“Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” là chủ đề của Tuần lễ cấp cao APEC 2017, chính thức tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11.11.2017.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tổ chức tại Hội An vừa qua thành công đã thống nhất những ưu tiên hợp tác trình lên các nhà lãnh đạo trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. |
Kết nối các nền kinh tế thành viên
Sau 11 năm, kể từ năm 2006, Việt Nam lại nhận trọng trách chủ nhà APEC 2017. Chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đề cao dấu ấn góp phần tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng và liên kết trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư và tăng cường cải cách cơ cấu, đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò doanh nghiệp nhỏ và vừa là những biện pháp cấp thiết để diễn đàn hợp tác khu vực có thể nắm bắt kịp thời các cơ hội mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và làn sóng thương mại toàn cầu lần thứ ba. Năm APEC 2017 tập trung vào 4 ưu tiên quốc gia. Đó là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đẩy mạnh lên kết kinh tế khu vực sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc chọn chủ đề và các ưu tiên quốc gia này cho thấy tinh thần đổi mới, sáng tạo của Việt Nam trong vai trò nước chủ nhà APEC, hướng tới những động lực mới cho hợp tác và tăng trưởng kinh tế khu vực. Ông Vũ Nhữ Thăng – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) phân tích dưới góc độ tài chính rằng các động lực mới về tài chính, chủ trì hợp tác, tìm kiếm những giải pháp để giải quyết các vấn đề nan giải, Việt Nam đang cho thấy vai trò dẫn dắt của mình trong tiến trình hợp tác APEC, phối hợp nhằm giải quyết các thách thức của khu vực.
Chưa biết Tuần lễ cấp cao APEC 2017 sẽ ra tuyên bố cụ thể nào về hợp tác trong tương lai, nhưng sự kiện này thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế suốt nhiều tháng qua. Trong một bản tin thời sự quốc tế về sự kiện APEC 2017 với chủ đề “Chú ý tới Việt Nam” của hãng thông tấn Madaia Metrics (Nga), Chủ tịch Hội đồng chuyên gia của Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á – Âu” Grigory Trofimtruk nói dư luận Nga rất kỳ vọng Việt Nam và APEC 2017 có thể là diễn đàn để Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm được tiếng nói chung giữa bối cảnh quan hệ song phương căng thẳng như hiện tại. Phó Giáo sư Oksana Novakova của Viện các nước Á - Phi thuộc Trường Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov (MGU) nói tại Diễn đàn APEC 2017 mở tại Moscow (Nga) ngày 1.11.2017 rằng hòa bình và phát triển là 2 định hướng chính trong chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam. APEC 2017 là một trong những sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây. Điều này khẳng định đường lối tích cực hội nhập quốc tế, sẽ thúc đẩy, nâng cao vai trò và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong khi đó, TS.Alan Bollard - Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC cho rằng, năm 2017 có nhiều thách thức như chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ… Tuy nhiên, APEC tổ chức tại Việt Nam đã và sẽ mang đến những kết quả cụ thể. Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, nhất là từ các nhóm, ủy ban… Việt Nam cố gắng để hiện thực hóa các Mục tiêu Bogor và cũng có những bước đi mạnh mẽ, trong đó tập trung vào những nội dung sẽ thực hiện sau năm 2020. Còn cựu đại sứ Canada tại Việt Nam David Devine nói những nỗ lực của Việt Nam trong suốt năm APEC 2017 cho thấy Việt Nam không chỉ đang tạo ra động lực mới cho thành công của APEC mà còn thể hiện rõ vị thế ngày càng quan trọng của mình. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ đang là xu hướng rất đáng lo ngại và thế giới đã từng phải trả giá đắt cho bài học này trong cuộc đại khủng hoảng hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. APEC cần tiếp tục thúc đẩy thương mại thông qua những cách thức khác nhau để tăng cường hơn nữa hội nhập kinh tế khu vực.
Tận dụng tối đa cơ hội
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng Việt Nam lại là “điển hình thành công của toàn cầu hóa”. Việt Nam có quan điểm ủng hộ hội nhập, nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng tốt và sở hữu rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Các nền kinh tế APEC sẽ bàn bạc để tìm ra cách giúp toàn cầu hóa “mềm mại và nhân văn hơn” để không ai bị bỏ lại phía sau. APEC tổ chức tại Việt Nam là một lợi thế. Không chỉ tổ chức thành công APEC sẽ nâng cao uy tín Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế mà sự kiện này cũng chính là cơ hội để quảng bá, xúc tiến thương mại đầu tư.
Một trong những cơ hội là Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp - một diễn đàn quan trọng để các nhà lãnh đạo, doanh nhân, nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu trao đổi quan điểm, định hướng kinh tế thương mại đầu tư toàn cầu và khu vực; chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng giải pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp trong APEC và với toàn thế giới.
Ngoài hội nghị thường niên này, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) là một sáng kiến xúc tiến đầu tư thương mại sẽ được tổ chức hàng năm kể từ năm 2017. Nếu như các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được tổ chức thường niên đề cập các vấn đề chính sách thì VBS sẽ đề cập các cơ hội đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. VBS sẽ đi sâu vào cơ hội kinh doanh. “Sẽ có ít nhất 1.200 đại biểu là doanh nhân quốc tế tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, đây chính là cơ hội để quảng bá, xúc tiến đầu tư cho Việt Nam. VBS 2017 sẽ kết hợp với triển lãm xúc tiến thương mại đầu tư của 63 tỉnh, thành phố. Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc gặp bên lề về thương mại, đầu tư giữa các tỉnh, thành và cộng đồng doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên. Đây cũng là lần đầu tiên, lãnh đạo 63 tỉnh, thành hội tụ về để phối hợp với các đối tác quốc tế. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội để xúc tiến cơ hội đầu tư” - ông Lộc nói.
TRỊNH DŨNG