Từ xung kích đến hành động

SÁU CÒI 19/04/2016 08:14

Nhiều nhà chuyên môn đã từng khẳng định, bàn “văn hóa giao thông” là đụng đến khái niệm khá trừu tượng. Cho nên, chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản rằng, người nào tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông thì họ đã thể hiện bản thân mình có “văn hóa giao thông”. Đó là chưa đề cập, cá nhân ấy sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ bạn đồng hành trong lúc gặp sự cố xảy ra trên đường.

Mạn đàm riêng về thanh niên, nhân Tháng thanh niên hay các chiến dịch tình nguyện, tuổi trẻ Quảng Nam đã xuống đường để tuần hành, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi viết, sân khấu hóa, vẽ tranh về ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa diễn ra đầy màu sắc. Sáu tôi cảm thấy tự hào về vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên. Giữa thời buổi tất bật chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”, những áo xanh tình nguyện vẫn đều đặn đứng hàng giờ vào mỗi sáng thứ Hai tại khu vực ngã tư, ngã ba thuộc TP.Tam Kỳ hay thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) để phân luồng giao thông. Không phân biệt nam nữ, giáo viên hay học sinh, họ miệt mài quan sát, hạ - phất cờ dứt khoát nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời kìm hãm hành vi của đối tượng định “xé rào”, một hình ảnh đáng trân trọng.

Nhưng rồi, Sáu Còi nhìn giữa đám đông xa lạ tham gia giao thông, đặc biệt trên đường ở nông thôn còn đó lượng lớn thanh niên “nói không” với đội mũ bảo hiểm. Cá biệt khu vực nội thị, người ta có câu đúc kết đắng lòng: “Ai chạy xe máy mà đầu không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng thì chắc hẳn đó phải là mấy cậu choai choai. Tụi nó vô tâm quá, coi thường cả tính mạng của người khác”. Đối tượng “ngoài vùng phủ sóng” này nếu gặp công an là lập tức quay đầu, tìm cách lẻn vào ngõ hẻm thoát thân. Đáng buồn thay, trong số ấy có những cậu học trò đi đến gần trường gửi xe máy xong rồi thản nhiên… vào học văn hóa. Ven đường sắt, buồn tình, mấy cô cậu đang tuổi ăn, tuổi mặc lại tụm ba, tạm bảy ném đá lên tàu lửa đang chạy rồi cười hí hố phản cảm. Lỗi này không thể đổ hết cho lực lượng chức năng, vịn cớ vào giáo dục học đường. Mà trước hết, gia đình phải chịu trách nhiệm đầu tiên…

Ngành chức năng báo động, gần 50% số vụ tai nạn giao thông chết người là thanh niên có độ tuổi dưới 30; còn số vụ vi phạm trật tự ATGT lên đến hơn 70% (chưa tính đoàn viên được “động viên” hoặc tự nguyện xin sinh hoạt đủ 35 tuổi). Tổ chức đoàn thanh niên nghĩ gì khi có hơn 70% thành viên vi phạm pháp luật? Những mô hình “Thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông”; “Bến đò ngang an toàn”; “Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn” hiệu quả tới đâu? Vai trò gương mẫu của thanh niên trong đảm bảo trật tự ATGT, đơn giản nhất là dừng xe trước đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm thật sự xung kích chưa? Thiết nghĩ, xây dựng phong trào “Thanh niên với văn hóa giao thông” cần nên bắt đầu từ ý thức của tuổi trẻ, rường cột của nước nhà bằng những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất. Tuổi trẻ đừng để tuổi xuân ra đi mãi mãi.

SÁU CÒI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ xung kích đến hành động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO