Dù đã có nhiều đề tài khoa học - công nghệ (KH-CN) được triển khai, song, đến nay, việc ứng dụng KH-CN vào vùng sâm còn hạn chế: việc di thực cây sâm Ngọc Linh vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi; khâu tạo giống chuẩn còn yếu, khâu quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm sâm Ngọc Linh còn bỏ ngỏ...
Nhiều đề tài, dự án
Việc đưa cây sâm Ngọc Linh từ một loài cây nằm trong Sách đỏ Việt Nam nay được trồng rộng rãi ở vùng Nam Trà My, trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” của miền núi là quá trình nỗ lực của tỉnh, trung ương trong công tác, bảo tồn, phát triển. Đã có hàng chục đề tài, dự án lớn nhỏ về ứng dụng KH-CN vào khâu nhân giống, quản lý dịch hại, tạo cây sâm giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô; nghiên cứu, di thực sâm Ngọc Linh từ huyện Nam Trà My lên xã Ch’Ơm (Tây Giang). Một vài doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm từ sâm (viên nang mềm, nước tăng lực, rượu).
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia; sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ thương hiệu chỉ dẫn địa lý trong nước. UBND tỉnh có Quyết định 2950, HĐND tỉnh có Nghị quyết về bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh; Sở NN&PTNT ban hành hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Sở KH-CN cũng tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ như đề tài “Nghiên cứu biện pháp canh tác và quản lý dịch hại hợp lý nhằm phát triển cây sâm núi Ngọc Linh tại Quảng Nam”; “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN về nhân giống hữu tính nhằm nâng cao tỷ lệ và chất lượng cây giống sâm Núi Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”... Bộ KH-CN cũng thống nhất kinh phí để địa phương triển khai thực hiện 2 đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và xây dựng nguồn giống gốc cây sâm Núi Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” và “Nghiên cứu, ứng dụng internet vạn vật (IoT) để quản lý vùng sâm gốc và khu bảo tồn giống cây sâm Núi Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My”...
Khâu tạo giống cần chú trọng
Dù các cấp, ngành đã có nhiều động thái tích cực trong việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, song nhìn chung, việc ứng dụng KH-CN vào phát triển vùng sâm vẫn chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa tạo những chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt khâu nhân giống đại trà, tạo giống chuẩn vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện sâm Ngọc Linh được phát triển tại 7 xã của huyện với số hộ trồng sâm tăng lên hơn 900 hộ, đăng ký hơn 1.200ha dịch vụ môi trường rừng trồng sâm. Người dân có ý thức giữ rừng để trồng sâm, chủ động vay vốn trồng. Đã có 6 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm với gần 100ha (3 doanh nghiệp triển khai trồng). Song, cấp thiết là khâu nhân giống sâm hàng loạt, tạo giống chuẩn chưa được chú trọng. Giá bán sâm giống rất đắt đỏ, chất lượng giống chưa được kiểm định, khó kiểm soát cây sâm giống ngoại lai. Việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô sản xuất giống sâm do Sở KH-CN và Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My chủ trì chưa đạt kết quả mong đợi. Theo ông Bửu, cần có cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tạo giống chuẩn, có chức năng kiểm định chất lượng giống, bảo vệ thương hiệu sâm núi. Huyện đã nhiều lần đề xuất các cấp, các ngành đưa ra chuẩn sản xuất giống sâm chuẩn; trồng, bảo quản và sản xuất sản phẩm từ sâm phù hợp chuẩn quốc tế để dễ xuất khẩu.
Cần thiết bị quản lý, kiểm soát
Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý sâm giả, người có hành vi vi phạm thương hiệu sâm Ngọc Linh vẫn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Huyện Nam Trà My đề xuất, các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương sớm thành lập đội liên ngành, thường xuyên kiểm tra các địa điểm kinh doanh mua bán sâm tươi, sản phẩm sâm Ngọc Linh, các nơi chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Vấn đề an ninh sâm, bảo vệ vùng sâm gốc có giá trị là nhiệm vụ cấp thiết.
Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My chủ trì đề tài “Nghiên cứu, xây dựng mô hình và ứng dụng internet vạn vật để quảng bá và giám sát hiệu quả khu bảo tồn giống sâm gốc Ngọc Linh, huyện Nam Trà My”. Theo ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, hiện việc quản lý giống, kiểm soát khâu trồng sâm còn thủ công. Công nghệ IoT được huyện trang bị để bảo vệ vùng sâm gốc giúp giám sát các yếu tố môi trường, nhiệt độ, độ ẩm, pH tăng hay giảm để cơ quan quản lý, người trồng sâm có giải pháp tác động, giúp giám sát vùng sâm, cảnh báo chống mất trộm. Song việc triển khai công nghệ gặp khó khăn do thời tiết, khí hậu, những hệ thống áp dụng bắt ở ngoài trời, thiết bị nhanh bị hư hỏng do môi trường, độ ẩm cao, khó khăn trong duy trì hệ thống. “Trung tâm chỉ mới đầu tư công nghệ IoT quản lý vùng sâm gốc và từng bước nghiên cứu, đề xuất hướng nhân rộng mô hình. Còn để kiểm soát, quản lý tốt đầu ra, cần có thiết bị kiểm định phân biệt sâm thật, sâm giả. Hằng tháng, hằng quý các cơ quan chức năng lấy mẫu ngẫu nhiên, test ngẫu nhiên tại các vườn, chốt trồng sâm, nếu phát hiện trồng sâm không rõ xuất xứ, trồng sâm ngoại lai, sẽ xử lý triệt để” - ông Quý nói.