Tủ sách pháp luật thôn, khối phố ở Tam Kỳ: Bỏ - thương, vương - khó

VINH ANH 13/01/2014 08:57

Qua thời gian đưa vào sử dụng, hiện nay tủ sách pháp luật (TSPL) tại thôn, khối phố trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Hồng Lai - Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ cho biết, một TSPL mỗi năm chỉ có khoảng 5 lượt người đến đọc và mượn sách về nhà tìm hiểu, thậm chí có rất nhiều tủ sách nhiều năm không có người đến đọc hoặc mượn sách.

Chưa phát huy

Theo Phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ, từ năm 2002 TP.Tam Kỳ đã triển khai thực hiện việc xây dựng TSPL ở các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã phường và thôn, khối phố. Đến cuối năm 2004, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 39 TSPL tại các phòng, ban; 13 tủ sách tại 13 xã, phường và đặc biệt đã xây dựng được 103 TSPL ở 103 thôn, khối phố trên toàn địa bàn. Bình quân mỗi tủ sách có từ 80 - 100 đầu sách pháp luật các loại. Năm 2013, toàn thành phố có 108 TSPL tại 109 thôn, khối phố. Qua khảo sát, đánh giá thực trạng, TSPL trên địa bàn Tam Kỳ đang bộc lộ nhiều điều không phù hợp, cần phải có giải pháp để thay đổi hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Từ năm 2009 đến nay, Tủ sách pháp luật thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc (Tam Kỳ) phải đặt tạm tại nhà xe UBND xã và chủ yếu là dùng để chứa đồ. Ảnh: VINH ANH
Từ năm 2009 đến nay, Tủ sách pháp luật thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc (Tam Kỳ) phải đặt tạm tại nhà xe UBND xã và chủ yếu là dùng để chứa đồ. Ảnh: VINH ANH

Ông Nguyễn Hồng Lai - Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ đánh giá: “Việc xây dựng TSPL là chủ trương lớn, đến nay chỉ có TP.Tam Kỳ là xây dựng xong và hoàn chỉnh TSPL ở thôn, khối phố. Qua đó, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống. Đáng nói, TSPL thực sự là phương tiện, công cụ hữu hiệu và thiết thực cho tổ hòa giải ở cơ sở trong việc nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng thôn, khối phố bình yên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây trước thực trạng các văn bản pháp luật được thay thế, sửa đổi thường xuyên, số lượng các văn bản luật được ban hành mới tăng nhiều, trong khi việc trang bị bổ sung sách pháp luật mới tại các tủ sách chưa được quan tâm nên số lượt bạn đọc tìm đến với tủ sách cũng rất hạn chế, trung bình 1 TSPL mỗi năm chỉ có khoảng 5 lượt người đến đọc và mượn sách về nhà tìm hiểu, thậm chí có rất nhiều tủ sách nhiều năm không có người đến đọc hoặc mượn sách”.

Ông Lai cũng cho biết thêm, TSPL chỉ sôi động trong vài năm đầu, những năm tiếp theo và gần đây thì các địa phương không có sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra đánh giá, dẫn đến tình trạng tủ sách bị hỏng, số lượng sách trang bị ban đầu bị hao hụt. Sau khi giao địa phương tự chủ nguồn kinh phí để trang bị mua sách, có địa phương bố trí, có địa phương không quan tâm.

Hướng đi nào?

Từ thực tế trên, tại buổi tọa đàm về thực trạng TSPL do Phòng Tư pháp Tam Kỳ tổ chức, có ý kiến cho rằng chỉ nên tiếp tục duy trì tủ sách ở xã phường, đồng thời chuyển đổi mô hình TSPL thành “thư viện cộng đồng” hoặc phòng đọc, phòng tra cứu internet… nhằm tránh tình trạng lãng phí. Các cấp các ngành nên đề nghị không tiếp tục duy trì TSPL tại thôn, khối phố mà chỉ giữ TSPL tại UBND xã, phường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Sử - Phó Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ lại cho rằng: “Mặc dù TSPL có nhiều hạn chế, nhưng hiện nay, bên cạnh việc phát huy các hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua truyền hình, báo chí, internet… vẫn nên tiếp tục duy trì, phát triển TSPL ở cơ sở để người dân, nhất là vùng nông thôn có thêm kênh thông tin tìm hiểu pháp luật”. Theo ông Sử, để TSPL phát huy hiệu quả phải không ngừng cập nhật, bổ sung các văn bản pháp luật mới, ngắn gọn, dễ hiểu. Địa điểm đặt TSPL cần đặt ở những nơi công cộng, có hình thức vận động nhân dân đọc sách, báo pháp luật và tổ chức thi tìm hiểu các nội dung trong sách, báo đã được đọc tại TSPL…

Ông Thái Nguyên Đại - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật Sở Tư pháp góp ý nên chuyển đổi mô hình TSPL thành “Tủ sách văn hóa xã hội” và đặt tại một vị trí thích hợp trong khu hành chính cấp xã để cán bộ và nhân dân đến tìm đọc. Như vậy, người dân không chỉ tra cứu thông tin pháp luật mà còn có thể tra cứu các loại thông tin tổng hợp thuộc lĩnh vực khác, như khuyến nông, khuyết lâm, khuyến ngư… kể cả các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, thể thao, giải trí. Để bổ sung thường xuyên làm phong phú số lượng đầu sách, báo, tài liệu cho tủ sách, ngoài việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương nên có chủ trương xã hội hóa tủ sách bằng việc vận động cơ quan, tổ chức, người dân, bạn đọc… tham gia hiến sách cho tủ sách. “Khi có nhiều ngành tham gia hỗ trợ bổ sung kinh phí, tài liệu, bạn đọc của tủ sách sẽ ngày càng nhiều hơn, nhất là thanh niên, học sinh địa phương. Xây dựng TSPL linh hoạt, sáng tạo mới mong phát triển dần tủ sách thành thư viện nhỏ cấp xã” - ông Đại nói.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tủ sách pháp luật thôn, khối phố ở Tam Kỳ: Bỏ - thương, vương - khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO