Trên chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của tỉnh từ sau ngày tái lập có sự đóng góp không nhỏ của tuổi trẻ với những công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa, vì cộng đồng.
Tuổi trẻ Quảng Nam với mô hình “Thắp sáng đường quê”. Ảnh: VINH ANH |
1. Trong ký ức của mình, ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh vẫn nhớ rất rõ kỷ niệm những ngày đầu từ Đà Nẵng vào Quảng Nam nhận nhiệm vụ mới. Lúc đó ông được phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh đoàn. Ngày 1.1.1997, đoàn cán bộ của Tỉnh đoàn Quảng Nam mới di chuyển vào Tam Kỳ nhận nhiệm vụ mới. Tuy nhiên trước đó, ông Thẩm và nhiều anh em khác đã vào Tam Kỳ để tham gia những công việc chuẩn bị cho buổi lễ tái lập tỉnh. “Anh em chúng tôi được phân công vào Tam Kỳ trước. Ngày đó rất gian khổ, vì mới vào cái gì cũng thiếu, từng cái ghế, cái bàn phải mang từ Đà Nẵng vào nhưng chẳng ai kêu ca một câu nào. Tinh thần ai cũng phấn khởi, vui vẻ với nhiệm vụ mới” - ông Thẩm cho biết.
Ông Thẩm kể, sau ngày tái lập tỉnh, anh em cơ quan Tỉnh đoàn bắt tay ngay vào việc chỉ đạo, điều hành và tổ chức các mặt công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn tỉnh. Lúc đó, điều kiện hết sức khó khăn, cơ quan làm việc phải thuê tạm của người dân. Hơn 10 cán bộ Tỉnh đoàn lúc đó ở chung một nhà tập thể. Tuy nhiên, tất cả đều thể hiện tinh thần vượt khó, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tuy gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu tái lập tỉnh nhưng kết quả hoạt động đoàn và phong trào thanh niên toàn tỉnh trong năm 1997 khá nổi bật. Năm 1997 đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh đã tham gia làm mới 10km đường liên xã với tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng; đóng góp hơn 50.000 ngày công đào đắp, sửa chữa hơn 250km đường giao thông, kênh mương. Toàn tỉnh mở 47 lớp giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật với 583 lượt đối tượng học tập; trao tặng 315 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; thăm hỏi khám bệnh, cấp thuốc cho 2.000 lượt người thuộc gia đình có công với cách mạng ở vùng sâu, vùng xa; tặng hơn 400 suất quà trị giá hơn 70 triệu đồng; quy tập vào nghĩa trang 142 mộ liệt sĩ; nhận phụng dưỡng thường xuyên 35 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
2. Nhắc đến tinh thần xung kích, tình nguyện trong những năm đầu tái lập tỉnh, không thể không kể đến câu chuyện tuổi trẻ chung tay khắc phục hậu quả bão, lụt. Những năm 1998 - 1999, Quảng Nam liên tiếp hứng chịu thiên tai do mưa lũ gây ra, nhất là 2 đợt lũ lụt lịch sử vào tháng 11 và tháng 12.1999. Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ Quảng Nam đã tham gia đắc lực vào công tác phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt. Thời điểm đó, toàn tỉnh đã xây dựng và củng cố 198 đội công tác xã hội, thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện với hơn 2.500 đoàn viên, thanh niên tham gia. Qua hai đợt lũ lụt lớn, đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh đã góp phần bảo vệ được hàng trăm ngôi nhà có nguy cơ bị nước cuốn trôi, di chuyển hàng nghìn người dân, hàng trăm tấn lương thực, nhiều gia súc gia cầm đến nơi an toàn. Trong cơn lũ, nhiều đoàn viên, thanh thiếu niên đã dũng cảm cứu được hàng chục người bị nước lũ cuốn trôi. Cùng với các hoạt động xung kích giúp đỡ người dân, tuổi trẻ toàn tỉnh còn tham gia công tác cứu trợ trong và sau lũ. Ông Vũ Văn Thẩm cho hay, thời điểm mưa lũ xảy ra, các nhà hảo tâm và các cơ quan báo chí đã liên hệ với Tỉnh đoàn để triển khai các hoạt động giúp đỡ người dân bị thiệt hại. Những chuyến hàng cứu trợ cứ liên tiếp được gửi đến, anh em phải “căng” mình làm việc, không có ngày nghỉ, không có thời gian về thăm gia đình. “Có lúc, anh em chúng tôi phải dùng tay không để bốc dỡ hàng nghìn tấm tôn từ xe tải xuống, để chuyển đến cho người dân lợp lại mái nhà. Chuyện “đứt tay, chảy máu” là bình thường, nhưng chẳng ai than vãn gì. Theo tôi, đó là thời điểm màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ để lại dấu ấn đậm nét trong lòng nhân dân” - ông Thẩm nói.
Đoàn viên thanh niên mang hàng ra Cù Lao Chàm trong một chuyến tình nguyện. Ảnh: VINH ANH |
3. Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, tuổi trẻ Quảng Nam đã trải qua 4 kỳ đại hội, từ đại hội lần thứ XIV đến đại hội lần thứ XVII, và đang hướng tới kỳ đại hội lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2017-2022) dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Mỗi chặng đường đã qua đều để lại những dấu ấn quan trọng, thể hiện sự đồng hành của tuổi trẻ với quá trình phát triển của quê hương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng của tuổi trẻ là việc làm xuyên suốt trong hành trình 20 năm qua. Khó có thể thống kê hết từng phong trào, từng công trình, phần việc của tuổi trẻ trong 20 năm qua. Trong đó, có những mô hình, phong trào đã để lại dấu ấn đậm nét và mang lại những kết quả thiết thực cho xã hội. Mô hình “Thắp sáng đường quê” là một ví dụ. Nhắc đến mô hình này, anh Nguyễn Văn Hợi - Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp không khỏi tự hào khi đó là sản phẩm mang thương hiệu và dấu ấn của tuổi trẻ khối doanh nghiệp. Năm 2011, Đội trí thức trẻ thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh gồm 30 thành viên là các kỹ sư, công nhân kỹ thuật điện lành nghề tiến hành thực hiện mô hình “Thắp sáng đường quê” đầu tiên tại thôn Đàn Trung (xã Tam Dân, Phú Ninh), khởi đầu cho một phong trào lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, tuổi trẻ khối doanh nghiệp đã thực hiện tổng cộng gần 20km đường “Thắp sáng đường quê”. Nhờ đó, những đoạn đường tối tăm, heo hút tiềm ẩn nguyên cơ tai nạn giao thông và an ninh trật tự ở các vùng quê đã hoàn toàn “lột xác” nhờ ánh điện chiếu sáng. Từ kết quả của tuổi trẻ Đoàn khối Doanh nghiệp, những năm gần đây mô hình này đã được các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh nhân rộng, xem đó là việc làm thiết thực, ý nghĩa của tuổi trẻ trong phong trào xung kích, tình nguyện xây dựng nông thôn mới.
4. Dấu ấn trong hoạt động xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ không chỉ gói gọn trong địa bàn tỉnh mà còn vươn xa đến với nước bạn Lào. Những chuyến tình nguyện hàng năm do Tỉnh đoàn tổ chức đều đặn đến với người dân các địa phương ở dọc biên giới của tỉnh Sê Kông (Lào). Đó là những chuyến tình nguyện không biên giới, trở thành điểm sáng ghi dấu những chiến công của tuổi trẻ trên hành trình xung kích, tình nguyện. Mỗi chuyến đi đều gắn với từng phần việc ý nghĩa giúp đỡ người dân Lào như: khám bệnh, phát thuốc, sửa chữa nhà, trao quà, giao lưu văn nghệ, thể thao… Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Hợi không thể quên ký ức lần vượt sông Sê Ka Mán để qua huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông). Đó là vào mùa mưa năm 2011, trên hành trình đến với huyện Đắc Chưng, đoàn công tác của Tỉnh đoàn đã gặp phải một trở ngại lớn khi bị dòng sông Sê Ka Mán chặn lại. “Nước sông chảy xiết, phương tiện qua sông duy nhất là mảng bè làm bằng gỗ. Lúc này ở lại không được vì lịch trình đã định sẵn nên đoàn đã quyết định vượt sông. Trên chiếc bè gỗ, từng nhóm lần lượt qua sông dưới sự giúp đỡ của một anh bạn người Lào. Nước sông đục ngầu, chảy xiết khiến chiếc bè gỗ đung đưa, chao đảo làm cho một vài người bị rớt xuống sông phải tự bơi vào bờ” - anh Hợi kể lại. Ra về, nhưng trong ký ức mỗi thành viên đoàn tình nguyện không thể quên tình cảm, sự hiếu khách của người dân nước bạn Lào. Đến nay, không chỉ có những chuyến tình nguyện hàng năm do Tỉnh đoàn tổ chức mà các cấp bộ đoàn dọc tuyến biên giới giữa Quảng Nam với Sê Kông cũng thường xuyên có các hoạt động kết nghĩa, giúp đỡ nhau hết sức ý nghĩa. Những hoạt động này không chỉ giúp đỡ người dân nước bạn, mà quan trọng hơn, đã góp một phần công sức vào việc xây dựng, giữ gìn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.
ANH ĐÔNG