Ở “cái xứ sở nắng mưa tùy tiện” này, Quảng Nam hay cả miền Trung đã, đang và sẽ còn gánh gồng cực nhọc vì... ông trời. Lưng dựa núi dốc Trường Sơn, mặt ngửa ra biển Đông, cái eo lưng oằn xuống trên bản đồ hình chữ S, thường hứng chịu thiên tai, lúc “nắng như rang, gió như phang”, khi lũ trút như nghiêng thùng đổ nước từ trên cao.
Thời tiết thì tùy tiện, ngày càng tùy tiện bất thường. Biến đổi khí hậu đã hiện hữu, lũ sớm, lũ muộn, nắng mưa bất chợt, cực đoan. Mới có cái cảm giác “thèm lụt” bởi 23 tháng mười (ÂL) theo lệ phải có, vậy mà khô một hồi rồi tự dưng ầm ào trút nước, kéo dài suốt tới nay, làm liên tiếp hai cây lụt trên diện rộng. Sự tùy tiện, bất thường của ông trời đã làm cho mọi dự đoán dựa theo kinh nghiệm dân gian cổ truyền trở thành trật lất cù chìa. Đau hơn, trời hại cây rau, cây màu, gia súc, gia cầm, nhà cửa tan hoang chưa đủ còn cuốn theo mạng người. Đã nghe tới hàng mấy chục người chết, mất tích. Lở núi, lở sông, lở biển, lở đường, cồn cào cả dạ!
Sống làm sao với sự tùy tiện của ông trời? Câu hỏi rơi vào trống không khi chỉ biết ngửa mặt mà rằng “trông trời, trông đất, trông mây; trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm...”. Mà có dời đi đâu được, tránh trời không khỏi nắng mưa. Vậy thì phải cố bám đất này mà tồn tại, mà sinh kế, tùy theo cái sự... tùy tiện của thời tiết mà tính toán lại cách lách tránh, cách hạn chế, cách phòng ngừa. Chuyện “đoán bệnh ông trời” là khó nhưng công tác dự báo khí tượng phải tiếp tục đầu tư công nghệ để nắm bắt và cảnh báo những diễn biến của thời tiết càng sớm càng tốt. Rồi thì đầu tư nhà tránh lũ, dự trữ lương thực, thực phẩm, chuẩn bị phương tiện để “sống chung với lũ”. Đồng thời huấn luyện lực lượng tại chỗ để phòng ngừa, ứng cứu... Đại khái là rất nhiều việc để nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, với sự tùy tiện của nắng mưa.
Điều cần rút kinh nghiệm đau xót là, tại sao trời đã tùy tiện bất thường mà người lại tùy tiện bất cẩn? Người chết ai cũng đáng thương, nhưng cũng phải nói là nhiều tai nạn có thể đã không xảy ra nếu người ta không tùy tiện cẩu thả. Ai dè, lũ đã ngập băng đường lút ắp bánh xe mà chở con dại bươn qua, sao khỏi té ngã, mẹ sống con chết. Rồi trèo cây lúc mưa như trút giật điện, tùy tiện dùng ghe nhỏ chở người không áo phao vào vùng nguy hiểm, lội nước khi không biết bơi, uống rượu tơi bời rồi dầm nước lụt... Những hành động tùy tiện ấy có thể dẫn đến cái chết bất ngờ vì bất cẩn.
Miền Trung và một số địa phương ở Quảng Nam trải qua hai cây lụt này có chuyện cần phải rút kinh nghiệm, dù biết cái dây ấy rất... dài với nhiều vấn đề như đã nói. Như ngoài việc không để xảy ra chết người còn phải tiếp tục quản lý chặt quy trình vận hành thủy điện xả lũ để ít gây ảnh hưởng tới hạ du khi lũ đã lên cao, tính toán lịch trình sản xuất nông nghiệp. Nói về cây trồng, vụ xuống giống rau màu vừa qua là có phần tùy tiện vì “nóng ruột” lo cho mùa rau tết tới. Trong khi khí tượng thủy văn cảnh báo sẽ có áp thấp gây mưa, khả năng có lũ muộn, vậy mà bà con vẫn cố xới lên đồng bãi vừa thiệt hại để lại xuống giống, chừ trất om hết, có hộ mất cả công, cả giống, vật tư, ước thiệt hại hàng chục triệu đồng. Cái này lỗi do thông tin cảnh báo không đến được với người dân, hay do họ cần cù siêng năng quá đỗi mà “làm đại” vậy?
Cái mất đã mất rồi, cái được cũng nhen nhóm lên dưới nắng khi có thêm phù sa cho đồng ruộng biền bãi, diệt bớt chuột bọ sâu rầy. Không thể tùy tiện bất cẩn nữa mà nên ươm trồng những giọt mầm sự sống, bằng hy vọng và cả bằng sự hiểu biết, nắm bắt xử lý thông tin, thực nghiệm cách ứng phó, thích nghi với đất trời.
ĐĂNG QUANG