Tụt hậu và cái bẫy

NGUYỄN ĐIỆN NAM 24/02/2019 00:02

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 7%/năm trong vòng 30 năm, thu nhập đầu người tăng gấp 5 lần, tỷ lệ nghèo từ hơn 60%  ở những năm cuối thập niên 1980 giảm còn dưới 7%. Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp từ năm 2008 (GDP bình quân đầu người vào năm đó đạt 1.145 USD). Đó là những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ ra sự tụt hậu và những cái bẫy mà nước ta phải đối mặt, như bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy bãi rác thải công nghệ…

Mức độ tụt hậu cụ thể như thế nào? Như so về mức GDP bình quân đầu người tính theo tỷ giá sức mua tương đương giữa Việt Nam với một số nước từ năm 2005 đến năm 2017 thì thấy mức chênh lệch càng tăng (Malaysia tăng từ 12.860 lên 21.717 USD, Thái Lan tăng từ 6.603 lên 10.836 USD, Indonesia tăng từ 1.263 lên 5.527 USD, trong khi Việt Nam tăng từ 3.103 lên 6.895 USD), tức là Việt Nam đã tụt hậu xa hơn. Do vậy, nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 mới đạt khoảng hơn 13.600 USD - bằng mức Thái Lan năm 2011; đến năm 2045, đạt khoảng 35.000 USD - bằng mức Hàn Quốc năm 2015. Cứ đi sau thiên hạ một quãng 30 năm như thế rõ ràng là tụt hậu ngày càng xa.

Trong những cái bẫy, đáng chú ý là “bẫy thu nhập trung bình” còn khá nhiều tranh luận rằng ta đã “sập” hay đang đối mặt “nguy cơ sập”? Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), “bẫy thu nhập trung bình” là trạng thái một nền kinh tế đã vượt qua mốc thu nhập thấp (dưới 1.025 USD/người) để trở thành nước có thu nhập trung bình (1.025 - 12.475 USD/người), nhưng bị mắc kẹt ở mức thu nhập này, không thể tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao (trên 12.475 USD/người). Sự “mắc kẹt” này có các yếu tố như: không còn lợi thế về giá nhân công rẻ như những nước có thu nhập thấp; không có ưu thế về cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực trình độ cao và kỹ thuật - công nghệ hiện đại như những nước có thu nhập cao. Các chuyên gia cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến bẫy thu nhập trung bình là do: sự thiếu năng động của khu vực kinh tế tư nhân về năng suất, khả năng cạnh tranh và đổi mới sáng tạo; không có khả năng đối phó với các vấn đề phát sinh do tăng trưởng cao như là khoảng cách giàu - nghèo, bong bóng bất động sản và cổ phiếu, suy thoái môi trường, đô thị hóa, tắc nghẽn giao thông, tham nhũng, v.v.; không quản lý đúng cách các cú sốc kinh tế vĩ mô trong thời đại toàn cầu hóa.

Điều đáng lo nữa là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thể hiện ở hiệu quả đầu tư và năng suất lao động vẫn còn thấp so với nhiều nước. Bên cạnh đó một số vấn đề nảy sinh cản trở sự tăng bậc lên mức thu nhập cao hơn. Như cơ cấu “dân số vàng” mới qua được mươi năm, nhưng có dấu hiệu bước vào thời kỳ già hóa tương đối nhanh, làm xuất hiện tình trạng “chưa giàu đã già”. Nhiều yêu cầu về phát triển bao trùm vẫn chưa đạt mục tiêu trong khi chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, áp lực an sinh xã hội ngày càng nặng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, môi trường càng phải đối mặt những vấn đề phức tạp…

Rõ ràng hành trình đưa Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu tự cường và thịnh vượng vẫn đầy thách thức. Làm dậy lên khát vọng phồn vinh của đất nước, dân tộc luôn là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải hóa giải được những cái bẫy giăng ra làm cho ta tụt hậu.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tụt hậu và cái bẫy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO