Bằng niềm say mê lao động và tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều hội viên người cao tuổi (NCT) trong tỉnh đang là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao gương sáng”.
Ông Nguyễn Kim Dũng. |
Tấm gương cho con cháu
Sau hàng chục năm công tác ở UBND xã Quế Trung (huyện Nông Sơn), năm 2014 ông Nguyễn Kim Dũng (65 tuổi, hội viên Hội NCT xã Quế Trung) về nghỉ hưu theo chế độ. Với nhiều người, nghỉ hưu là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, hưởng cuộc sống an nhàn. Nhưng với ông Dũng thì khác, ông chưa cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Ông bảo rằng, còn sức thì còn làm việc, lúc nào không làm được nữa mới nghỉ. “Còn sức khỏe mà không làm việc thì làm gương cho con, cho cháu thế nào được” - ông bảo.
Với suy nghĩ tích cực đó, ông Dũng đã cùng với các con của mình đầu tư mở trang trại, trồng rừng, rồi kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp... Hiện nay, gia đình ông có trong tay hơn 100ha rừng trồng keo nguyên liệu và trang trại nuôi heo rừng, dê, bò… với quy mô hàng trăm con. Ông Dũng chia sẻ, doanh thu từ trang trại chăn nuôi mỗi năm gần 500 triệu đồng. Riêng rừng keo nguyên liệu, sau 5 năm gia đình lãi ròng khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu từ cửa hàng vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, vận tải… mỗi năm cũng thu về hàng trăm triệu đồng.
Theo thống kê từ Hội NCT tỉnh, đến hết năm 2017 trên địa bàn tỉnh có hơn 184.660 NCT, trong số này có hơn 171.600 hội viên. Riêng trong năm 2017, Ban đại diện Hội NCT các cấp đã vận động được hơn 12 nghìn suất quà với tổng trị giá gần 5 tỷ đồng tặng NCT neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, có hơn 8 nghìn NCT vẫn còn tham gia công tác xã hội, hơn 5 nghìn người làm kinh tế giỏi (trong đó có 414 chủ trang trại, doanh nghiệp). Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, NCT trên toàn tỉnh đã góp hơn 24 nghìn ngày công và vận động gia đình hiến hơn 735 nghìn mét vuông đất làm đường giao thông, xây dựng công trình công cộng... |
Có được cơ ngơi và sự thành công như hiện nay, đó là nhờ ở sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của ông Dũng. “Tôi cho rằng, làm kinh doanh thì phải mạnh dạn đầu tư, quyết đoán và chấp nhận rủi ro. Khi đã đầu tư thì phải quyết tâm làm đến nơi đến chốn, làm cho bằng được. Mình là cán bộ về hưu thì càng phải làm cho tốt để khẳng định với dân là cán bộ không chỉ nói mà còn làm rất giỏi, dù đã nghỉ hưu” - ông Dũng nói.
Hiện nay, dù công việc kinh doanh chủ yếu bàn giao lại cho con trai, con gái trực tiếp quản lý, tuy nhiên ông vẫn luôn đứng ở phía sau hỗ trợ. “Nhiều người bảo sao tôi không nghỉ ngơi, làm gì cho nhiều. Nhưng tôi thấy mình còn khỏe, đầu óc còn minh mẫn, thì sao lại nghỉ” - ông Dũng tâm sự.
Không chỉ giỏi làm ăn, kinh doanh, ông Dũng còn tham gia ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương như đóng góp vào Quỹ vì người nghèo, ủng hộ kinh phí cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài…
Ông Nguyễn Hoàng Chương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Nông Sơn nhận xét: “Ông Dũng là một trong những hội viên NCT tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Ngoài ra, ông và gia đình còn tích cực tham gia đóng góp các phong trào xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các chương trình hoạt động vì cộng đồng”.
Không ngừng nỗ lực
Từ một thầy giáo, ông Trần Ngọc Trà (SN 1954, quê ở xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) chuyển qua làm ở hợp tác xã và nay là ông chủ của Xí nghiệp Gạch tuynel Bình Nguyên với hơn 70 lao động, mỗi năm sản xuất 11 - 15 triệu viên gạch, riêng năm 2017 đạt tổng doanh thu hơn 17,5 tỷ đồng. Để có được thành quả này là cả chặng đường dài với nhiều thăng trầm không chỉ của xí nghiệp mà của chính cuộc đời ông Trần Ngọc Trà.
Ông Trần Ngọc Trà. Ảnh: VINH ANH |
Ông Trà kể, năm 2004, theo chủ trương của chung nhà nước, việc sản xuất gạch ngói thủ công phải được thay thế, chuyển đổi theo hướng công nghiệp, đó là sản suất gạch tuynel. Việc thay đổi đó đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị lúc bấy giờ - là Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Bình Nguyên. Bởi nếu không chuyển đổi, đồng nghĩa với việc lò gạch đóng cửa, nhiều lao động mất việc làm; còn chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghiệp thì gần như phải làm lại từ đầu, từ việc đầu tư công nghệ, máy móc, đào tạo con người… Là người gắn bó với hợp tác xã hàng chục năm, ông Trà không muốn lò gạch đóng cửa. Bằng tình yêu nghề, thời điểm đó ông đã quyết định đánh một “canh bạc” lớn: đi vay tiền để đầu tư, xây dựng Xí nghiệp Gạch tuynel Bình Nguyên. “Số tiền để xây dựng mới xí nghiệp, đầu tư công nghệ, mua nguyên vật liệu… lúc đó hết khoảng 13 tỷ đồng. Nhưng trong tay tôi chỉ có chừng 5 tỷ đồng, số còn lại phải đi vay mượn ngân hàng, bạn bè và kêu gọi người thân trong gia đình góp vốn. Số tiền vay mượn quá lớn khiến nhiều người ngăn cản; đó là thời điểm khó khăn nhất với tôi” - ông Trà tâm sự.
Những năm đầu thành lập xí nghiệp với công nghệ sản xuất gạch mới cũng là thử thách lớn với cá nhân ông Trà. Nhưng với sự chịu khó, lăn lộn để học hỏi nên dần dần ông làm chủ được công nghệ. Xí nghiệp từ đó phát triển với doanh thu và lợi nhuận tăng theo từng năm. Năm 2017, xí nghiệp đã đóng góp cho ngân sách địa phương 2,5 tỷ đồng, đóng bảo hiểm xã hội, tạo thu nhập trung bình 4 triệu đồng/lao động/tháng.
Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Trà nói: “Không ai tài giỏi cả. Con đường đi đến thành công phải xây bằng ý chí, quyết tâm và lòng yêu nghề. Một phần thành quả hôm nay tôi có được, tôi luôn xem đó là “bàn tay đen làm nên chiếc bánh trắng”. Nghĩa là thành công không tự nhiên mà có, bản thân phải luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ. Dù nay tuổi đã cao tôi vẫn luôn dặn mình phải tiếp tục cố gắng, tiếp tục nỗ lực”.
Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, xí nghiệp gạch của ông Trà luôn hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước, tích cực tham gia ủng hộ các quỹ vận động tại địa phương như Quỹ vì người nghèo (đã ủng hộ hơn 200 triệu đồng), Quỹ chăm sóc người cao tuổi, Quỹ nhân đạo - từ thiện, khuyến học… với số tiền hàng chục triệu đồng mỗi năm.
VINH ANH