Một chiếc giày thể thao được tạo ra, có dấu ấn của hơn trăm đôi tay. Một cái kệ chứa hàng, một chiếc xe đẩy trẻ em… cũng cần số lượng thợ tương tự như vậy trong dây chuyền sản xuất. Trong các công xưởng, nhà máy, hầu hết lao động là những người ở độ tuổi 22 - 29. Và những người trẻ này, đang ngày đêm tạo dựng đời sống của mình… ở nhà máy.
Lao động độ tuổi từ 22 đến 29 tuổi chiếm số lượng lớn trong lực lượng lao động toàn tỉnh. |
BƯỚC VÀO CÔNG XƯỞNG
Những người trẻ, đủ mọi quê quán, học vấn, có cả cử nhân, người học cao đẳng, trung cấp, hay thậm chí chỉ vừa tốt nghiệp trung học phổ thông đã chọn bước vào nhà máy.
Lựa chọn…
Tăng Cường (sinh năm 1995, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) sau khi tốt nghiệp THPT không chọn thi vào đại học mà nộp hồ sơ để học nghề hàn. Học xong, chàng trai trẻ nộp hồ sơ tuyển dụng vào Công ty CP Ô tô Trường Hải. Sau một thời gian gắn bó, Tăng Cường về quê và cũng rất dễ dàng, anh được nhận vào Công ty Makitech Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam – Điện Ngọc, và gắn bó đến nay hơn 2 năm. Anh nói: “Khi về xin việc, tôi chọn tới chọn lui mới chọn được đúng công ty, làm việc đúng tay nghề. Vào đây, kỹ năng tay nghề của tôi có điều kiện được nâng cao hơn, do vừa thao tác bằng tay với kỹ thuật cao vừa kết hợp sử dụng công nghệ cao là các robot hàn tự động. Công việc gần nhà, nên tôi đi làm hàng ngày, không phải ở trọ” - Cường nói. Và hẳn, nhìn nụ cười của chàng công nhân trẻ Tăng Cường, đủ thấy được sự hài lòng với hiện tại của anh. Cường kể thêm, nhiều bạn bè anh nay mới tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn chật vật để kiếm việc làm, có người còn ở mức lương thua xa so với anh. “Nên tôi thấy lựa chọn của mình là đúng, dù ngày xưa lựa chọn đi học nghề ngắn hạn để đi làm thay vì đi học đại học được xem là một quyết định không mấy sáng suốt” - Cường nói.
Chị Phạm Thị Thắm được bố trí việc làm thích hợp sau nhiều cố gắng rèn luyện nâng bậc tay nghề. |
Những người trẻ chọn vào nhà máy thay vì đến giảng đường đại học như Cường ngày càng nhiều. Thống kê từ các trường nghề Quảng Nam, hàng năm, con số học viên trẻ ngày càng tăng. Sở dĩ lựa chọn học nghề và vào nhà máy làm việc, theo nhiều bạn trẻ, họ được đảm bảo việc làm ngay khi ra trường, thông qua các liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Người trẻ nhanh nhẹn, thích ứng nhanh với công việc, đáp ứng được nhu cầu của các công ty sản xuất, nên phần lớn lao động trẻ được các nhà tuyển dụng ưu ái hơn. Bà Võ Thị Hạ My - Kế toán trưởng, phụ trách nhân sự của công ty Makitech chia sẻ: “Chúng tôi tuyển dụng cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề cho nhiều vị trí việc làm khác nhau như sơn, hàn, đứng máy... Lao động trẻ vào công ty tiếp cận công việc nhanh, dù các bạn chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng ham học hỏi, qua quá trình vừa làm vừa được đào tạo thêm, tay nghề của lao động sẽ được nâng cao hơn”. Hẳn đó cũng là lý do khi hầu hết yêu cầu tuyển dụng lao động đều ưu tiên chọn người từ độ tuổi 18 - 25.
Và nỗ lực
Nhiều người trẻ đi làm công nhân ngay khi tốt nghiệp cấp THPT, sự nỗ lực của họ trong nhà máy được ghi nhận bằng việc tịnh tiến vị trí việc làm. Phạm Thị Thắm (SN 1995, Điện Nam Trung, Điện Bàn), từ một công nhân may giày da bình thường, bây giờ đảm nhiệm vị trí kiểm hàng của một chuyền may trong Công ty Midori Safety Footwear Việt Nam (KCN Điện Nam - Điện Ngọc). Lúc mới vào, theo chuẩn quy định của công ty, tay nghề của Thắm chỉ ở bậc 0, nghĩa là người hoàn toàn không có tay nghề may giày da đúng chuẩn. Không ngừng học hỏi, sau 2 năm, Thắm đã làm việc ở vị trí kiểm hàng, với trình độ tay nghề bậc 3. “Lúc mới vào công ty Midori, kỷ luật rất nghiêm làm tôi cũng thấy lo lắng. Nhưng rồi, lãnh đạo công ty rất quan tâm đến người lao động nên tôi cố gắng. Qua 3 lần tham gia các cuộc thi nâng bậc tay nghề, tôi đã đạt ở bậc 3 nên được bố trí làm việc ở vị trí kiểm hàng. Cứ mỗi lần tay nghề lên một bậc như thế, ngoài tiền lương tăng theo thì tôi còn được công ty thưởng. Điều này động viên cho lao động rất nhiều, giúp lao động có động lực cố gắng để nâng bậc tay nghề ngày càng tốt hơn” - Thắm tâm sự.
Một số liệu điều tra do Sở LĐ-TB&XH cung cấp, năm 2017, lực lượng lao động toàn tỉnh có 850.997 người, trong đó lao động ở độ tuổi 22 – 29 chiếm đến hơn 739 nghìn người. Trong tổng số lao động của cả tỉnh, thì chỉ có hơn 55% đã qua đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Ở nhóm công nhân kỹ thuật không có bằng, đào tạo dưới 3 tháng chiếm 33,14%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 3 tháng trở lên là 22,68%. Với nhóm lao động có bằng cấp, chứng chỉ thì lao động trình độ từ bằng nghề dài hạn đến cao đẳng chiếm tỷ lệ 14,33%, nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 6,64%. |
Hầu hết người trẻ chọn bước vào công xưởng, đều là những người đầy nỗ lực. Rất nhiều sáng kiến của lao động trẻ được công nhận. Những lợi ích thu về cho doanh nghiệp giúp người trẻ được nhìn nhận xứng đáng về năng lực của mình. Ông Trần Gia Trực - Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Quảng Nam chia sẻ: “Năm 2017, những lao động trẻ của công ty sáng tạo tích cực, có 48 sáng kiến được công nhận trong số 126 giải pháp của người lao động, giá trị làm lợi cho công ty ước tính hơn 3,7 tỷ đồng. Họ có nhiệt huyết với công việc, ham học hỏi, tìm tòi những cái mới. Trong quá trình làm việc, khi thấy những bất cập, nguy cơ mất an toàn thì họ tích cực nghiên cứu cho ra đời những giải pháp hữu hiệu, giúp hạn chế rủi ro khi thao tác trên lưới điện, cũng như tăng độ tin cậy đối với khách hàng”.
Chọn con đường bước vào nhà máy, với xuất phát điểm là lao động phổ thông, thợ nghề, những người trẻ đã không dừng lại ở đó. Họ nỗ lực hết mình với chính công việc của mình, để thể hiện được năng lực và những giá trị của bản thân. Trong thời buổi thị trường lao động sẽ có sự sàng lọc kỹ càng hơn trong tuyển dụng, cơ hội có việc làm của lao động trẻ trong tương lai sẽ càng thu hẹp. “Vì thế người trẻ hiện nay có nhiều thời cơ cũng như thách thức. Thời cơ tạo ra cho người trẻ, nhưng họ cần thay đổi thành một người thợ bậc cao, đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi của việc sử dụng công nghệ hiện đại. Lao động trẻ cũng cần rèn luyện những kỹ năng mềm như ngoại ngữ, giao tiếp, công nghệ thông tin... để có thể thích ứng với thời cuộc tốt hơn” - ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh nói.
CÔNG NHÂN XUẤT NGOẠI
Dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, thị trường lao động nước ngoài vẫn chứng kiến sự học hỏi, nỗ lực không ngừng của công nhân trẻ xứ Quảng…
Nhóm bạn của Thùy Trâm tổ chức đón Tết Nguyên đán của Việt Nam tại Nhật. |
Lê Văn Hiệp (sinh năm 1994, Vĩnh Điện, Điện Bàn) sang Nhật trong đợt tuyển thực tập sinh của Công ty Heiwa Hygien – chuyên về sản xuất tăm bông, đóng tại TP.Osaka hồi năm 2016. Vừa phải thích nghi với cuộc sống nước bạn, vừa tập luyện phong thái làm việc của người Nhật, Hiệp chia sẻ, thời gian đầu khá áp lực, lo lắng. Tại Việt Nam, Hiệp đã tốt nghiệp cao đẳng ngành đồ họa, trang trí, nhưng vẫn không thể tìm được việc làm như ý. Mất hơn một năm rong ruổi làm thuê cho các xưởng vẽ băng rôn tại TP.Hồ Chí Minh, Hiệp quyết định học thêm tiếng Nhật. Hành trình để trở thành một thực tập sinh tại Nhật khá nghiêm ngặt, qua các vòng khám sức khỏe, kiểm tra trình độ ngoại ngữ lẫn tay nghề. Có bằng N4 – một chứng chỉ tiếng Nhật cơ bản cấp cho người nước ngoài, Hiệp cùng một số bạn người Quảng Nam được chọn để làm việc tại doanh nghiệp này, thông qua một công ty môi giới về xuất khẩu lao động. Tuy hợp đồng làm việc trong vòng 5 năm, nhưng thị thực chỉ được cấp thời hạn 1 năm. Hiệp chia sẻ: “Hằng năm, vào tháng 7 và tháng 12, Chính phủ Nhật đều tổ chức cuộc thi tiếng Nhật dành cho lao động nước ngoài. Cũng như vậy, mỗi năm họ đều có cuộc thi tay nghề cho thực tập sinh, nếu vượt qua được kỳ thi này cũng như lấy được chứng chỉ tiếng Nhật cao hơn ban đầu, thì mới được gia hạn thị thực”. Và để hoàn thành các kỳ thi này, hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng.
Cùng trong công ty của Hiệp có khá nhiều thực tập sinh người Quảng Nam. Đặng Thị Thùy Trâm (SN 1995, Tam Kỳ) cho biết, vào các ngày thứ 5 hằng tuần, công ty của cô đều tổ chức cho các thực tập sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ, phong cách và văn hóa của người Nhật. Chưa kể, ở mỗi vị trí công việc đều có những buổi đào tạo tay nghề hằng tháng. “Khó khăn của thực tập sinh thì nhiều vô kể. Từ chuyện giao tiếp, công việc áp lực hay kể cả trong chuyện nhà cửa, ăn ở” - Trâm chia sẻ. Cô cùng nhóm bạn từ Việt Nam thuê một căn chung cư, các ngày cuối tuần đều dành để rèn luyện thêm tiếng Nhật chuẩn bị cho kỳ thi hằng năm. Thu Giang (quê Đại Lộc), Ngọc Thúy (quê Quế Sơn) đều có chung tâm sự như cô bạn cùng phòng Thùy Trâm. Nguyên tắc làm việc nghiêm túc, tuyệt đối đúng giờ, cũng như hoàn toàn không được lơ là trong giờ làm, Thùy Trâm cho biết, ngay khi ở Việt Nam học tiếng để đi xuất khẩu, thì cũng đồng thời các lao động trẻ như cô được rèn luyện để thích ứng với văn hóa làm việc của người Nhật. Hiện tại, sau 2 năm làm việc tại Osaka, nhóm bạn của Trâm đã hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu của phía công ty. Chưa kể đời sống tinh thần của những thực tập sinh – lực lượng công nhân trẻ Việt Nam tại Nhật khá phong phú. Ngoài việc hằng tuần đều có những buổi giao lưu văn hóa với người địa phương, lao động trẻ tại Nhật còn được các hội đồng hương tổ chức những buổi chia sẻ về văn hóa Nhật Bản lồng ghép cùng các hoạt động thể dục thể thao.
Không chỉ có lao động trẻ phổ thông của Việt Nam tại Nhật nỗ lực và được chào đón, hiện nay các doanh nghiệp lớn tại đất nước này đang tiếp tục săn đón các lao động tay nghề bậc cao.
SAU GIỜ TAN CA
Trái ngược với những sôi động trong giờ làm việc, buổi chiều tan ca, từng tốp công nhân trẻ lặng lẽ trở về phòng trọ. Bữa cơm tối dọn ra sau mấy phút đi chợ chóng vánh…
Một hoạt động thể thao do công đoàn tổ chức dành cho công nhân. |
Trong lực lượng công nhân trẻ của tỉnh, có một số lượng lớn những người đã lập gia đình. Với họ, khoảng thời gian sau giờ tan ca rất quý. Từ những tiếng bi bô con trẻ, mùi thơm nồng từ bữa cơm quây quần… đều là những thứ khiến họ mau chóng phải quay về. Trong khi đó, với những lao động trẻ còn độc thân, họ chọn tăng ca thêm, vừa để tăng thu nhập, vừa để bớt buồn, bớt nhớ nhà khi về phòng trọ. Những sân chơi cho công nhân còn quá khiêm tốn, các công trình, thiết chế văn hóa dành cho họ vẫn còn là những khoảng trống. Chưa kể, câu chuyện ổn định nhà ở cho lực lượng lao động phổ thông vẫn còn khá nhiều vướng mắc, khó khăn. Công nhân ở nhiều nơi vẫn phải gửi trẻ ở các cơ sở tư nhân, bởi ở nhiều khu, cụm công nghiệp, trường mẫu giáo chưa đi vào hoạt động. “Dù công đoàn các cấp đã có nhiều cố gắng chăm lo đời sống người lao động, nhưng hy vọng doanh nghiệp cũng phải vào cuộc để đời sống người lao động, đặc biệt là lao động trẻ sẽ được chăm lo ngày càng tốt hơn” - ông Phan Xuân Quang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói.
Trong dãy nhà trọ vừa mới xây dựng xong tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, những nữ công nhân trẻ sau khi quày quả tại căn chợ xép ngay ngã ba, vội vàng trở về nhà trọ để nấu nướng. Thúy Vinh, cô công nhân tuổi 20 vừa gia nhập vào “đội ngũ” độc thân tại dãy trọ cho biết, công việc hiện tại với những giờ tăng ca cho cô một mức thu nhập đủ sống, nhưng lại thiếu đi thời gian để tiếp cận với những cơ hội, trong đó có cả việc gặp gỡ… bạn trai. “Em cũng muốn đi làm rồi còn phải lấy chồng, nhưng bây giờ chẳng biết cách nào. Nhiều sáng ngủ dậy buồn lắm, chẳng muốn đi làm nhưng có còn cách nào đâu” - Thúy Vinh nói. Vắt kiệt sức trong những công xưởng, trở về nhà, theo tâm sự của nhiều nữ công nhân, họ chỉ muốn ngủ để lại sức ngày mai đi làm.
Nói vậy, nhưng họ vẫn cố xoay xở để có niềm vui trong không gian chật hẹp giữa những dãy nhà trọ. Mỗi tháng sau khi nhận lương, họ trích ra một khoản, hùn vào để liên hoan. Các quán nhậu, quán karaoke với giá rẻ, là nơi để những bạn trẻ này giải tỏa sau những ngày vắt kiệt sức mình ở nhà máy. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp, cùng với việc phát triển sản phẩm và tăng lợi nhuận, đã quan tâm hơn đến đời sống công nhân lao động. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trong những năm qua, họ đã làm được một số phần việc để chăm lo đời sống người lao động, hỗ trợ hơn 300 nhà mái ấm công đoàn, tổ chức thăm hỏi khi công nhân ốm đau, thai sản, gặp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống, tổ chức các diễn đàn lắng nghe ý kiến người lao động hay yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở phối hợp với chủ sử dụng lao động tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, dã ngoại, du lịch cho người lao động… Thế nhưng, vì lực lượng lao động ở các KCN quá đông, nên các thiết chế phục vụ nhu cầu cuộc sống công nhân vẫn chưa thể như mong muốn. Hy vọng với những chính sách quan tâm ngày một nhiều hơn, sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cũng như vui chơi giải trí cho lực lượng lao động trẻ đang ngày mỗi đông hơn.
LAO ĐỘNG TRẺ PHẢI KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Cơ bản đáp ứng yêu cầu Lực lượng công nhân trẻ có khá nhiều đóng góp vào sự phát triển diện mạo các ngành công nghiệp của Quảng Nam. Lao động trẻ của tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đang đầu tư vào nền kinh tế, và đi xuất khẩu lao động cũng được đánh giá cao. Người trẻ thích ứng nhanh, nắm bắt kịp với trình độ công nghệ, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Nhưng sự phát triển nhanh và mạnh của khoa học công nghệ với cuộc cách mạng 4.0, đòi hỏi lao động trẻ phải không ngừng đổi mới mình, bắt kịp với xu thế phát triển, hội nhập, đặc biệt là cạnh tranh với lực lượng lao động trong khu vực và cạnh tranh với cả máy móc. Ông HiroYuki Ishii - Tổng Giám đốc Công ty Midori Safety Footwear Việt Nam: Phải đào tạo sau tuyển dụng Công ty chúng tôi luôn ưu tiên lao động trẻ, có tay nghề, nhưng do lực lượng lao động của tỉnh kỹ năng nghề may giày da còn hạn chế, nên công ty phải tuyển dụng lao động phổ thông vào đào tạo. Khi lao động vào công ty, chúng tôi kiểm tra tay nghề để bố trí công việc. Lúc đầu, có khoảng 10% lao động được tuyển dụng có tay nghề ở bậc 1, rất đông người bậc 0 do chưa biết nghề. Khi làm việc, lao động được huấn luyện tay nghề cả trong và ngoài giờ làm việc nếu có nhu cầu, và lao động học nghề nhưng vẫn được trả lương như làm tăng ca là 150%. Công ty phân làm 6 bậc thợ, tùy theo mỗi bậc thợ sẽ được hưởng mức lương tương ứng. Mỗi khi lao động nâng được một bậc thợ sẽ được thưởng một khoản thu nhập. Các khoản thưởng sẽ giúp lao động phấn đấu rèn luyện, tiến bộ hơn. Ông Nguyễn Phụ - Phó trưởng Ban quản lý KCN Điện Nam – Điện Ngọc: Vẫn gặp khó trong tuyển dụng lao động trẻ Từ sau tết đến nay, các công ty trong KCN cần thêm hơn 2.000 lao động, ưu tiên lao động trẻ, có tay nghề nhưng tuyển dụng khó khăn do khan hiếm lao động. Có công ty cần mở thêm một chuyền, cần 35 - 37 người nhưng không tuyển dụng được. Hiện nay toàn KCN có hơn 23 nghìn lao động, trong đó lao động trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 60%. Khi lao động được tuyển dụng vào doanh nghiệp, nơi nào cũng tự đào tạo lại thời gian ngắn cho phù hợp với công nghệ, dây chuyền máy móc mà họ đang sử dụng. Để thu hút lao động thì từng công ty có chính sách riêng của họ, có thể là chế độ đãi ngộ tốt, kêu gọi người lao động của công ty giới thiệu lao động khác cùng vào làm việc, giới thiệu được người thì được trả một khoản thù lao, nhưng cũng khó tuyển được lao động mới. Việc tuyển lao động trẻ, có tay nghề gặp khó do xu hướng dịch chuyển lao động về các huyện vùng nông thôn. Ở các huyện bây giờ đều có các cụm công nghiệp với nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, nên thu hút lao động tại chỗ. Sắp đến, khi tỉnh ưu tiên đầu tư những khu nhà ở cho lao động thu nhập thấp thì hy vọng lao động sẽ chọn Điện Nam – Điện Ngọc. Bà Cao Thị Thắm – Giám đốc nhân sự Công ty giày Rieker Việt Nam: Vận động lao động nữ nâng cao tay nghề Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động ngày càng trở nên cần thiết, điều đó không chỉ giúp tái tạo sức lao động mà còn nâng cao sự sáng tạo, nhiệt huyết của người lao động. Cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội lớn cho lao động nữ được tiếp cận với công nghệ cao, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, tăng năng suất lao động và thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, lao động nữ cũng phải đối mặt với những thách thức lớn bởi tỷ lệ đã qua đào tạo rất thấp, có nguy cơ mất việc làm. Đây là một vấn đề xã hội rất mong các cấp, các ngành cần quan tâm và có chiến lược cải thiện giúp lao động nữ nắm bắt kịp với những thay đổi công nghệ. Về phía đơn vị, chúng tôi luôn vận động lao động nữ chủ động nâng cao trình độ, tay nghề, học tập, rèn luyện để tự vượt qua chính mình, tự học tập, tự trang bị kiến thức, để đáp ứng yêu cầu phát triển. |
LÊ QUÂN - DIỄM LỆ