Từ một trò chơi dân gian trở thành di sản văn hóa thế giới, nghệ thuật bài chòi có cơ hội để tiếp tục phát triển, phục vụ cuộc sống đương đại.
Bài chòi trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn ở Hội An. Ảnh: T.T |
1. Vào những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, khi trò vui lễ tết của người dân các vùng thị tứ, thị trấn là lô tô và ca múa nhạc tổng hợp, thì trò chơi bài chòi vẫn là “linh hồn” đầy tính phồn thực, tạo nên không khí lễ lạt ở các vùng quê Quảng Nam. Tôi vẫn nhớ “chiếu chòi” ở khu chợ Gò (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) tết nào cũng được tổ chức “hoành tráng” và thu hút đông đảo người dân đến xem, chơi. Trên khu đất rộng vốn là chợ, người ta xếp các sạp tre vây quanh một chòi lớn ở giữa, được che tạm bằng lá dừa. Chiếu mới Bàn Thạch hoa văn sáng trưng được trải lên các sạp. Trên mỗi sạp là một khúc thân cây chuối, dùng để cắm các lá cờ “tới”. Các quân bài được làm bằng thẻ tre, vẽ bằng sơn. Còn các “anh chị hiệu” thường có cả già lẫn trẻ, cũng không hát được nhiều làn điệu, chủ yếu là hô một vài câu rồi đọc ra quân bài. Thế mà xúm đen xúm đỏ, tiếng hô thai, tiếng “tới” lẫn trong tiếng cười đùa vang một góc chợ. Tuổi thơ tôi cũng bao phen đắm đuối với những “chiếu chòi”, những quân bài và cảm giác nôn nao khi cầm trên tay những lá cờ “tới” trong trò vui này.
Nhưng bẵng đi một thời gian dài, những chiếu chòi, những điệu hô thai dần nhạt phai màu tết, nhường chỗ cho những hội vui xuân đủ thể loại. Cho đến khi không gian bài chòi được tái hiện tại phố cổ Hội An. Trong những lần tổ chức sự kiện “Tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ 20”, bài chòi đã được đưa vào thử nghiệm. Có lẽ, chính nhờ “đêm phố cổ”, nhờ vào điều kiện không gian kiến trúc, không gian ánh sáng đặc trưng, nhờ vào lượng người dân và về sau là du khách đến với phố cổ ngày càng đông đảo nên trò chơi bài chòi đã thực sự sống dậy ở Hội An. Và hơn thế nữa, trò chơi bài chòi đến nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân phố cổ và là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách.
Hội An đã đào tạo các thế hệ kế cận để bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. |
2. Từ quá khứ đến hiện tại, bài chòi đã đi một con đường dài để “sống được” ở Hội An như ngày hôm nay. Ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TP.Hội An cho biết, bài chòi được phục hồi, đưa vào phục vụ hoạt động du lịch ở phố cổ, bởi tính độc đáo, đặc trưng và khác biệt của nó - đáp ứng 3 tiêu chí rất quan trong cho một sản phẩm du lịch. Vì vậy rất thành công. “Vốn là trò chơi dân gian trong những ngày tết ở vùng duyên hải Trung Bộ để thử vận may đầu năm, bài chòi tạo ra không gian diễn xướng hết sức sinh động và đầy sáng tạo. Nó vừa là trò chơi vừa là sân chơi văn hóa. Với lối hô hát ứng tác hóm hỉnh, anh/chị hiệu vừa là nghệ sĩ vừa là nghệ nhân sáng tạo – linh hồn của bài chòi, khiến thể loại này được yêu mến và phát triển theo thời gian” – ông Phùng nhận định. Và Hội An, trong gần 10 năm qua đã đi từng bước gầy dựng lại phong trào, đào tạo lực lượng hô hát bài chòi, giảng dạy bài chòi trong trường học và ở phố cổ cho cả nghìn lượt học sinh. Dần dà mới thành nền nếp trình diễn và thưởng thức bài chòi trong đời sống văn hóa - nghệ thuật của người dân phố Hội.
Nỗ lực đưa bài chòi vào đời sống đương đại của Hội An cũng gặp nhiều thuận lợi. Theo thạc sĩ Phùng Tấn Đông, đó là việc người dân có truyền thống dựng rạp chơi bài chòi vào dịp tết. Tuy có sự đứt gãy, nhưng vận hội du lịch cùng với sự quan tâm của chính quyền, ngành văn hóa đã giúp bài chòi “sống lại”. Thành phố đã đưa bài chòi vào trường học, mở lớp giảng dạy thường xuyên. Các hội thi hội diễn bài chòi được tổ chức hàng năm, hàng quý, lồng ghép nội dung bài chòi vào hội thi của các đoàn thể… Đó là bước khởi động để gìn giữ bài chòi. Theo thạc sĩ Phùng Tấn Đông: “Việc thường xuyên tổ chức hội bài chòi, vừa phục vụ du lịch vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân đã góp phần rất đắc lực nuôi dưỡng trò chơi bài chòi”.
3. Việc nghệ thuật bài chòi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là phần thưởng xứng đáng cho cả quá trình lâu dài bảo tồn, phát huy, đưa bài chòi trở lại không gian cộng đồng, của không chỉ Hội An, Quảng Nam mà cả các tỉnh Trung Bộ. Sự vinh danh sẽ là cơ hội tốt để khiến loại hình này càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ hơn. Nhiều ý kiến của những người trong cuộc cho rằng, bên cạnh bảo tồn thì cũng cần có những sáng tạo phù hợp với đời sống đương đại để bài chòi có thể phát triển lâu dài. Thạc sĩ Phùng Tấn Đông cho rằng: “Cùng với phục dựng, phát triển loại hình nghệ thuật bài chòi truyền thống, thì sân khấu bài chòi phải được đưa vào các chương trình văn nghệ quần chúng. Có thể lựa chọn các trích đoạn, cảnh diễn mà có thể thích ứng với đời sống hiện đại. Tôi cho rằng hiện nay cần đồng thời thực hiện hai việc, là phục hồi công chúng và phục hồi người diễn. Nếu có công chúng, có người biểu diễn thì bài chòi lúc nào cũng sống động, cũng có đất sống”.
Sự sáng tạo trong nghệ thuật bài chòi, thật ra đã diễn ra tại Hội An. Bên cạnh những câu hô hát sử dụng ca dao dân ca truyền thống, các anh/chị hiệu cũng đưa vào những nội dung phù hợp với thực tế. Ví dụ khi có những cuộc vận động, như thành phố du lịch không khói thuốc lá, thì các nghệ nhân đưa vào lời hô: “Vì anh hút thuốc quá nhiều. Dunhill ba số anh làm liều cả bao. Đến khi ung thư dính vào. Thì dù anh có là ông thái tử, thì nam tào cũng giũ tên. Ông thái tử ra rồi bớ bà con ơi”. Theo ông Võ Phùng, một điều phải làm là phải có những chính sách, chế độ để nuôi dưỡng tài năng, đãi ngộ nghệ nhân, đặc biệt là đào tạo những anh/chị hiệu trong lớp trẻ, bởi họ là “linh hồn” của trò chơi bài chòi. Ông Phùng diễn giải, chơi bài chòi được diễn tả qua 4 tên gọi là chơi – đánh – hô – hát. Tuy nhiên, người làm chủ sân khấu bài chòi không ai khác đó chính là anh/chị hiệu. Sân khấu bài chòi chỉ bắt đầu khi anh/chị hiệu cất tiếng hò Quảng, hay hô thai một bài lục bát hoặc song thất lục bát bằng chất giọng rặt phương ngữ. Cuộc chơi bài chòi có sinh động có rôm rả hay không còn phụ thuộc vào tài hô hát của anh/chị hiệu, họ phải thuộc rất nhiều thơ, vè, ca dao, phải biết hát nam, hát khách, những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng.
…Từ trò chơi thành di sản, sự chuyển dịch của bài chòi từ đất lên ghế lên sàn lên giàn lên chòi và thành một loại hình nghệ thuật sân khấu đã nói lên sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của bài chòi trong dân gian và trong thời gian. Riêng với Quảng Nam, bài chòi vừa là di sản, là sản phẩm tinh thần của nhân dân, vừa là sản phẩm du lịch văn hóa và sẽ tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân.
TRƯƠNG TÂM THƯ