Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo

VINH ANH 03/10/2017 09:08

Hôm nay 3.10, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2017-2022 chính thức khai mạc. Nhiệm kỳ qua, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động phong trào đem lại hiệu quả thiết thực.

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên thanh niên. Ảnh: M.L
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên thanh niên. Ảnh: M.L

Việc khó, có thanh niên

Trong khi nhiều cơ sở đoàn đang loay hoay tìm giải pháp tập hợp thanh niên, thì ở một số địa phương miền núi trong tỉnh, sức trẻ đã được phát huy tối đa nhờ những cách làm mới, sáng tạo. Mới đây tại huyện Nam Trà My, đội ngũ cán bộ, công chức trẻ của huyện đã xung phong đảm nhận mô hình “Đoàn xung kích thoát nghèo”. Họ tận dụng ngày nghỉ cuối tuần, tổ chức các đoàn tình nguyện về các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Qua báo chí, mạng xã hội, những hình ảnh đẹp đó được chia sẻ, lan truyền đã nhận được sự ủng hộ, khen ngợi của cộng đồng, xã hội.

Thời gian đến, nhiệm vụ trọng tâm của đoàn là tập trung triển khai các phong trào đồng hành với thanh niên trong học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ năng, khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo môi trường cho ĐVTN cống hiến và phát triển toàn diện. Trong đó tập trung hỗ trợ nhu cầu vốn vay, mở rộng mô hình câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo trẻ, mô hình tổ hợp tác phát triển kinh tế; tăng cường các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; phát triển tổ chức đoàn vững mạnh theo hướng tinh gọn, đổi mới công tác cán bộ…”. (Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh)

Nếu như năm 2014, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Phước Sơn ghi dấu ấn với công trình “cánh đồng thanh niên” tại thôn Nước Kiết (xã Phước Kim), thì hình ảnh tuổi trẻ huyện Tây Giang khai hoang ruộng lúa nước cánh đồng K’tang, hay làm đường lên đỉnh núi K’lang vào năm 2017 cũng tạo ấn tượng đẹp của tuổi trẻ vùng cao. Trong đó, thực hiện lời kêu gọi, vận động của huyện đoàn, cuối tháng 3.2017, bất chấp thời tiết nắng nóng, hàng trăm ĐVTN đến từ 10 xã trên địa bàn huyện Tây Giang đã di chuyển nhiều cây số đường rừng để tập trung về cánh đồng K’tang (xã Dang) giúp người dân khai hoang ruộng lúa nước. Với “cơm đùm gạo nắm” và các dụng cụ thô sơ, lực lượng thanh niên tình nguyện đã cắm trại, ăn ngủ tại chỗ suốt gần một tuần mới hoàn thành khai hoang 4ha ruộng bậc thang lúa nước. Hay mới đây, thực hiện Chiến dịch tình nguyện hè 2017, tuổi trẻ Tây Giang đã có mặt tại xã Tr’Hy để mở đường du lịch lên đỉnh núi K’lang, nơi có thắng cảnh rừng hoa đỗ quyên cổ thụ. Những công trình thanh niên thiết thực, thu hút lực lượng lớn ĐVTN là chuyện không phải địa phương nào cũng làm được. Ở Tây Giang, thành quả này xuất phát từ chính sự chủ động, mạnh dạn của đoàn thanh niên. Anh Clâu Hoài - Bí thư Huyện đoàn Tây Giang cho biết, năm 2013 huyện đoàn tham mưu huyện ủy ban hành Nghị quyết về “Huy động thanh niên tham gia lao động công ích, xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2023” (gọi tắt là Nghị quyết 13), nhằm phát huy sức trẻ trên địa bàn huyện trong việc giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. “Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13, các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều công trình, phần việc thanh niên, huy động hàng nghìn lượt ĐVTN tham gia, làm lợi cho cộng đồng hàng tỷ đồng” - anh Hoài chia sẻ.

Đánh giá cao tinh thần của ĐVTN địa phương, nhất là trong phong trào thanh niên xây dựng quê hương, làng bản, bảo vệ an ninh trật tự, Bí thư Huyện ủy Tây Giang Briu Liếc cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 13 của Huyện ủy nhằm tạo cơ hội cho thanh niên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Đồng thời mong muốn thanh niên phải tự nỗ lực vận động, vươn lên, vì trên vai của người thanh niên không chỉ có chăm lo cho gia đình mà còn có nhiệm vụ xây dựng quê hương.

Đồng hành, hỗ trợ

Nhiệm kỳ qua, hoạt động đoàn từ tỉnh đến cơ sở đều cố gắng bám sát với nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên ở từng khu vực, địa phương cụ thể. Vai trò đồng hành của đoàn với thanh niên thể hiện rõ ở 4 nhiệm vụ cụ thể, gồm: đồng hành trong học tập; nghề nghiệp và việc làm; nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống văn hóa tinh thần; phát triển kỹ năng xã hội. Nhiều hoạt động của đoàn đã gần hơn với thanh niên, đặc biệt là lực lượng thanh niên dân tộc, tôn giáo; thanh niên yếu thế, hoàn lương… Điển hình như Huyện đoàn Duy Xuyên là đơn vị đi đầu trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên tôn giáo. Trong đó điểm nhấn là xây dựng lực lượng cán bộ đoàn cốt cán trong tôn giáo. Huyện đoàn chú trọng lựa chọn những nhân tố thật sự tiêu biểu, có ảnh hưởng tốt tới thanh niên tín đồ tôn giáo tham gia Ban Chấp hành Đoàn, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam các cấp.

Đoàn viên thanh niên huyện Nam Trà My xung kích giúp dân làm ao thả cá. Ảnh: A.Đ 
Đoàn viên thanh niên huyện Nam Trà My xung kích giúp dân làm ao thả cá. Ảnh: A.Đ 

Đồng hành trong lập thân lập nghiệp, trong 5 năm qua các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã phối hợp tư vấn việc làm và định hướng nghề cho hơn 93.600 thanh niên và học sinh sinh viên, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho hơn 16.450 thanh niên. Đặc biệt, tổ chức đoàn các cấp đã tổ chức dạy nghề cho gần 2.500 thanh niên là bộ đội xuất ngũ và thanh niên vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng; mở 9 lớp nghề cho 246 phạm nhân sắp hoàn thành án phạt tù; năm 2016 mở được 6 lớp nghề tin học cho 117 người khuyết tật. Bên cạnh đó, nhiều “sân chơi” nhằm phát huy sức sáng tạo của thanh niên tiếp tục được Tỉnh đoàn và đoàn các cấp triển khai thu hút đông đảo ĐVTN tham gia.

Là người xuất sắc dành giải nhất Hội thi Tin học cấp tỉnh khối xã, phường, thị trấn và giải khuyến khích khối cán bộ, công chức, viên chức trẻ năm 2016, chị Nguyễn Thị Tố Uyên (SN 1988), công tác tại Văn phòng UBND phường An Xuân (TP.Tam Kỳ) cho rằng, đoàn nên duy trì và tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi, hội thi dành cho ĐVTN để kích thích sự sáng tạo, thi đua học tập, trao đổi kinh nghiệm trong giới trẻ. “Tôi thấy các hội thi do Tỉnh đoàn tổ chức khá thú vị, thu hút được lực lượng lớn ĐVTN tham gia. Với những cán bộ, công chức trẻ như chúng tôi, được tham gia các hội thi không chỉ là dịp để đánh giá năng lực bản thân mà còn giúp tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức phục vụ cho công việc, phục vụ người dân” - chị Uyên chia sẻ.

“Câu chuyện đồng hành, hỗ trợ của tổ chức đoàn với ĐVTN sẽ được nhìn nhận cụ thể hơn trong nhiệm kỳ đến”. Đó là khẳng định của Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về định hướng hoạt động đoàn trong nhiệm kỳ 2017-2022. Trong đó, tiếp tục đổi mới và sáng tạo cách tiếp cận, phương thức hoạt động của các cấp bộ đoàn theo hướng chuyển từ hoạt động mang tính phong trào bề nổi sang hoạt động thường xuyên, mang tính chất chuyên sâu, có chọn lọc, có mục tiêu và sản phẩm rõ ràng, vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức đoàn vừa hướng tới thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, đơn vị.

Mỗi cơ sở đoàn giúp một hộ thanh niên thoát nghèo

Trong 5 năm qua, tuổi trẻ toàn tỉnh đã thực hiện hơn 5.000 công trình, phần việc thanh niên; tổ chức vệ sinh môi trường, nạo vét 372km kênh mương, thiêu hủy hơn 2 tấn rác thải, làm 286km giao thông nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 718 nhà nhân ái; khám chữa bệnh cấp phát thuốc cho hơn 33 nghìn lượt người dân; vận động hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn… Trong nhiệm kỳ qua đã bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng 12.143 đoàn viên ưu tú, trong đó 8.500 người được kết nạp Đảng.

Nhiệm kỳ đến, theo dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn tỉnh, phấn đấu hằng năm có 100% số cơ sở đoàn có công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; mỗi cơ sở đoàn đăng ký, giúp đỡ cho ít nhất một hộ ĐVTN thoát nghèo bền vững; định hướng, tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho 75 nghìn ĐVTN, giới thiệu cho 10 nghìn ĐVTN có việc làm; thành lập mới 10 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác thanh niên, thành lập câu lạc bộ tài năng trẻ cấp tỉnh… (A.ĐÔNG)

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO