Công tác tuyển sinh lớp 10 hàng năm luôn là vấn đề “nóng” và năm nay có lẽ cũng không ngoại lệ. Tại hội nghị bàn phương hướng tuyển sinh lớp 10 năm học 2013-2014 do Sở GDĐT tổ chức mới đây, nhiều câu hỏi được đặt ra về tính hợp lý, hiệu quả của phương án xét tuyển năm trước.
|
Hướng dẫn học sinh làm thủ tục hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: X.PHÚ |
Xét tuyển theo tuyến
Năm học 2012-2013, lần đầu tiên Sở GDĐT thực hiện phương án xét tuyển theo tuyến đối với tất cả các trường THPT địa phương đồng bằng (thay vì tuyển sinh theo phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển như nhiều năm trước đó). Ưu điểm so với trước đây rất nhiều nhưng tồn tại cũng không ít khi nhiều trường, cả những ngôi trường có truyền thống bậc nhất của tỉnh về chất lượng dạy - học như THPT Sào Nam (Duy Xuyên), Trần Cao Vân (Tam Kỳ) lại thiếu chỉ tiêu do việc phân luồng chưa hợp lý. Nhiều giáo viên THCS và phụ huynh còn than phiền vì bỏ thi chuyển qua xét tuyển theo tuyến không có sự cạnh tranh làm cho học sinh (HS) lười học thấy rõ vì tâm lý “thế nào thì mình cũng trúng tuyển”. Do đó, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, Sở GDĐT đã sớm có bước chuẩn bị bằng việc mở hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp từ lãnh đạo các trường THPT, phòng GDĐT để đưa ra phương án tuyển sinh hợp lý hơn.
Theo ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GDĐT, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014 dự kiến vẫn sẽ xét tuyển kết hợp với phân vùng tuyển sinh theo tuyến như năm trước. Điểm khác biệt đáng chú ý là sau khi có kết quả thi tuyển vào 2 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Bắc Quảng Nam mới xác định chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT; và lúc đó, sẽ chỉ tuyển 90% trên tổng số HS dự tuyển vào trường. Tuy nhiên, để có cơ sở thực tiễn tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án tuyển sinh, sở phát phiếu trưng cầu ý kiến của lãnh đạo các trường THPT và phòng GDĐT. Liên quan đến Thông tư 02 mới đây (30.1.2013) của Bộ GDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó Điều 10 quy định “chỉ xét tuyển đối với các trường không có điều kiện tổ chức thi tuyển hoặc có số HS đăng ký tuyển sinh không vượt quá chỉ tiêu vào trường”, ông Thắng cho rằng, sẽ kiến nghị bộ xem xét bãi bỏ quy định bất hợp lý này. Hơn nữa, điều này yêu cầu các địa phương phải phân vùng sao cho hợp lý, tránh tình trạng trường quá nhiều HS, trường lại quá ít HS đăng ký.
Theo ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GDĐT, việc tổ chức xét tuyển có nhiều ưu điểm như vừa tránh áp lực cho HS, phụ huynh trong vấn đề học thêm, thi cử, giáo viên có thêm thời gian nghỉ hè; vừa đỡ tốn kém ngân sách và tiền của người dân để mở kỳ thi. Hơn nữa, phân tuyến để tạo ra sự công bằng trong tuyển sinh, giúp nâng cao chất lượng đồng đều giữa các trường THPT. |
Có thể thấy quan điểm của sở và lãnh đạo nhiều trường THPT vẫn nghiêng về phương án xét tuyển có sự phân vùng như năm học trước. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa không gây áp lực cho các trường, vừa giải quyết bài toán thừa - thiếu chỉ tiêu hoàn toàn không đơn giản bởi quá trình phân tuyến khá phức tạp. Phân tuyến ở bậc tiểu học, THCS thì dễ vì tuyển 100% nhưng phân tuyến vào lớp 10 lại rất khó do có HS bị rớt. Thực tế trong năm vừa qua, có đến 9 trường THPT thiếu chỉ tiêu trong khi nhiều trường lại bị “ép” phải nhận thêm học trò. Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) - Phạm Tấn Sáu nói: “Chỉ tiêu phải dựa trên thực tế đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất các trường. Tuy nhiên, năm qua trường phải tuyển 18 lớp trong khi chỉ có thể đáp ứng 15 lớp nên buộc phải “vét” tất cả các phòng hiện có mới đủ cho giảng dạy”. Còn Hiệu trưởng trường THPT Phạm Văn Đồng (Quế Sơn) - Trần Hàn Vũ đề nghị: “Cùng với trường THPT Hà Huy Tập (Tam Kỳ), số phận của chúng tôi tùy thuộc vào việc tuyển sinh có được hay không. Năm trước, chỉ còn 15 ngày nữa là khai giảng mà sở vẫn còn cho thêm chỉ tiêu các trường công lập gây ảnh hương rất lớn đến việc tuyển sinh của trường”.
Hợp lý?
Sở dĩ phải đặt lại câu hỏi trên vì lãnh đạo Sở GDĐT cũng chưa hoàn toàn khẳng định phương án xét tuyển theo tuyến trong tuyển sinh lớp 10 như vừa qua là khoa học, hợp lý và hiệu quả nhất. Hơn nữa, có khá nhiều ý kiến trái chiều xung quanh phương án tuyển sinh lần đầu tiên thực hiện này. Vậy nên mới có việc sở đưa ra trưng cầu ý kiến trong lãnh đạo các trường THPT, phòng GDĐT về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2013-2014.
Còn nhớ tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 - khóa XX (tổ chức vào tháng 12.2012), trong phiên thảo luận tại hội trường, ông Trần Xuân Thọ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy nêu vấn đề chất lượng giáo dục thấp, có chuyện HS lớp 10 trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) không đọc được, không cộng phân số được phải chăng là do tuyển sinh không chất lượng. Cũng đề cập về chất lượng giáo dục hiện nay, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự nói thẳng: “Do xét tuyển phân tuyến nên HS dốt, không cần học vẫn vào được lớp 10. Lâu nay HS phải nỗ lực học tập để thi vào các trường chất lượng nhưng hiện nay đâu cần học. Đó là một mâu thuẫn và “giết chết” xã hội hóa giáo dục như trường Hà Huy Tập chẳng hạn do HS vào trường công lập hết rồi”. Còn ông Nguyễn Đình Tâm - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh thì cho rằng thi đại học quy định có điểm sàn còn xét tuyển lớp 10 không bị hạn chế về điểm nên không có “rào chắn”, học yếu cỡ nào cũng được tuyển vào dẫn đến chất lượng thấp.
Rõ ràng, tiếp tục xét tuyển theo tuyến trong tuyển sinh vào lớp 10 như năm vừa qua hay thi tuyển kết hợp xét tuyển có 2 nguyện vọng như trước đây, phương án nào hợp lý nhất vẫn còn là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Tuy nhiên, có thể thấy rằng phương án xét tuyển theo tuyến không những không nhận được nhiều sự đồng thuận mà còn đối diện với quá nhiều ý kiến trái chiều.
Xuân Phú