Tượng binh là một trong 4 binh chủng quan trọng trong lực lượng vũ trang của Dinh Chiêm gồm Thủy binh, Bộ binh, Tượng binh và Kỵ binh.
Tượng binh ở cung thành Huế xưa. Ảnh: Internet |
Loài vật mạnh mẽ
Tượng binh có một tầm quan trọng ở cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Nhưng Đàng Trong có lợi thế là có thể kiếm được nhiều voi ngay tại chỗ vì vùng nào cũng có voi. Thời bấy giờ, rừng núi Đàng Trong có rất nhiều voi, nhất là ở “các xứ Hòn Lãnh, Thu Bồn, Phường Tây thuộc hai phủ Thăng, Điện sản voi như trâu ngựa, nhà dân đều có chăn nuôi, Quy Nhơn, Quảng Ngãi cũng có” (Lê Quý Đôn toàn tập, T1, Phủ biên tạp lục, nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1977, tr.337). Một báo cáo của người Hà Lan nói vào năm 1642, Đàng Trong có đến 600 voi.
Theo Cristophoro Borri, rừng xứ Đàng Trong có rất nhiều voi, nhưng người ta không sử dụng được vì chưa biết cách bắt và luyện chúng vì thế phải đưa những con voi đã thuần phục và dạy dỗ từ nước láng giềng Campuchia về.
Voi ở Đàng Trong lớn gấp hai voi ở Ấn Độ, da màu tro, cứng và ráp, chân và vết chân nó để lại đường kính khoảng nửa mét, vòi của nó dài so với chiều cao của thân mình nên không cần nghiêng hay cúi, nó vẫn lượm đồ vật để dưới đất rất dễ dàng. Ngà voi đực dài tới 4,7m, ngà của voi cái thì ngắn hơn. Voi sống lâu, khoảng hơn 100 tuổi và rất khỏe, nó có thể dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, chuyển một khẩu súng lớn hay một mình kéo tới mươi chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia đưa xuống biển một cách khéo léo. Nó cũng có thể nhổ những cây to lớn một cách dễ dàng, lật đổ nhà cửa hoặc triệt hạ từng dãy phố khi được lệnh phá hoại quân địch hoặc cứu hỏa. Voi có thể chở tới mười ba hay mười bốn người. Người ta đặt trên lưng voi một bành lớn như cỗ kiệu và buộc bằng chảo sắt luồn dưới bụng voi. Bành có cửa mở hai bên, người ngồi trong bành làm hai hàng, người quản tượng ngồi trên đầu voi để điều khiển và chỉ huy.
Voi rất dễ bảo, mặc dầu quản tượng dùng một dụng cụ bằng sắt dài chừng bốn gang tay đầu có móc để đánh và đâm cho voi tỉnh và chú ý đến lệnh truyền, nhưng thường thường họ điều khiển và chỉ huy bằng lời nói đến nỗi khiến ta tưởng như là voi hiểu biết ngôn ngữ. Quản tượng trò chuyện với voi, dặn dò về hành trình và đường đi lối bước, qua nơi nào, dừng lại và nghỉ ở đâu, kể chi tiết tất cả việc nó phải làm trong ngày và voi làm nhiệm vụ của mình một cách chính xác bất chấp những trở ngại trên đường đi vì gặp sông lớn, rừng già hay núi cao. Nếu phải qua sông thì nó bước sang chỗ cạn hoặc lội chỗ nước lớn, nếu qua rừng thì nó đè bẹp những cành cây cản đường, lấy vòi nhổ cây dọn thành con đường rộng. Tất cả những việc này voi làm theo lệnh của quản tượng một cách dễ dàng, nhanh chóng. Voi chỉ vâng theo lời quản tượng hay chủ nó mà thôi, nó không để cho người nào lạ leo lên cưỡi, nếu thấy nó sẽ quăng bành xuống đất và dùng vòi sát hại người lạ. Vì thế khi có người leo lên thì quản tượng lấy cái tai to và xấu xí của nó che mắt nó lại. Khi voi không chịu nghe và làm theo lệnh của quản tượng thì quản tượng đứng trên đầu nó đánh và trị tội rất nặng.
Binh chủng chủ lực
Thời bình người ta dùng voi để chuyên chở nhưng khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui bành đi để làm thành một thứ chòi chở lính giao chiến với vũ khí chủ yếu là nỏ, súng và có khi với đại bác. Khi giáp lá cà, voi dùng vòi quấn thân giặc, đưa lên cao rồi đập xuống đất làm quân giặc rất khiếp sợ.
Thời xưa người ta dùng voi rất có ích trong chiến tranh và đạo binh nào ra trận với voi thì thật đáng sợ. Thiền sư Thích Đại Sán đã ghi lại một cuộc thao diễn Tượng binh của Đàng Trong: “Lúc dàn trận, voi sắp từng hàng 10 con, đứng ở phía tây, mỗi con trên lưng đặt một cỗ yên bằng gỗ sơn đỏ, hình như cái hộc. Trong hộc, có 3 người đứng, đầu đội hồng kim khôi, mình mặc áo nhung lục, tay cầm kim câu trường thương, một tên nài cầm câu liêm ngồi trên vai voi. Phía đông, 500 quân cầm đao thương và đuốc châm lửa, quay mặt về phía voi đứng. Đằng sau đài, đặt những bù nhìn bện rơm như hình quân lính. Cờ lệnh trên đài phất lên. Ba quân múa đao thương, nhắm hàng voi xông tới. Hỏa khí đốt lên, khói bay mù mịt, voi vẫn đứng yên. Bỗng chốc, trống đánh liên hồi, các quân phấn dõng xông vào voi, bọn nài bổ câu liêm vào đầu, võ sĩ đâm vào đùi. Bầy voi chạy thẳng đến rượt đuổi. Quân lính lui tránh, mỗi con voi lấy vòi quấn một bù nhìn bằng rơm đem về. Thớt voi nào chạy hơi chậm, liền bị thương đâm, búa bổ, chảy máu, đứt da, đến nỗi có con quá mệt, phục quỳ không thể dậy nổi. Tan trận lấy đó phân ra hơn thua… Thường thường có 50 lính coi việc diễn tập. Mấy năm gần đây, những trận đánh với Đông Kinh (Hà Nội), Chiêm Thành, quân ta thắng trận, phần lớn nhờ sức voi” (Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán, Nguyễn Duy Bột dịch, Nxb Viện Đại học Huế, quyển 3, tr.26).
Dinh trấn Thanh Chiêm có các chuồng nuôi voi chiến gọi là Tàu tượng và ở xã Hòa Phong (nay thuộc huyện Hòa Vang), có một hồ rộng gọi là đầm Voi là nơi cho voi tắm. Tượng binh của Dinh trấn Thanh Chiêm có nhiều thớt voi chiến chia thành 3 cơ là Trung tượng, Tả tượng và Hữu tượng dưới quyền chỉ huy của quan Trấn thủ, đó là loại binh chủng chủ lực, có sức đột kích mạnh nhất trong Lục quân của xứ Đàng Trong, tượng binh đã từng chứng tỏ uy lực vượt trội của nó trong các trận đánh với Đàng Ngoài.
Năm Mậu Tý (1648), theo yêu cầu của Tống Thị (Toại), quân Trịnh dưới quyền thống lĩnh của đô đốc Trịnh Đào kéo vào xâm lấn Đàng Trong, đóng quân ở cửa Nhật Lệ. Thế tử Dũng Lễ Hầu Nguyễn Phúc Tần, lúc bấy giờ đang trấn thủ Quảng Nam dinh, đem binh ra Quảng Bình phối hợp với đại quân của các dinh để ứng chiến, chúa Thượng cử Thế tử làm Đại tướng thống suất đại binh đánh địch.
Thế tử bảo với các tướng rằng: “Quân Trịnh tuy nhiều nhưng ít người đánh giỏi, quân đi không có hàng ngũ, đóng đồn không chọn địa thế. Nếu quân ta nhân đêm, đem voi xông đánh, chúng tất sợ bỏ chạy. Rồi sau đại binh đến đánh thì một trận có thể bắt được”. Rồi sai Triều Phương đem thủy quân phục ở bên tả sông Cẩm La, sai chưởng cơ Nguyễn Hữu Tiến đem hơn 100 thớt voi ban đêm xông thẳng vào dinh địch đánh úp, còn mình đốc thúc các đạo quân theo sau. Bị tấn công bất ngờ, quân Trịnh sợ hãi chạy tán loạn, Trịnh Đào đang đóng đồn ở Nam Bố Chính nghe tin cũng bỏ quân mà chạy, Thế tử đem đại binh đuổi theo đến sông Gianh mới trở về.
Đàng Trong thắng lớn, bắt sống được các tướng Trịnh là Gia, Lý, Mỹ (không rõ họ) và 3 vạn tàn quân. Đây là chiến thắng lớn nhất từ khi quân Trịnh khai chiến với Đàng Trong.
Tiếc thay tượng binh của Dinh Chiêm một thời oanh liệt nay chỉ còn vang bóng trong ký ức của một số ít người dân xứ Quảng mà thôi.
CHÂU YẾN LOAN