Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý công văn, triển khai nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã ở huyện Nam Trà My đã mang lại hiệu quả nổi trội và đang được khuyến khích mở rộng. Trong một năm trở lại đây, các chủ tịch UBND xã ở Nam Trà My đều trang bị thiết bị di động thông minh, chủ yếu là máy tính bảng (MTB), kết nối internet, rất tiện lợi cho công việc.
Ông Trần Vĩnh Thơ - Chủ tịch UBND xã Trà Don thao tác trên iPad để tiếp nhận thông tin từ huyện. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
“Chạm” để nhận công văn, thông báo
Đang làm việc với chúng tôi, ông Hồ Văn Thuấn - Chủ tịch UBND xã Trà Nam cáo lỗi vì phải tạm dừng cuộc trò chuyện. Ông mở MTB, sau vài lượt chạm lướt, ông sang phòng bên cạnh. Lát sau ông Thuấn quay về, nói: “Các anh thông cảm, mình mới nhận thông báo của huyện nên thông tin cho cán bộ liên quan để triển khai. Bây giờ mình nhận thông tin gì từ huyện cũng qua MTB này, nhanh lắm, nên chủ động triển khai liền. Chứ như hồi trước, mỗi khi có công văn, thông báo nào cũng do giao liên, văn thư mang đến. Từ trung tâm huyện về đây mất hơn nửa ngày, nhiều lúc vừa nhận xong, nhất là công văn, thông báo khẩn, mình phải cuống cuồng triển khai. Như thế, tuy việc cũng xong, nhưng không hiệu quả lắm. Nay thì cải thiện nhiều”.
Còn ông Trần Vĩnh Thơ - Chủ tịch UBND xã Trà Don thì “xịn” hơn khi sắm hẳn ipad để phục vụ công việc. Ông kể, ban đầu khi huyện khuyến khích cán bộ trang bị, ông đã tìm hiểu kỹ về các thiết bị trước khi mua. Sau cùng, ông quyết định dành tiền đầu tư hẳn chiếc ipad. Bởi, ngoài phục vụ công tác, ông còn muốn ghi lại hình ảnh, âm thanh những lúc đi cơ sở, về với bà con thôn bản. Thời gian đầu làm quen với thiết bị, ông Thơ khá lóng ngóng, nhưng bây giờ đã sử dụng thành thạo, tương tác tốt với huyện và các cơ quan khác trong công việc, bản thân ông cũng không cần phải di chuyển xa xôi, vất vả như trước. Chúng tôi quan sát, trên bàn làm việc của ông Thơ không có mấy giấy tờ, công văn cấp huyện càng không. Ông bảo, công văn giấy tờ đều nằm trong chiếc ipad, chỉ những việc quan trọng mới in ra treo lên tường theo mục hẳn hoi để dễ quan sát và theo dõi việc thực hiện.
Việc lãnh đạo các xã dùng thiết bị thông minh giúp cho những người làm công tác văn thư, chuyển giấy tờ của huyện đến các xã ở Nam Trà Mỹ đỡ vất vả hẳn, dành thời gian đấy cho những công việc khác. Một cán bộ từng làm công tác giao liên cho biết: “Công việc của mình thì mình làm thôi, nhưng “ớn” nhất là những khi chuyển giấy tờ khẩn đến các xã trong điều kiện thời tiết xấu, đặc biệt là mùa mưa lũ. Những xã xa như Trà Nam, Trà Linh, Trà Cang…, nhiều khi phải mất 2 ngày cho cả đi lẫn về. Nay thì khỏe rồi, có gì cứ gửi qua internet hết”.
Khuyến khích mở rộng
Chủ trương khuyến khích cán bộ xã sử dụng thiết bị di động thông minh để tương tác công việc được ông Hồ Quang Bửu phát động ngay từ ngày đầu về nhận chức Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, hồi năm 2014. Ông Bửu cho biết, ban đầu huyện khuyến khích các chủ tịch UBND xã mua sắm thiết bị di động để tiện hơn vì nó mang tính tức thì, phát huy tối đa tiện ích của công nghệ số. Sau đó huyện mở các lớp tập huấn sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị thông minh cho cán bộ lãnh đạo xã tiếp cận. “Tất cả chủ tịch UBND xã trên địa bàn huyện nay đều có thiết bị thông minh di động và hầu hết phó chủ tịch UBND xã cũng đã có. Chúng tôi đang khuyến khích mở rộng cho tất cả cán bộ xã, thôn trang bị và sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, đồng thời mở thêm các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ xã” - ông Bửu nói.
Mới đây nhất, khi nhận được tin từ tỉnh trong triển khai công tác phòng chống bão số 3, huyện Nam Trà My phát đi thông báo trên mạng, hôm sau đi kiểm tra, các xã đều thực hiện tốt. Theo ông Bửu, khi sử dụng phương thức này, trung bình mỗi tháng huyện Nam Trà My tiết kiệm được gần 10 triệu đồng tiền in các loại giấy tờ để chuyển đến các xã. Ngoài ra, nó còn phát huy hiệu quả hơn so với cách làm cũ. Chẳng hạn, trước đây, khi huyện triển khai công việc gì, đến khi đi kiểm tra, thấy địa phương không thực hiện, hỏi thì họ bảo không nhận được thông báo. Nay, bất cứ công văn, thông báo gì cũng đưa lên trang thông tin điện tử của huyện. Các xã đều có tài khoản người dùng, nên huyện sẽ biết được xã đó đọc thông báo hay không, thậm chí là khi nào và bao nhiêu lần. Sau này lấy đó làm căn cứ truy trách nhiệm của xã nếu không làm tốt công việc. Nhiều cuộc họp khẩn, huyện vừa đưa lên mạng, một lát sau kiểm tra đã thấy các xã “nhận” thông tin cuộc họp hết.
Ông Bửu còn cho biết, Nam Trà My đang thực hiện đổi mới trang thông tin điện tử của huyện. Theo đó, sẽ cập nhật đăng tải nhiều thông tin hơn, không chỉ bó hẹp trong huyện, tỉnh mà cả những vấn đề nóng trên cả nước. Những chương trình lớn đang triển khai ở huyện sẽ được tập trung trong các mục cụ thể. Đặc biệt, website của huyện cũng đang thu hút được một số doanh nghiệp đặt banner quảng cáo. “Điều này là một tín hiệu vui, có quảng cáo, sẽ giúp anh em làm nội dung, kỹ thuật có thêm thu nhập, tích cực hơn trong công việc để trang tin của địa phương ngày càng phong phú và đa dạng, phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân địa phương” - ông Bửu nói.
XUÂN KHÁNH