Ông nói với tôi, tên thật của mình là Trần Chờ chứ không phải là Trần Phước Hiệp như bây giờ. Ngày ấy, để dễ dàng hoạt động hợp pháp trong lòng địch, ông và nhiều đồng đội “nhí” trong Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi được các đồng chí lãnh đạo đặt bí danh.
Mỗi người đều có một cái tên do cha mẹ đặt ra như là sự định danh cho bản thân mình. Nhưng với ông, việc sử dụng bí danh Trần Phước Hiệp trong quan hệ hành chính cho đến bây giờ còn mang một ý nghĩa sâu xa là để luôn nhắc nhớ về tấm gương hy sinh anh dũng của những người đồng đội thuở chăn trâu, cắt cỏ.
Qua “tra tấn” mới được làm du kích
Theo ký ức của ông Trần Phước Hiệp (61 tuổi, làng Thanh Tú, Điện Thắng Nam, Điện Bàn), cuối năm 1969, tại xóm 20, thôn Phong Lục (xã Điện Thắng cũ), Xã đoàn Điện Thắng tổ chức lễ phát động phong trào “Sống noi gương tinh thần Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi”. Lễ phát động đã thu hút khoảng 50 đoàn viên thanh niên và 20 thiếu niên ưu tú tham gia. Để thỏa nguyện vọng của đoàn viên, thanh thiếu niên lúc bấy giờ, xã đoàn tổ chức bốc thăm để chọn người chuẩn bị cho việc thành lập Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi. Khi ấy ông Hiệp mới 15 tuổi, bốc trúng thăm đỏ nên được chọn. Lá thăm màu đỏ biểu tượng của màu máu, là giác ngộ ý thức: để đánh đuổi được kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương thì máu sẽ còn phải đổ xuống. Những người được chọn rất đỗi tự hào, vinh dự. Khi ấy ai cũng nhận thức sâu sắc rằng được đứng vào hàng ngũ du kích quyết tử là đã chấp nhận hy sinh, chấp nhận cái chết để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Nhưng đó mới chỉ là vòng sơ tuyển, để chính thức được chọn vào Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi, các thanh niên còn phải trải qua thử thách bằng hình thức chịu đựng những ngón đòn “tra tấn” của các anh trong tổ chức cách mạng địa phương. “Khi ấy, chúng tôi đặt mình vào trường hợp bị địch bắt, bị tra tấn để khai thác thông tin. Địch đánh đập, tra tấn như thế nào thì các anh thực hiện với chúng tôi như vậy. Ai vượt qua được thử thách này sẽ được chọn chính thức. Đầu năm 1970, tại nhà ông Đỗ Buôn - một cơ sở cách mạng (thôn Đông) Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi được thành lập gồm có 16 người, có tuổi đời 14 - 16, do anh Lê Tự Nhất Thống làm đội trưởng” - ông Hiệp nói.
Ông Trần Phước Hiệp và bà Nguyễn Thị Tân kể lại những câu chuyện quả cảm của Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: NG.ĐOAN |
Nhắc nhớ về Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi ngày ấy, bà Nguyễn Thị Tân - nguyên Bí thư Xã đoàn Điện Thắng cho biết: “Trong vai những đứa trẻ chăn trâu, chăn vịt, bắt ốc, hái rau các chiến sĩ nhỏ tuổi của Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi làm nhiệm vụ thu thập tin tức, nắm bắt tình hình địch để báo cáo với tổ chức. Đồng thời tham gia tháo gỡ các loại mìn, tổ chức nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần khiến bọn tay sai, ác ôn kinh hoàng, khiếp vía. Tinh thần gan dạ, quả cảm và chiến công của đội được tổ chức đánh giá rất cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của phong trào cách mạng địa phương lúc bấy giờ”.
Ký ức không quên
Sau ngày đất nước thống nhất, Đội du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi đã tự giải tán. Toàn đội chỉ có 3 người còn sống. Bản thân ông Trần Phước Hiệp bị thương cụt chân trái cùng vết đạn hãm sâu trên ngực. Ông Hiệp chia sẻ, đã 40 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của mình chưa bao giờ quên những đồng đội cũ. Tên của từng người trong Đội du kích quyết tử luôn gắn với những trận đánh táo bạo, đầy sáng tạo và hiệu quả. Ông nhớ, có lần khi đang chăn trâu ngoài đồng thì Đội trưởng Lê Tự Nhất Thống đến bàn việc bắn tên lính ở đồn Trảng Nhật nhằm gây nhiễu loạn tình hình địch. Đây cũng là tên lính hay vác súng thị uy, nhũng nhiễu nhân dân. Bàn xong kế hoạch, hai ông cưỡi trâu lại gần đồn, lấy khẩu súng AR15 đã giấu sẵn, Đội trưởng Lê Tự Nhất Thống kê súng trên vai để ông Hiệp nhắm bắn, tên lính gục tại chỗ. Nghe súng nổ con trâu giật mình nhảy về phía vườn rậm, kéo theo cây súng AR15 cột ở đuôi. Trâu đến chỗ khuất, Đội trưởng Lê Tự Nhất Thống nhảy xuống ôm súng thoát đi.
Sau nhiều lần gài mìn tại khu Nhà Hoang (thôn Phong Lục) không tiêu hao được sinh lực địch, đồng đội Lê Quyến đổi cách đánh mới. Điều nghiên xong địa hình, Quyến bàn với Hiệp không cài đặt mìn M26 như lâu nay bởi địch quá quen rồi. Giờ gỡ 3 trái mìn 3 càng của địch để đặt đánh địch. Bàn xong là bắt tay vào thực hiện. Sáng sớm hôm sau, địch đi tuần về ngang qua vướng mìn làm 31 tên thương vong, mấy tên sống sót chạy mất biệt. Từ đó, ban ngày chúng đi lùng sục khắp vùng Điện Thắng nhưng ban đêm về trú ngụ các đồn sát Đà Nẵng, không còn ngang tàng, hống hách như mọi khi.
Lúc bấy giờ, ở địa phương có tên Lượng an ninh là ác ôn khét tiếng, gây bao oán thán cho người dân. Nắm bắt được tình hình, Quyến nói “giờ tau bắn thằng ni”. Nói là làm. Giữa trưa, khi tên Lượng đến nhà người thân chơi, Quyến chặn đường, rút khẩu súng K54 bắn gục tên này. Nhưng sau đó tên Lượng được cứu chữa, không chết. Bị lộ hình tích nên Quyến được tổ chức đưa đi thoát ly.
Khi được hỏi về thương tích của mình, ông Hiệp kể, giữa năm 1970, khi vừa gỡ xong trái mìn của địch gài vác lên vai thì mấy tên lính ập tới, một tên nổ súng bắn trượt qua ngực. Ông bị thương được bọn địch gọi máy bay trực thăng chở ra ngoài Hòa Cầm. “Ra đó, thấy tôi còn nhỏ nên các bác sĩ cho chuyển xuống Đà Nẵng. Băng bó xong xuôi, để ý thấy không có ai theo dõi, giám sát, tôi đổi bộ quần áo của một bệnh nhân, giả làm thân nhân người bệnh ra ngoài tạp hóa mua đồ dùng rồi lẻn về, tiếp tục hoạt động. Vào cuối năm 1970, khi đang gỡ mìn của địch, không may mìn phát nổ khiến tôi bị cụt chân trái. Tôi được đưa về tuyến trên để chạy chữa. Vết thương lành, làm quen với việc đi đứng bằng chiếc chân giả là tôi trở lại bám trụ hoạt động cho đến ngày đất nước thống nhất” - ông Hiệp nói.
HÀN GIANG