Việc tổ chức các lễ hội truyền thống vào sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao một cách thiết thực và hiệu quả.
Các món ăn được trình bày một cách đẹp mắt. Ảnh: Đ.H |
Gần 100 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú THCS Tây Giang náo nức tham gia lễ hội Ăn mừng lúa mới và Liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống. Đây là một trong những hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu.
Tờ mờ sáng với cái lạnh dưới 170C, giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh tất bật chuẩn bị cho phần thi chế biến ẩm thực truyền thống Cơ Tu như gói bánh sừng trâu, nướng cơm lam, chế biến các món za rá, cá suối nướng ống, thịt rừng nướng xiên, hông sả... Với đôi bàn tay khéo léo các “nghệ nhân nhí” đã tạo ra những sản phẩm ẩm thực thơm ngon và vô cùng đẹp mắt với đủ các hương vị, gia vị của núi rừng. Em Bling Kha Thị Huyền Giang, học sinh lớp 9/1 tâm sự: “Để tham gia hội thi này, chúng em phải chuẩn bị cả tuần trước, như chặt ống nứa, bắt cá suối, lấy măng, cà tím, tiêu rừng... cũng như nhờ cha mẹ chuẩn bị giúp. Còn khâu chế biến chúng em thực hiện vì từ nhỏ đã được cha mẹ chỉ bảo, hướng dẫn. Hội thi là dịp để chúng em trổ tài cũng như nhắc nhớ giá trị xưa với mâm cơm truyền thống của ông bà”.
Các món ăn gồm cơm lam, sắn lam, bánh acút, thịt nướng ống, món za rá... đã được bày biện ngay ngắn chờ ban giám khảo đến chấm chọn. Ban giám khảo đa số giáo viên người Cơ Tu. Tiêu chuẩn chấm chọn đưa ra là phải ngon, đẹp và giữ được nét truyền thống. Cô giáo Bh’riu Thị Long, thành viên ban giám khảo cho biết thêm, các món ăn của người Cơ Tu không cầu kỳ nhưng không phải ai cũng nấu được. Ví dụ để làm được một ống cơm lam, ống thịt nướng ngon phải chọn tre sao cho không cụt ngọn, tre không non quá cũng không già quá, vì già quá tre không có nước, cơm sẽ khô; còn non quá nước nhiều, cơm nhão. Trước khi nấu cơm lam, đồng bào thường ngâm cho gạo mềm và sau đó cho vào từng ống một, lấy lá chuối non nút lại thật chặt và đặt trên bếp lửa đang cháy to. Ống nứa phải được trở đều để cơm không bị cháy và chín đều. Hay món thịt rừng, cá suối không thể thiếu gia vi tiêu rừng, muối ớt... Dù nhỏ tuổi hơn các anh chị lớp 8, lớp 9 nhưng nhờ nắm vững kỹ thuật nấu nướng truyền thống cộng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước các em học sinh lớp 7/2 được trao giải nhất với 10 món ăn truyền thống đều đạt điểm tối đa.
Ngoài thi ẩm thực các em còn tái hiện Lễ cúng mừng lúa mới theo phong tục của đồng bào Cơ Tu kết hợp với múa cồng chiêng và các điệu tâng tung da dá. Thầy Alăng Diêu - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú và THCS Tây Giang cho biết, lễ hội Ăn mừng lúa mới là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực được nhà trường tổ chức hàng năm vào đúng dịp thu hoạch lúa trên rẫy của đồng bào Cơ Tu. Lễ hội góp phần gắn kết dân tộc Cơ Tu với các dân tộc khác, giúp các em có thêm niềm vui và vơi bớt nỗi nhớ nhà trong những ngày học tập ở trường. Đồng thời qua hoạt động này, nhắc nhở giáo dục các em luôn có ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của mình. Đây cũng là một hoạt động của năm trong chuỗi phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
ĐÌNH HIỆP