(QNO) - Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 vào sáng nay 14.11, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết năm 2018, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho gần 2.000 người.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo cũng nêu địa phương có khiếu nại, tố cáo nhiều và số lượng đoàn đông người đứng đầu cả nước là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... Đáng chú ý hơn, thời gian gần đây có nhiều vụ người đi tố cáo, khiếu nại đã có hành vi đe dọa tự thiêu; tấn công lực lượng công an đang làm nhiệm vụ. Thậm chí có hành vi phạm pháp luật nghiêm trọng, chiếm giữ trụ sở chính quyền cơ sở; chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản của Nhà nước.
Thu hồi hàng trăm tỷ đồng sai phạm
Năm 2018, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 27.583 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.802 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.
Trong đó, về giải quyết tố cáo, Thanh tra Chính phủ kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý 4 vụ việc tố cáo do Thủ tướng Chính phủ giao. Phân tích kết quả giải quyết 6.390 vụ việc tố cáo cho thấy: có 12,4% tố cáo đúng, 66,1% tố cáo sai, hơn 21% có đúng có sai. Qua giải quyết tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 105,8 tỷ đồng, 4ha đất; bảo vệ quyền lợi cho 442 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý 406 người.
Về giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tính đến giữa tháng 8.2018, các cơ quan hành chính nhà nước đã rà soát, giải quyết 511 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ. Có 427 vụ việc đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý (83,6%), đã ban hành 259 thông báo chấm dứt. Qua xem xét các địa phương đã có phương án giải quyết quyền lợi và hỗ trợ cho công dân hơn 27 tỷ đồng, 1,08ha đất sản xuất, 1.976m2 đất ở. Có 13 địa phương báo cáo không còn vụ việc phức tạp, kéo dài.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trước tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị với các bí thư, chủ tịch UBND các địa phương có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, các ngành, các cấp thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm giải quyết cơ bản tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài nói riêng.
Khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm 2018 tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017. Cụ thể: tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước tăng 4,7%, nhưng số lượt đoàn đông người không tăng so với năm 2017.
Về khiếu nại, so với năm 2017 tăng 3,3% số đơn và 1,6% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số, trong đó tập trung vào vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tranh chấp đất đai, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản…
Đáng chú ý trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ liên quan đến tố cáo là báo cáo này nêu nội dung người dân, doanh nghiệp tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ; bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo, chủ yếu là do kết quả giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khiếu nại.
Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng. Trong đó một số đoàn đông người và công dân khiếu kiện dài ngày mang theo băng rôn, khẩu hiệu đến trụ sở các cơ quan Trung ương và nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, có thái độ quá khích, hành vi manh động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Đáng chú ý là một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Nhiều công chức xem nhẹ tố cáo của người dân
Thanh tra Chính phủ nêu những nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay bao gồm công tác quản lý nhà nước và việc thực thi pháp luật của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có thiếu sót, vi phạm. Một số công chức thiếu trách nhiệm khi thi hành công vụ, khi làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân, thậm chí gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, dẫn đến công dân bức xúc, phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện. Một số quy định của pháp luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn cần sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, nhất là trong lĩnh vực đất đai...
KỲ DUYÊN