Sắp đến kỳ dịp các nhà báo kỷ niệm ngày truyền thống của ngành mình, lại nói về câu chuyện của người đưa tin.
Không ai phủ nhận là báo chí ngày nay đã vượt xa rất nhiều về… số lượng. Theo ngành chức năng quản lý nhà nước về báo chí, cả nước hiện có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh - truyền hình với khoảng 200 kênh truyền hình, báo điện tử; bên cạnh đó còn có rất nhiều trang thông tin trên mạng. Ở một “tỉnh lẻ” như Quảng Nam cũng có tới 6 cơ quan báo chí, cùng 5 cơ quan đại diện và văn phòng thường trú báo trung ương đóng trên địa bàn.
Cơ quan báo chí nở rộ, kéo theo đội ngũ nhà báo đông đảo. Có khoảng 18 ngàn người làm báo được gọi là “nhà” vì được cấp thẻ hẳn hoi. Theo người viết, con số người làm báo chắc phải đông gấp bội vì còn nhiều cơ quan chỉ cấp giấy giới thiệu cho những phóng viên tập sự, hợp đồng ngắn hạn. Chưa kể còn có người chưa được “nhà” thì ở “lều” báo (ví như các phóng viên đài huyện), hoặc ở “cổng” thông tin truyền thông của các cơ quan. Từ nhà ra cổng như thế, nhiều khi nhà báo đi đụng đầu mà có người nói vui là…một thước vuông có tới bốn nhà báo (báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử).
Đông, nghĩ cũng không sao. Vì thế là xôm tụ. Và, tai mắt thông tin ngày một mở rộng. Bây giờ, gần như ở đâu, lúc nào cũng dễ tìm ra nhà báo (nhất là các sự kiện... khởi công, khánh thành dự án thì thường thấy (?!)). Những vụ việc nóng, nhỏ hay to, cũng dễ thu hút nhiều nhà báo có mặt đưa tin kịp thời.
Đông mà có tinh ý, tinh tế hay không mới là vấn đề.
Cũng vì nhiều tờ báo, nhiều nhà báo quá nên phải cạnh tranh đưa tin. Nhiều tờ báo thưởng to cho người đưa tin độc quyền, tin sớm nhất và phạt rất nặng nếu bỏ sót thông tin, chậm thông tin. Do vậy, áp lực lên người đưa tin ngày một căng. Để khỏi bị tòa soạn phạt vì bỏ sót thông tin, các nhà báo trên một địa bàn tìm cách đối phó bằng cách chia sẻ nguồn tin. Hậu quả là, tờ này nói gì tờ kia cũng có, bạn đọc có khi chỉ mua một vài tờ là đủ. Nhàm chán!
Từ chuyện chia sẻ nguồn tin, mới xảy ra nhiều tình huống dở khóc, dở cười. Ấy là khi vớ phải nguồn tin bịa. Đã từng có nhiều nhà báo đổ xô đi tìm những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, chuyện lạ và nhận... quả đắng. Dấu chân thú lạ ở Câu Lâu, đống rơm tự phát cháy, người sống sót từ bão Chanchu trở về... những câu chuyện một thời ở Quảng Nam như vết thương đôi lúc trở trời nhức buốt cảnh báo việc kiểm chứng nguồn tin.
Lại nói chuyện đề tài phản ánh. Có những tờ báo chỉ chăm chăm phản ánh bức tranh đen tối với những vụ cướp giật, giết người man rợ, những chuyện tình “lá cải”… (Đến giờ vẫn còn tờ báo gần như quanh quẩn mô tả một cách giật gân với các đề tài gói gọn trong “5T” – Tình, Tiền, Tù tội, Tự tử, Tòa án).
Nhà báo, trong thiên chức của mình, là người nói lên, phản ánh bức tranh hiện thực. Đúng rồi! Nhưng nhà báo, với tâm hồn và cốt cách, bản lĩnh nghề nghiệp, không thể chỉ nói một chiều, phiến diện trước vấn đề cuộc sống đặt ra; không chỉ phản ánh và phê phán cái ác, cái xấu mà còn cần nêu lên hình ảnh của cái tốt, cái đẹp nữa. Trước một câu chuyện, vấn đề bức xúc, thậm chí khó khăn về lời giải, giải pháp, nhà báo cũng là người suy tư những ý tưởng tìm lối ra cho cuộc sống đi lên, phát triển.
Từ nhà ra cổng, thấy khó thay, nghề đưa tin!
ĐĂNG QUANG