Có thể gói gọn trong thành ngữ “Khó ló khôn”, khi thấy xuất hiện những cách tương tác mới trong mùa dịch Covid-19.
Ít ai nghĩ, học sinh ở các vùng nông thôn Việt Nam lại học qua… truyền hình, như bài viết mà Báo Quảng Nam đề cập hôm qua 17.3. Và cũng như rất nhiều nơi khác, chuyện giáo viên “giao bài tập về nhà” không phải theo lối truyền thống (tại lớp), mà là giao – nhận bài qua… email, Zalo, Facebook. Khi trường lớp đóng cửa chưa biết bao giờ mở lại, đại dịch buộc thầy trò “tương tác” qua màn hình tivi hoặc smartphone, đúng là chuyện xưa nay hiếm.
Mấy hôm trước, cũng qua màn hình bé xíu của smartphone, cộng đồng mạng sôi nổi thả “tim” cho bức hình do một nữ phóng viên tình cờ chụp cảnh một phụ nữ bên trong khách sạn (tại quận trung tâm của TP.Đà Nẵng) viết chữ lên trang giấy A4, phía bên ngoài một chiến sĩ công an giơ ngón tay trỏ “đồng ý”. Dòng chữ trên tờ giấy áp sát vách kính có nội dung: “Các anh công an ơi, mua giúp em 1 bát cháo cho 1 em bé với ạ. Em cảm ơn”. Hai nhân vật cùng đeo khẩu trang, cách nhau chỉ khoảng 5 mét, bị ngăn bởi một vách kính. Nhưng không có gì “ngăn” được họ trao đổi thông tin, dù đang trong mùa Covid-19 phức tạp, dù nhóm người bên trong đang phải tự cách ly theo dõi bởi 2 du khách Anh trú ngụ tại đó bị dương tính với vi rút… Đơn giản vì họ biết cách tương trợ.
Với những luồng thông tin tích cực như vậy, cộng đồng mạng đương nhiên không “bỏ qua” và chia sẻ thêm nhiều thông tin “bên ngoài bức ảnh”. Rằng chiến sĩ đứng bên ngoài chính là Trung úy Tán Thanh Tùng (Đội trực bảo vệ), rằng chỉ sau khoảng 20 phút “tương tác” thì bát cháo được chuyển vào cho cháu bé… Thật ấm lòng và thấy tin yêu hơn cuộc sống.
Nhưng cũng theo diễn biến của dịch, đã nảy nòi vài lối tương tác khác không được hoan nghênh. Đó là tâm lý e dè, kỳ thị dành cho du khách nước ngoài. Ở góc độ tâm lý, khi đón nhận hàng loạt thông tin “du khách nước ngoài” bị cách ly do nhiễm dịch, giờ lại thấy có nhóm nào đó tung tăng ngoài phố mà không chịu đeo khẩu trang…, đúng là người dân bản địa nảy sinh tâm lý trách né. Cũng đã xảy ra chuyện một nhóm du khách nước ngoài cùng lúc bị 6 khách sạn ở Ninh Bình từ chối cho lưu trú. Rất may, ở địa bàn Quảng Nam chưa thấy nảy sinh sự vụ tương tự, thậm chí ngược lại khi chính quyền TP.Hội An luôn động viên người dân có cách ứng xử phù hợp.
Với một cộng đồng nhân văn, thân thiện, chuyện né tránh du khách (vì sợ lây nhiễm dịch) là lối tương tác thô thiển. Nếu cảm thấy chưa yên tâm, chủ có thể yêu cầu khách tuân thủ (thí dụ phải đeo khẩu trang, khai báo y tế rõ ràng). Bị ngăn cách nhau bởi màn hình tivi, smartphone, vách kính… mà cộng đồng còn tương tác nhau được, thì giao tế trực tiếp ngoài xã hội tại sao lại nói “không”?