Sau khi UBND tỉnh có chủ trương phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS năm 2018 là 15%, cao hơn các năm trước nên công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phần thuận lợi hơn; trong đó các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp đều đã tuyển sinh đạt từ 50% trở lên so với chỉ tiêu giao.
Việc tuyển sinh được các trường nghề thực hiện tận các xã, thôn ở miền núi trong tỉnh. Ảnh: D.L |
Tuyển sinh tốt hơn
Kể từ mùa hè vừa rồi, Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam đã lên kế hoạch cụ thể cho việc tuyển sinh năm học 2018 - 2019. Nhà trường phối hợp với các địa phương, các trường học tư vấn tuyển sinh ở cấp THCS và THPT. Ông Huỳnh Công Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhờ chủ trương phân luồng giáo dục cấp THCS cao hơn, giáo viên có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh, nên nhà trường tuyển sinh bậc học trung cấp nghề thuận lợi hơn. Ban đầu có 370 hồ sơ nộp vào, đến khi nhập học đạt 270 học sinh/250 chỉ tiêu giao. Như thế là thuận lợi hơn rất nhiều so với các năm trước. Nhà trường đã tiếp nhận học sinh đến học tập, đầu tháng 10 mới tổ chức lễ khai giảng, mời doanh nghiệp đến tham gia để ký kết hợp tác tiếp nhận lao động sau đào tạo”. Ông Hải cho biết thêm, khi có chủ trương sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhiều giáo viên của nhà trường rất tâm tư về việc dạy và học. Nhưng có sự động viên của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng như lãnh đạo nhà trường, giáo viên yên tâm tiếp tục công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học này.
Ở khu vực phía nam của tỉnh, Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam bằng nhiều cách tuyển sinh tận cơ sở, kết quả mang lại khả quan hơn. Theo ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng nhà trường, chỉ tiêu tuyển sinh tỉnh giao năm này là 200 người học nghề, đến lúc này trường đã thu nhận 178 hồ sơ, thực tế nhập học tại trường là 143 học sinh. Ông Đôi nói: “Năm này có nhiều thuận lợi nên công tác tuyển sinh đạt hơn so với năm ngoái. Học sinh chủ yếu đăng ký học các nghề may thời trang, cơ khí và điện, điện lạnh... Nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh vào học nghề, với cam kết sẽ giới thiệu việc làm cho học sinh ngay sau khi kết thúc khóa học. Nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh và cả Quảng Ngãi về lao động qua đào tạo nghề hiện nay rất lớn nên học sinh hoàn toàn có thể yên tâm về cam kết giải quyết việc làm của nhà trường”.
Khắc phục khó khăn
Chỉ tiêu tuyển sinh năm học này của Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam là 460 học sinh, sinh viên. Ông Võ Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin, so với năm ngoái thì công tác tuyển sinh của nhà trường có khá hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Đến lúc này số học sinh, sinh viên nhập học đợt đầu tiên hơn 200 người, nhưng phải qua tháng 10 mới ổn định số lượng học sinh nhập học, bởi các em vẫn còn lựa chọn khác. Việc rơi rớt học sinh là điều thường xuyên xảy ra tại các trường nghề. Vì vậy hiện Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam vẫn tiếp tục tuyển sinh, đến cuối tháng 10 mới tổ chức lễ khai giảng. Theo ông Tùng, nhà trường cam kết sẽ giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau học nghề đảm bảo thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Công tác tuyển sinh được thực hiện tận các xã, các điểm trường ngay sau khi các em tốt nghiệp năm học 2017 - 2018. Dù khó khăn nhưng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đang cố gắng để việc dạy và học đạt kết quả tốt.
Trong tháng 9.2018, số học sinh nhập học tại Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh được hơn 200. Học sinh đã đến trường nhập học, ăn ở tại trường, nhưng mùa khô trường thiếu nước sinh hoạt nên đã có hơn 50 học sinh bỏ về. Cũng như mọi năm, cán bộ, giáo viên của nhà trường xem như không có kỳ nghỉ hè, bởi phải đi cơ sở tuyển sinh. Địa bàn các huyện miền núi, giáo viên của nhà trường đến tuyển sinh từng cụm xã hoặc từng xã. Việc tuyển sinh không chỉ thực hiện đối với học sinh tại các trường, mà còn phải đến vận động cha mẹ học sinh. Dù học hoàn toàn miễn phí, ăn ở nhà trường lo nhưng công tác tuyển sinh vẫn gặp khó. Đối với khu vực miền núi, để thay đổi nhận thức về vấn đề này không phải ngày một ngày hai và rất cần sự hỗ trợ từ địa phương, từ đó không chỉ hoàn thành nhiệm vụ tuyển sinh mà góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động khu vực này hiệu quả hơn.
LÊ DIỄM