Vùng đất nằm hai bên đoạn Quốc lộ 1 qua địa phận xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, vào thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 thuộc hai xã Vân Trai và xã Sung Mỹ của tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ. Ở hai làng/xã xưa này, hiện còn một số dấu tích về lịch sử, văn hóa, kinh tế có thể giúp biết thêm nhiều điều.
Tư liệu một gia tộc ở Chợ Trạm
Tư liệu tộc Phan - làng/xã Vân Trai (còn gọi là vùng Chợ Trạm) hiện còn lưu tại nhà ông Phan Như Hiển ở thôn Vân Trai xã Tam Hiệp cho biết: thủy tổ của tộc là ông Phan Văn Tín - cháu nhiều đời của một vị “trại chủ” (trại: đơn vị hành chính miền núi - NV) ở vùng Nghệ An. Ông Tín xuất phát từ xã Ao Giản, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An vào vùng biển nam Quảng Nam giữ chức “Tấn trưởng Hiệp Hòa”. Tấn là đồn binh canh giữ cửa biển, cửa sông... Cửa biển Hiệp Hòa vào thời Nguyễn (trước đó còn gọi là Đại Áp – sau này gọi là cửa biển An Hòa) có một đồn binh giữ biển lớn.
Ông Tín được tộc phổ ghi là “thủy tổ đời thứ nhất”. Những vị khởi thủy của tộc này ban đầu định cư ở các làng Diêm Trường, Diêm Phổ ven đầm An Hòa, về sau lên vỡ đất lập làng Vân Trai, trở thành một trong những họ tộc định cư đầu tiên ở ngôi làng có trạm Nam Vân - nhà dịch trạm ở cực nam của tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn.
Tại nhà thờ chính của tộc này còn lưu nhiều liễn đối mang nội dung ca ngợi công lao khai phá đất đai, xây dựng tộc họ của tổ tiên, trong đó có câu dặn dò con cháu sống điềm đạm, cần cù làm ăn: “Nhẫn nhi hòa tề gia thiện sách/ Cần dữ kiệm sáng nghiệp lương đồ”. Nội dung như trên còn gặp ở nhiều câu đối trong các nhà thờ tộc khác ở vùng này.
Mộ võ tướng cao cấp thời Nguyễn
Đó là mộ ông Trần Đăng Long (1760-1829), người vùng Điện Bàn, Quảng Nam, theo phò Nguyễn Ánh từ thời ông chúa này còn lận đận. Do lập nhiều công trạng, ngay khi triều Nguyễn mới được lập, ông Long được giao giữ nhiều chức vị quan trọng trong quân đội nhà Nguyễn. Sau khi vua Minh Mạng lên ngôi, từ vị trí Lưu thủ Quảng Nam dinh, ông này được triệu về kinh trông coi Võ khố rồi liên tiếp được giữ nhiều chức vụ quan trọng khác. Chức cao nhất là Phó Đô thống chế của doanh Thần Sách. Sau khi qua đời (14.1.1829) ông được truy tặng quan hàm Đô thống chế.
Vị trí tọa lạc song mộ vợ chồng ông Trần Đăng Long ở Chợ Trạm hiện nay được cho là chỗ cải táng. Giai thoại địa phương kể: Gia đình ông võ tướng này nhờ thầy địa lý đi từ vùng cửa biển Hiệp Hòa, theo địa mạch, ngược sông Bến Ván đến vùng phía tây nhà dịch trạm Nam Vân thì tìm được huyệt mộ tốt. Sau năm 1980, hậu duệ ông Trần Đăng Long sống ở Đà Nẵng nhờ thầy giáo Phan Văn Ngoạn (dạy Văn ở Trường THPT Trần Cao Vân - Tam Kỳ) vào đọc hai tấm bia chữ Nho dựng trước hai mộ, lúc ấy mới biết đó là nơi mà gia đình từ lâu dò tìm.
Trảng Bà Mù và Đổng Còi
Đây là hai vùng cát trắng (xưa gọi là bạch sa) liên kế nhau nằm giữa hai vùng ruộng đất canh tác của hai xã Vân Trai (phía nam) và xã Sung Mỹ (phía bắc - giáp cầu Ông Bộ). Trảng Bà Mù xưa rất rộng và bằng phẳng, bao gồm hầu hết diện tích cơ sở sản xuất của Công ty ô tô Chu Lai - Trường Hải và các bệnh viện, nhà máy lân cận hiện nay. Còn Đổng/Nổng Còi là những đụn cát nhô cao che chắn cho cánh đồng Sung Mỹ. Ở các đổng cát này, trước đây, dân địa phương bẫy chim cu xanh đem bán rất nhiều; nay ít thấy!
Ngày trước, chỉ có lính chạy trạm và lính địa phương (biền binh) mới băng qua trảng và đổng cát này. Còn người đi bộ qua lại giữa Quảng Ngãi và Quảng Nam, đến sông Bến Ván - phía trong Chợ Trạm khoảng non nửa cây số thường lên thuyền để ra Tam Kỳ, Hội An và ngược lại. Chi tiết “khó băng qua cát” này từng được ông Nguyễn Thuật - một văn quan cao cấp cuối thời Nguyễn ghi lại khi kể về hành trình của ông từ cảng Quy Nhơn, qua vùng Bến Ván - Chợ Trạm về Bắc Quảng Nam rồi về kinh đô Huế trong cuốn Vãng sứ Thiên Tân nhật ký.
Chuyện kể từ làng Sung Mỹ
Xã Sung Mỹ xưa có tên nôm là “Cây Sung tộc” (tộc: đơn vị hành chính tương đương thôn hoặc xã nhỏ - NV). Đến đầu thời Minh Mạng, cùng với việc chuyển đổi tên Nôm sang tên chữ (Nho) ở phạm vi cả nước, Cây Sung được đổi thành Sung Mỹ. Ông Huỳnh Văn Tường (83 tuổi, ở tổ 2, thôn Mỹ Bình, xã Tam Hiệp) kể một câu chuyện về việc khai phá xứ đất Sung Mỹ như sau: “Khi chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu vào Nam tránh sự truy đuổi của triều Tây Sơn đã được một bà họ Huỳnh (hậu duệ ghi tên trong bia mộ là Huỳnh Thị Tịnh - NV) ở vùng này che giấu.
Sau khi thắng lợi, lên ngôi, lúc ban thưởng những người có công, vua Gia Long cho mời bà họ Huỳnh ra kinh lĩnh thưởng. Lúc này, bà đã mất, người em ruột là ông Huỳnh Viết Nhơn thay chị ra kinh thành. Sau khi được phong tước (có danh nhưng không có thực quyền - NV) “Văn Minh điện Nội giám Thọ đình hầu”, ông Nhơn còn xin cho tộc Huỳnh của ông được phép khai vỡ các xứ đất hoang ở các vùng lân cận và được đứng tên chủ sở hữu. Nhờ số ruộng mà triều đình cấp phép khai vỡ (115 mẫu/25 xứ đất), tộc Huỳnh trở thành tộc có công mở rộng đất đai cho làng.
Trên di tích đình làng Sung Mỹ hiện còn tấm bảng ghi danh tộc Nguyễn Viết dự đồng tiền hiền với ba tộc Nguyễn Đức, Ngô Công, Phan Văn. Tại nhà ông Huỳnh Đức Huệ (72 tuổi, ở tổ 1, thôn Mỹ Bình, xã Tam Hiệp) hiện còn treo câu đối xưa: “Sách vọng cung tường tăng phú mỹ/ Trùng quang vận hội trực văn minh” nhắc lại việc triều đình (cung tường) ban ơn lớn (sách vọng) tạo điều kiện cho làng này thêm giàu thịnh (tăng phú mỹ) và nhắc lại việc ông Huỳnh Viết Nhơn được phong tước (trực Văn Minh) nhân cơ hội nhà Nguyễn được khôi phục (trùng quang vận hội).
Địa bạ làng Sung Mỹ
Ông Huỳnh Đức Huệ cho người viết xem một phó bản địa bạ chữ Nho dày 104 tờ viết hai mặt ghi lại toàn bộ số ruộng đất mà tộc Cây Sung sở hữu. Căn cứ vào ngày ký của các xã thôn giáp giới là thôn Vĩnh Đại (phía đông), ấp Tứ chánh Xuân Mỹ (phía tây), ấp Tứ chánh Ông Bối (phía nam) và xã Cây Sung (phía bắc - xã trùng tên nhưng thuộc một địa giới hành chính khác có tên “Hà Bạc thuộc”), có thể biết bản địa bạ này lập vào khoảng từ năm Gia Long thứ 10 - 1811 và được phê duyệt vào ngày 27 tháng 2 năm Gia Long thứ 13 - 1814. Các ấn và triện được đóng trên tập văn bản này là các khuôn dấu của triều đình (Hữu Thừa Ty của bộ Hộ) và địa phương (Ty Lệnh sử của Trực lệ Quảng Nam dinh). Qua tư liệu này, có thể biết được phần nào diện mạo đất đai và tình hình sở hữu ruộng đất của một làng xã cụ thể ở vùng cát ven đường thiên lý ở Nam Quảng Nam xưa.
“Địa bạ tộc Cây Sung” ghi tên gần 80 xứ đất, đa số có tên Nôm như Bà Thi, Bà Lân, Bàu Nang, Bàu Bàng, Bàu Voi, Bàu Hạm, Bàu Rái, Bàu Cách, Bàu Sen, Bàu Trình, Bến Trạm, Bến Đò, Cây Thị, Cây Chanh, Cây Da, Cây Nội, Cây Xôi, Cây Sưu, Cửa Truông, Đồng Đó, Đồng Rơm, Đồng Nga, Gò Tre, Gò Đỗ, Gò Bách, Gò Cầu, Hóc Hội, Hóc Nê, Hói Ngập, Núi Án, Nà Sơn, Nà Nghé…; một số ghi tên chữ Nho như Châu Đơn, Long Sơn, Trà Long, Trì Thủy, Bạch Sa… Ngoài ra, còn có một số tên rất lạ như Tà Vọng, Tà Câu, A Tế, A Trừ, Bố Bơi… Điểm qua tên các xứ đất này, có thể biết địa hình làng Sung Mỹ xưa gần sông, nhiều bàu, hói, nhiều xứ đất lấy tên cây cối để định danh. Đây là vùng đất có nhiều gò nỗng, trảng cát và có thể có một số xứ đất Chăm vốn có tên từ xưa sau được dùng lại.