nguy hiểm cho con người, như dịch tả, kiết lỵ… Bill Gates đã vài lần trao giải thưởng cho các mẫu cầu tiêu tốt nhất trong năm, song vẫn chưa đồng ý, đề nghị nghiên cứu tiếp. Theo quan điểm của Bill Gates, mẫu cầu tiêu tốt, không chỉ thỏa mãn các yêu cầu về giá thành, dễ làm, ít tốn nước, ít tốn điện mà còn là một cuộc cách mạng trong vấn đề sức khỏe của nhân loại, nhất là ở những nước đang phát triển.

Hiện nay, các nhà khoa học Mỹ đang lên tiếng báo động việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gây nguy hiểm cho con người. Với đà phát triển của khoa học - công nghệ, họ tin tưởng các loại thịt có thể sản xuất trong phòng thí nghiệm và người tiêu dùng chấp nhận thì khí thải nhà kính có thể giảm 80%, mức sử dụng nước cũng giảm 90%; về cây trồng cũng có thể tạo ra những giống cây lương thực giúp con người ăn ít hơn nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, thậm chí còn tốt hơn. Bill Gates tài trợ cho HarvestPlus - một chương trình quốc tế hỗ trợ nghiên cứu biến đổi thực phẩm - nhằm mục đích tạo ra siêu thực phẩm cho tương lai. Nhiều loại rau củ, đang triển khai hoặc đánh giá lại quá trình nghiên cứu, nhưng những thành công bước đầu cho thấy bông cải “Beneforte” chứa gấp 3 lần chất glucoraphanin hơn mức bình thường. Chất glucoraphanin giúp giảm viêm và ngăn chặn tiến trình phân bào kết hợp với một số bệnh ung thư ở giai đoạn đầu. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu xử lý nhiều loại cây trồng khác, như khoai mì, bắp  giàu vitamin A, cây đậu, cỏ ngũ cốc (pearl millet) giàu chất sắt, lúa mì và gạo giàu chất kẽm. Ở Philippines đã sản xuất được loại “gạo vàng”. Theo đánh giá bước đầu của các nhà khoa học, “gạo vàng” của Philippines giúp giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng tại các quốc gia đang phát triển do nó cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng hơn gạo thông thường.

Từ những thực tế này, tôi thấy việc phát triển kinh tế trí thức ở ta không đơn giản. Cuộc sống của đại bộ phận nhân dân ta vẫn dựa vào kinh tế nông nghiệp, thì nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp cần phải làm gì để nông nghiệp, nông dân, nông thôn có những bước tiến mới một cách căn cơ, bền vững? Nếu cứ để như thực trạng hiện nay thì khó mà trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, như Nghị quyết Đảng đề ra.

PHẠM NGỌC PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ Mỹ, nghĩ về khoa học - công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO