Trong cuốn sách “Những di chỉ của ký ức” (Les lieus de mémoire), Pierre Nora có viết: “Con người dù bất cứ ở thời đại nào cũng đều mang trong mình những ký ức của thời đã qua, những ký ức đó đọng lại trong tâm thức để trở thành cái gọi là di sản và truyền thống. Chính qua những ký ức mà con người cảm nhận được lịch sử. Đó có thể là những ký ức vật thể như những lâu đài, cung điện, những pho tượng và đài tưởng niệm, hoặc những ký ức phi vật thể như những bài hát, diễn văn, điếu văn, các thiết chế, các dòng họ… đều được hình thành trong bối cảnh lịch sử nhất định diễn ra trong quá trình hình thành của dân tộc”. Một câu văn rất Tây, nếu nhìn dưới góc nhìn liên văn bản chắc ít nhiều ảnh hưởng Kinh Thánh, là câu diễn dịch về tình yêu Tổ quốc - “trong tro bụi đất đai dưới chân mình có tro bụi xương thịt cha ông từ nhiều thế hệ”. Trong bài thơ “Đất nước”, Nguyễn Đình Thi lắng nghe tiếng nói của những người đã khuất “…đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ những buổi ngày xưa vọng nói về…”. Thị dân hôm nay luôn mang tâm thức làng xóm xưa kia, thuở câu ca có cây đa, bến nước, mái đình và cho dù đang sống bận bịu ở chốn phồn hoa đô hội, sáng tác truyền miệng những bài ca mới, họ vẫn luôn mang một mối cảm hoài về cố xứ như câu thơ của Sơn Nam “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” và phần lớn mang tâm trạng chênh vênh, lạc loài khi sống nơi phố thị nhiều thay đổi “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ/ đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu…” (ca dao).
Hội An bảo tồn được những di sản của ký ức để phục vụ cuộc sống. Ảnh: T.T.Thư |
Người Hội An đi xa luôn nhớ “Thượng Chùa Cầu, hạ Âm Bổn” (trên Chùa Cầu, dưới chùa Âm Bổn hay Ông Bổn), rồi cây Da Kèn, vườn Bà Kiệm, đình Ông Voi, bến đò Ba Nữ, hồ Bà Thiên, giếng Bá Lễ, ngã ba Tin Lành… những địa danh gắn với tên cây, tên di tích, tên người. Tam Kỳ hay Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên… cũng vậy. Người xứ Quảng chẳng xa lạ chi với những địa danh “giếng Bốn Trụ”, “vườn Cừa”, “cầu Kỳ Phú”… (Tam Kỳ), Hà Mật, Bảo An, Xuân Đài, An Quán, La Qua, Vĩnh Điện… (Điện Bàn), Trà Kiệu, Lang Châu, La Tháp, chợ Chùa, Nam Phước, cập Chiêm Sơn, Phú Đa (Duy Xuyên), Hà Lam, Kế Xuyên, Đồng Dương, Trà Đỏa, Quán Gò, Chợ Được… (Thăng Bình). Từ ký ức di tích, con người bản địa mở rộng chiều kích không gian, thời gian trong tâm thức chính mình, đúng hơn là luôn “sống”, luôn “tương tác” với lịch sử của tổ tiên, dòng tộc để gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa. Câu nói cửa miệng “xưa bày nay bắt chước” là bí quyết “trao truyền” ngọn lửa không tắt của lòng tri ân người đi trước. Điều đó không phải là nệ cổ, hoài cổ mà sự kế thừa văn hóa đã qua một quá trình gạn đục khơi trong đúng như một nhà văn phương Tây đã nói “với truyền thống, chúng ta không tôn sùng tàn tro mà chúng ta nuôi ngọn lửa” (Gustav Mahler).
Những bài học một thời vẫn còn được người dân lưu truyền nhắc nhở những nhà quản lý di sản. Một thời gian dài sau chiến tranh, chúng ta nhân danh “đả thực bài phong” một cách cực đoan nên đã phá không ít di tích văn hóa thời phong kiến như triệt phá điện Cần Chánh Huế sau 1945, đàn Nam Giao (sau 1975) hay các di tích được nhân dân góp công của xây dựng nên dưới thời chế độ cũ những năm 60 thế kỷ 20 như Khổng miếu Hội An (sau 1975). Về sau hai di tích Nam Giao (Huế) và Khổng miếu (Hội An) mới được trùng tu, tôn tạo trở lại sau khi nhiều hạng mục quan trọng đã bị phá bỏ. Trên phạm vi tỉnh Quảng Nam, địa phương bị chiến tranh, thời gian và cả con người thời bao cấp triệt phá nhiều nhất chắc chắn là ở thị xã Điện Bàn. Có thể kể đến Dinh Chàm, hay Quảng Nam dinh thời các chúa Nguyễn đầu thế kỷ 17 (dinh Chiêm, dinh Ciam). Vào thế kỷ 19 đất Điện Bàn có các di tích như Văn Miếu, Trường Đốc hàng tỉnh, đình La Qua với những cây cột lớn như thành ngữ dân gian “thình thình như đình La Qua”, rồi Thành tỉnh Quảng Nam… Một thị xã Điện Bàn mới được thành lập, năm 2017 này mới vừa được công nhận thêm một di tích quốc gia là di chỉ khảo cổ học Dinh trấn Thanh Chiêm hay Dinh Quảng Nam, nên không những người dân địa phương mà các nhà nghiên cứu văn hóa “ngạc nhiên” về việc các nhà quản lý di sản văn hóa lại tính di dời một ngôi trường có gần 60 năm tuổi - một di tích của ký ức như trường Nguyễn Duy Hiệu. Nhiều người yêu văn hóa Điện Bàn mơ ước xây ở Thanh Chiêm một bảo tàng chữ Quốc ngữ và ở Vĩnh Điện một bảo tàng hát bội gắn với nhà soạn tuồng, nhà văn hóa Nguyễn Hiển Dĩnh và một lớp nghệ sĩ, soạn giả đạt danh hiệu nghệ sĩ nhân dân trong thế kỷ 20 như Nguyễn Phẩm, Nguyễn Lai, Tống Phước Phổ…, rồi một bảo tàng danh nhân vùng Gò Nổi - vùng quê được cả nước xưng tụng là “đất học” của Quảng Nam.
“Trăm năm bia đá thì mòn…”, sợ nhất là “bia miệng” trong dân gian cứ còn mãi nếu như ai đó xâm hại đến di tích của ký ức. Nhiều người thường cho rằng Hội An giữ được phố cổ là do “may mà” không bị chiến tranh tàn phá, rồi thời bao cấp kinh tế còn nghèo. Nhưng một nguyên cớ sâu xa - theo người viết bài này - là do thị dân Hội An coi trọng ký ức, coi trọng không gian tín ngưỡng, thờ tự của cha ông ngay trong tâm thức của mình, nên những “con mắt cửa” cứ đối mặt với bể dâu…
PHÙNG TẤN ĐÔNG